edf40wrjww2tblPage:Content
Cứ thấy chữ “Thị” là... muốn gạch bỏ?
Bà Thái Hồng Mai (Phó bí thư H.Bình Chánh) tạo sự chú ý với phát biểu “rất phụ nữ”: “Tôi làm việc ở huyện ngoại thành nên càng thấy rõ vấn đề trọng nam khinh nữ. Trong các cuộc bầu cử, nhiều người vẫn còn phản xạ cứ thấy chữ “Thị” là gạch bỏ. Có lẽ, điều này xuất phát từ định kiến về giới. Thế nên, ứng viên là nữ ít nhiều gặp thiệt thòi so với nam”.
Bà Hồng Mai cũng mạnh dạn chỉ ra, sự thiệt thòi mà ứng viên nữ phải chịu không chỉ đến từ người khác giới, mà chính phụ nữ cũng làm khó phụ nữ. Khi bầu cử, một cử tri nữ có thể “soi” ứng viên nữ kỹ hơn ứng viên nam. “Ở Bình Chánh, có một chị nguyên là hiệu trưởng, có trình độ, có năng lực nhưng khi bầu vào cấp ủy vẫn rớt” - bà Mai dẫn chứng.
Rào cản khiến cán bộ nữ khó được đề bạt không chỉ đến từ bên ngoài, mà từ tự thân những ứng viên nữ. Là cán bộ nữ năng nổ, được cấp trên đánh giá tốt nhưng bà Mai thừa nhận: “Phụ nữ vẫn còn tính e dè nên chưa thực sự mạnh mẽ trong công việc, ngại từ chối hoặc không có kỹ năng từ chối nên đôi khi “ôm” một lúc quá nhiều việc, khiến công việc bị ảnh hưởng, ngại đi học vì cảm thấy không đủ thời gian dành cho gia đình…”.
Ông Trần Trung Trực (Ban Tổ chức trung ương) chia sẻ: “Tôi đi công tác qua nhiều tỉnh, thấy những tỉnh có nữ làm bí thư tỉnh ủy thì tỷ lệ cán bộ nữ lại thấp. Tôi từng thẳng thắn đặt vấn đề này với một nữ bí thư tỉnh ủy, vị đó trả lời “cũng muốn bổ nhiệm nữ cán bộ lắm, nhưng tìm không ra người”. Vấn đề thực sự có phải do thiếu nhân sự nữ có năng lực hay khúc mắc ở chỗ khác? Nếu thiếu ứng viên nữ thì công tác quy hoạch, đào tạo phải thay đổi thế nào cho hiệu quả?”.
Ông Trực còn đưa ra một vấn đề đáng lưu ý là hiện nay, nữ cán bộ ở cấp cơ sở khá nhiều, nhưng càng lên cao càng ít. Theo ông, lý do mà nhiều người vẫn nại ra là phụ nữ không chịu được áp lực, không quyết đoán, không có điều kiện nâng cao trình độ…, đều thiếu thuyết phục.
Bà Thái Hồng Mai (Phó Bí thư H.Bình Chánh): Muốn làm tốt công tác cán bộ nữ, cần xóa được định kiến về giới
Mạnh dạn đề bạt và hỗ trợ
Ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM tỏ ra tâm huyết với vấn đề giao trọng trách cho cán bộ nữ. Ông chia sẻ: “Những đơn vị trình đề án nhân sự cho nhiệm kỳ mới mà chưa đảm bảo số lượng nữ, tôi đề nghị không bầu nam vào thế, cứ để trống và tìm nhân sự nữ bầu bổ sung sau. Bởi, nhiệm kỳ này chưa có nữ, chờ đến nhiệm kỳ sau thì “mất” 5 năm, thiệt thòi cho cán bộ nữ quá, nhất là khi tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam”.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư thường trực Q.2, một trong những nguyên nhân cơ bản để tỷ lệ nữ được bầu chưa cao là do cấp trên chưa dám giao việc, chưa tự tin đề bạt. “Theo tôi, với những cán bộ nữ thể hiện được tố chất, bước đầu khẳng định được năng lực, cứ mạnh dạn đề bạt rồi bồi dưỡng sau. Ở Q.2, ban đầu cũng có người e ngại khi chọn cán bộ nữ giữ trọng trách, nhưng chúng tôi đã mạnh dạn đề bạt, thậm chí đề bạt hai cán bộ nữ giữ vị trí quan trọng ở hai phường có tình hình phức tạp về vấn đề bồi thường giải tỏa nhà đất. Và các chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi thấy các cán bộ nữ tận tụy, chu đáo nên khi giao việc cho họ, mình rất yên tâm”.
Đồng thuận với ông Sơn, ông Trần Trung Trực cho rằng: “Một số nơi vẫn còn tâm lý e ngại bầu cán bộ nữ vào cấp ủy. Có người lấy lý do “cô ấy còn mới quá” hay “cô ấy còn trẻ quá chưa có kinh nghiệm”. Phải cho người ta cơ hội, từ việc nhỏ và dần giao nhiệm vụ lớn hơn để vừa thử thách vừa rèn luyện, chứ đâu ra người có sẵn kinh nghiệm để chọn? Trong công tác tổ chức cán bộ, sự mạnh dạn là cần thiết”.
Để làm tốt công tác cán bộ nữ, theo ông Võ Văn Thưởng, cần phải có đủ ba yếu tố: sự quyết tâm, chuẩn bị nguồn nhân sự dồi dào và đánh giá khách quan, mạnh dạn giao việc. Ông Thưởng thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chưa dám mạnh dạn giao việc cho người mới, người trẻ vì thực tế đang tồn tại tình trạng "đã giao việc rồi thì khó lấy lại", nên người giao cứ đắn đo, suy nghĩ rất lâu.Theo tôi, chúng ta cứ mạnh dạn giao việc, nếu người được giao không hoàn thành, cứ chuẩn bị tâm lý nhẹ nhàng rời bỏ để làm việc khác phù hợp hơn. Đó cũng là văn hóa của cán bộ”.
TRẦN TRIỀU
Bà Nguyễn Thị Tô Châu - Phó trưởng ban tổ chức Thành ủy TP.HCM cho biết: Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015: cấp phường, xã, thị trấn là 33,1%; cấp quận, huyện 26,6%; cấp thành phố 18,8%. Tỷ lệ sở, ban, ngành thành phố và UBND các cấp trên địa bàn thành phố có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 69,4%. Tỷ lệ nữ cán bộ chủ chốt ở các quận, huyện và phường, xã chiếm 34,8%. Các địa phương có tỷ lệ nữ cán bộ chủ chốt cao như Q.3: 41,8%; Q.6: 43,5%; Hóc Môn: 40,7%... Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, thành ủy xác định yêu cầu cơ cấu nữ được quy hoạch đạt 30% trở lên (chỉ tiêu Trung ương là 25%). |