Công tác bảo mật tại Việt Nam còn bị xem thường

22/08/2018 - 11:37

PNO - Tội phạm công nghệ cao đang ngày càng gia tăng. Đối với tội phạm tấn công ATM, chỉ xây dựng biện pháp phòng, chống trực tiếp từ trụ ATM là chưa đủ.

Bọn tội phạm hiện nay thường dùng mã độc tấn công, trong khi thị trường thiết bị di động thông minh đang tăng lên nhanh chóng. Giao dịch ngân hàng thông qua điện thoại càng nhiều, bọn tội phạm sẽ phát tán mã độc lên thiết bị này rồi đánh cắp thông tin để làm thẻ giả.

Cong tac bao mat tai Viet Nam con bi xem thuong

Tiến sĩ Chu Nguyên Bình

Việt Nam xếp thứ ba về quốc gia có số người dùng di động bị mã độc tấn công nhiều nhất trên thế giới. Việc sử dụng thiết bị điện thoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng thanh lý cũng vô tình khiến khách hàng trở thành nạn nhân của mã độc.

Xu hướng gia tăng ứng dụng truy cập qua hệ thống mạng riêng ảo (kết nối nhiều người ở xa với nhau thông qua một mạng riêng nhằm tiết kiệm chi phí, chia sẻ nhiều thông tin) cũng tạo điều kiện cho bọn tội phạm có điều kiện khai thác thông tin.

Trong khi đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm này ở khách hàng còn khá thấp. Điện thoại thông minh cũng là một máy tính nhưng phần lớn các thiết bị này không sử dụng phần mềm diệt vi-rút hoặc thiết lập tường lửa để bảo vệ, cài mật khẩu (password) hoặc mã PIN. Có 87% người dùng tại Việt Nam ý thức nguy cơ mất an toàn thông tin mạng nhưng chỉ có 32% có ý thức bảo vệ đúng đắn.

Phần lớn các cơ quan, tổ chức cho phép sử dụng thiết bị cá nhân truy cập vào mạng lưới làm việc nhưng có tới 74% thiết bị không sử dụng bất kỳ biện pháp bảo mật thông tin nào, trong khi chi phí mua và sử dụng các phần mềm bảo vệ thường không lớn.

Hiện nay, xuất hiện nhiều diễn đàn tin tặc như … với hàng ngàn thành viên được xây dựng để các đối tượng xấu giao dịch bất hợp pháp, mua bán thông tin thẻ tín dụng bị trộm cắp/làm giả, trao đổi kinh nghiệm, cách thức, công cụ, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm nhưng đều bị buông lỏng quản lý.

Cong tac bao mat tai Viet Nam con bi xem thuong
Công tác bảo mật tại Việt Nam còn bị xem thường. Ảnh minh họa.

Hành lang pháp lý với loại hình tội phạm này còn bất cập và hạn chế cũng là lý do khiến loại hình tội phạm này tăng mạnh. Ví dụ, một vụ lừa đảo bằng công nghệ cao (CNC), có tới hàng trăm người bị hại khắp các nơi trên thế giới nhưng luật quy định cơ quan điều tra phải xác minh, ghi lời khai của tất cả ngần ấy người là vượt quá khả năng của cơ quan điều tra.

Kinh nghiệm và nhân sự phòng, chống tội phạm công nghệ cao của ngân hàng cũng như cảnh sát Việt Nam còn khiêm tốn trong khi tình hình tội phạm này phát triển nhanh như vũ bão.

Hiện cả nước chỉ mới có Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 Bộ Công an), một phòng PC50 của Công an TP.Hà Nội, cùng tám đội cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại công an các tỉnh, thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ, Tây Ninh.
Ngoài ra, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan đến loại tội phạm này, cùng với việc xử lý tội phạm này còn nhẹ, phương tiện máy móc phục vụ hoạt động điều tra còn hạn chế, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhân viên ngân hàng chưa tốt… khiến hiệu quả phòng, chống loại tội phạm này còn hạn chế.

Tiến sĩ Chu Nguyên Bình
Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI