Cộng nhiều kẻ mạnh thành dân tộc yếu

07/05/2015 - 07:13

PNO - PN - Xem tấm biển quảng cáo một nhãn hiệu bia của Việt Nam (ảnh), có chút gì đó nửa như mỉa mai, nửa như chua xót.

Cong nhieu ke manh thanh dan toc yeu

Ảnh chụp tại một quán ăn ở Lâm Đồng (Phụ Nữ Online đã làm mờ nhãn hàng).

Tự hào ư? Liệu có cần phải nói rõ thêm có bao nhiêu người Việt Nam tự hào về khả năng uống bia cực siêu của dân tộc mình, về nhu cầu ăn nhậu thuộc hàng đầu trong khu vực và nằm trong "top" của thế giới?

Với tôi, đó là niềm tự hào đáng xấu hổ chứ chẳng có gì hay ho để hãnh diện, khoe khoang!

Có lẽ chẳng ở đâu, người dân có nhiều lý do để ăn nhậu như ở ta, phải chăng vì rượu bia được sản xuất vô tội vạ nhưng lại không bị kiểm soát chặt chẽ?

Người ta uống bia bất kể khi vui hay buồn, có khi chỉ đơn giản vì... quá rảnh! Tăng lương: nhậu; mua đồ mới: "rửa"; xây nhà mới: ăn tân gia; xin được việc: khao; thất tình: nhậu...

Dù có nhiều cách nói khác nhau nhưng chung quy cũng là nhậu! Điều đáng nói là tuổi đời của thanh niên bắt đầu uống bia rượu ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, chưa kể phụ nữ ngày nay cũng uống bia không thua gì nam giới.

Lúc đầu, có thể chỉ để cho vui hay xã giao, lâu dần thành thói quen. Cứ gặp gỡ, họp mặt nhau là phải có bia rượu mới chịu được, thậm chí có người còn nhậu "chay", nghĩa là uống thôi không cần "mồi", hoặc vài ba xị rượu đế với ít cóc ổi xoài chua cũng làm nên một cuộc nhậu.

Trước kia, tôi chỉ thấy thanh niên ở các vùng quê xa xôi nghiện rượu vì họ quá rảnh rỗi, đã vậy lại không có hình thức sinh hoạt lành mạnh nào để họ giải trí. Nhưng nay thì nhà nhà, người người đều nhậu; giàu thì nhậu nhà hàng, quán sang, nghèo thì nhậu vỉa hè, quán cóc.

Có lẽ không có ở đâu như ở ta, sáng trưa chiều tối gì quán nhậu cũng có khách, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Có dịp "nhậu" với những người đến từ các nước khác, tôi nhận thấy họ chỉ nhậu để xã giao cho vui, vì mục đích giao tiếp là chính.

Nhưng họ uống rất chừng mực và luôn kiểm soát được cảm xúc cũng như hành vi của mình, tuyệt nhiên không có chuyện gây gổ, văng tục, đánh nhau, bạo hành vợ con sau khi say rượu.

Nếu thử làm một cuộc điều tra xã hội học về con số trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ khi sống với người cha nghiện rượu, những người vợ bất hạnh khi vớ phải những cái "hũ chìm" hay số tai nạn giao thông, bệnh tật có nguyên nhân từ rượu, tôi tin rằng kết quả thu được sẽ khiến nhiều người phải bật khóc vì quá đau lòng.

Nực cười thay khi Việt Nam lại là một trong những quốc gia có "chỉ số hạnh phúc" cao nhất thế giới!

Nhiều lần đi dự tiệc cưới, liên hoan, sinh nhật, nhìn các ông rót rượu bia như thác đổ mà tôi xót xa! Những thứ nước độc hại ấy nếu quy ra tiền chắc cũng được một khoản không nhỏ, nhưng sức khoẻ giữ được nhờ việc nói không với những thứ độc hại ấy mới là những thứ đáng để những "đệ tử lưu linh" cân nhắc trước khi nhắm mắt đưa... cay!

Trên bàn nhậu, các "bợm" thường thách nhau kiểu như ai uống được nhiều sẽ được xem là (tửu lượng) mạnh. Nhưng nhiều kẻ "mạnh" kiểu này sẽ tạo nên một dân tộc yếu ớt về mọi mặt: kinh tế, sức khoẻ, tinh thần, chưa kể hậu quả còn ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống.

Một người chồng, người cha nghiện rượu thì không thể sinh ra một đứa con thông minh, khoẻ mạnh, chưa kể người cha ấy không đủ tư cách để giáo dục con mình qua hình ảnh một người cha tối ngày say xỉn.

Hỡi các ma men đang thiêu đốt đời mình trong men rượu, trong lúc hồn nhiên "một, hai, ba... dzô" cùng các chiến hữu của mình, có khi nào các ông nghĩ đến việc uống rượu bia như nước lã của các ông đang làm nghèo thêm, làm lụn bại đi một dân tộc hay không?

LÊ THỊ NGỌC VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI