Công nhân Việt Nam tại Guinea Xích đạo chờ ngày về trong âu lo

17/07/2020 - 07:16

PNO - Có 116 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong số hơn 219 công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường thủy điện Sendje, tỉnh Litorial, nước Cộng hòa Guinea Xích đạo. Số ca dương tính có thể tăng lên khi các công nhân đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm chéo trong lúc chờ chuyến bay hồi hương.

 

Những người có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 dùng chung nhà ăn với người âm tính - Nguồn: công nhân cung cấp
Những người có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 dùng chung nhà ăn với người âm tính - Nguồn: công nhân cung cấp

Hôm 16/7, từ công trường thủy điện Sendje, các công nhân cho biết, những ngày qua, họ vẫn phải làm việc và sinh hoạt chung với những công nhân đã nhiễm bệnh của tổng thầu Duglas (Anh). Một công nhân lo lắng kể: “Tổng thầu sắp xếp người âm tính và dương tính đi chung xe với nhau, làm việc cùng nhau trên công trường, đến giờ ăn thì xếp hàng ăn chung trong nhà ăn. Họ không có biện pháp cách ly nào cả, nên rủi ro bị nhiễm là khó tránh khỏi”.

Bên cạnh đó, theo các công nhân, ngày 15/7, ban quản lý của một nhà thầu phụ Việt Nam đã động viên những người có kết quả dương tính nhưng không có các triệu chứng nặng tiếp tục ra công trường. Trong số 116 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, chỉ có một số ít được đưa đến bệnh viện, phần lớn phải cách ly ngay tại khu nhà ở của công nhân. “Bây giờ, không ai dám khẳng định mình hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Chúng tôi chỉ mong sớm đến ngày về nước để được xét nghiệm, cách ly và chữa trị đàng hoàng” - một công nhân yêu cầu giấu tên của Công ty CMVietNam, nói. 

Theo ông Đỗ Văn Thưởng - Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Lilama10 - trong 16 người của công ty dương tính với vi-rút, đã có một trường hợp khỏi bệnh và xuất viện, năm người đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện La paz (thành phố Bata), 10 người còn lại tuy có kết quả dương tính nhưng không có triệu chứng sốt, tức ngực, đang được cách ly tại công trường. “Tổng thầu là người châu Âu, họ quan niệm dịch bệnh COVID-19 không nguy hiểm nên ứng xử có phần chủ quan. Đến thời điểm này, cán bộ, công nhân của các nhà thầu phụ khác vẫn làm việc bình thường” - ông Thưởng nói. 

Các công nhân điều trị tại Bệnh viện La paz hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt và điều trị: thường xuyên thiếu thuốc, thiếu thức ăn, thiếu nước sạch. Một công nhân đang điều trị COVID-19 ở bệnh viện này kể: “Lúc trước, bệnh viện cấp một chai nước uống nhỏ kèm phần ăn, nhưng mấy ngày nay thì ngưng cấp. Anh em có mang theo bình nấu nước nhưng nước máy ở đây có màu vàng đục, chúng tôi không dám tắm giặt, nói chi đun uống”. Một bệnh nhân khác nói thêm: “Ở đây cũng không được điều trị, không có thuốc men, chẳng thà cho chúng tôi về cách ly ở công trường để còn được ăn uống đầy đủ, có sức chờ ngày về”. 

Hiện Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ chỉ đạo Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) xây dựng kế hoạch và chi phí thực hiện chuyến bay; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các công ty nhà thầu phụ liên quan phối hợp với đối tác nước ngoài để chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến bay. Công ty Lilama10 và CMVietNam cho hay, trước mắt sẽ chịu toàn bộ chi phí đưa người lao động của công ty về nước. 

Theo ông Đỗ Văn Thưởng, do tổng thầu và các nhà thầu phụ Việt Nam có quan điểm khác nhau về dịch bệnh nên việc công ty đưa công nhân về nước sẽ không tránh khỏi vi phạm hợp đồng: “Sau khi sơ tán công nhân về nước, đại diện tổng thầu và Lilama10 sẽ phải ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan đến các hợp đồng đã ký. Thiệt hại, tổn thất của các bên là không thể tránh khỏi”. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã cử nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu chuẩn bị lên đường sang Guinea Xích đạo đón toàn bộ 219 công nhân về nước. Hôm 16/7, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã làm việc với đại diện ba nhà thầu phụ, lập danh sách các trường hợp có biểu hiện lâm sàng và những trường hợp đang được điều trị ở cơ sở y tế để lập kế hoạch y tế cho chuyến bay và hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện một nhà thầu phụ của Việt Nam có công nhân đang làm việc tại công trường thủy điện Sendje cho hay, chuyến bay dự kiến sẽ khởi hành trong khoảng từ ngày 3 - 10/8. Lịch bay phụ thuộc vào quá trình Vietnam Airlines thỏa thuận được sân bay và các điều kiện kỹ thuật, cũng như được phép của chính phủ nước 
sở tại. 

Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI