Công nhân Việt Nam ở Guinea Xích đạo thấp thỏm chờ chuyến bay hồi hương

11/07/2020 - 11:38

PNO - Trong lúc chờ chuyến bay hồi hương, những công nhân Việt Nam ở Guinea Xích đạo vẫn phập phồng lo lắng giữa đường ranh sống chết.

Chiều ngày 10/7, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đưa ngay người lao động tại Guinea Xích đạo về nước.

Trong lúc đó, tại Guinea Xích đạo (giờ địa phương là sáng ngày 10/7), các công nhân của Công ty CMVietnam vẫn đang phải làm việc ngoài công trường thuỷ điện Sendje, bất chấp nhiều ngày qua họ đã tiếp xúc với những ca nhiễm COVID-19 và đang có các triệu chứng nghi nhiễm như tức ngực, tiêu chảy...

Công nhân Việt Nam tại công trường thuỷ điện Sendje, tỉnh Litorial, Guinea Xích đạo
Công nhân Việt Nam tại công trường thuỷ điện Sendje, tỉnh Litorial, Guinea Xích đạo

Đến 19g ngày 10/7 (giờ Guinea Xích đạo - tức 1g ngày 11/7, giờ Việt Nam) các công nhân tiếp tục nhắn tin cho phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, cho biết: “Ban quản lý vừa thông báo, tất cả những người âm tính (với virus SARS-CoV-2) vẫn phải đi làm”. 

Về tình hình của hơn 80 công nhân của CMVietnam có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm lần thứ hai, các công nhân cho biết, đến thời điểm hiện tại (tức sau 32 giờ Ban quản lý công ty công bố kết quả xét nghiệm) những công nhân này vẫn chưa được nhập viện, mà vẫn đang phải cách ly ngay tại khu nhà ở.

“Nhà cách ly chỉ cách nhà ở của những người không bị nhiễm khoảng 50 mét” - một công nhân cho biết và nói thêm: “Dù điều kiện bệnh viện rất tệ nhưng ít ra ở đó còn có bác sĩ, chứ ở đây, nếu bị nặng chỉ có chết".

Theo các công nhân tại đây, hiện tất cả bệnh nhân đều trong tình trạng sốt, ho, khó thở, đau ngực, tiêu chảy. Yêu cầu được xét nghiệm lần hai của những người có kết quả âm tính cũng chưa được CMVietnam phản hồi.

Như Phụ Nữ TPHCM đã đưa tin trước đó, các công nhân Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2  tại Guinea Xích đạo đang được điều trị trong điều kiện y tế nhiều hạn chế. Các bệnh nhân phải chia nhau thuốc uống và luôn trong tình trạng đói ăn trong suốt gần hai tuần nằm viện. Cho đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. 

Chiều tối ngày 10/7 (giờ Việt Nam), từ bệnh viện Lapaz, anh Phạm Ngọc Hoài cho hay, bệnh nhân Việt Nam đang rất đói, bữa ăn cuối cùng họ được bệnh viện cấp cách đó 15 giờ.

“Hôm nay họ cắt bữa sáng. Bọn em đói run tay chân, phải nấu mì gói ăn tạm nhưng chỉ dám ăn nửa gói, nửa gói còn lại để dành”, anh Hoài nói. Để cải thiện bữa ăn, anh Hoài và đồng nghiệp phải đi hái đu đủ dại mọc ở bệnh viện ăn cùng mì.

Bữa ăn nửa gói mì ăn liền cùng đu đủ dại của bệnh nhân Việt Nam nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Guinea Xích đạo
Bữa ăn nửa gói mì ăn liền cùng đu đủ dại của bệnh nhân Việt Nam nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Guinea Xích đạo

“Khẩu phần bệnh viện cấp rất ít, chỉ gồm một ổ bánh mì nhỏ và thỉnh thoảng có một ly sữa vào buổi sáng, bữa trưa thì hai mẩu khoai mì luộc cùng một ít thịt trộn rau nấu theo kiểu địa phương, bữa tối có khi lại khoai mì luộc hoặc một đĩa súp sệt sệt. Anh em ăn không quen nhưng phải cố nuốt để đỡ đói”, anh Hoài kể.

Không chỉ thiếu thực phẩm, các bệnh nhân còn thiếu nước uống và nước sinh hoạt, thiếu bác sĩ trực 24/24 nên có lần lên cơn đau ngực, bệnh nhân tìm hoài không thấy bác sĩ.

Anh Hoài và hai đồng nghiệp khác hiện đang dùng chung một lọ si-rô và một vỉ thuốc. Không có người phiên dịch nên bệnh nhân sử dụng Google dịch để trao đổi bằng tiếng Anh với bác sĩ. Tuy nhiên, với những y bác sĩ bản địa không biết tiếng Anh, hai bên chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng cách ra dấu tay. Mới đây, bệnh viện đã làm bản dịch sang tiếng Việt một số câu miêu tả tình trạng sức khoẻ cho bệnh nhân.

Nhiều công nhân cho biết, họ rất mừng khi biết tin Thủ tướng yêu cầu tổ chức chuyến bay về nước cho tất cả lao động Việt Nam ở Guinea Xích đạo, nhưng với tình hình hiện tại, họ không thể bớt lo lắng cho tính mạng bản thân và đồng nghiệp.

“Chỉ khi nào được đặt chân lên máy bay, bọn em mới an tâm là mình được cứu. Sức khỏe và tinh thần của anh em bên này đang rất xuống" - một công nhân nói qua điện thoại với phóng viên.

Đến thời điểm hiện tại, có hơn 100 người trong tổng số 219 lao động Việt Nam ở quốc gia Trung Phi này nhiễm bệnh.

Bảo Uyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI