Công nhân vệ sinh vất vả nhiều hơn trong mùa dịch

25/08/2021 - 09:16

PNO - 6g ngày 23/8 - ngày đầu tiên thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tăng cường phòng, chống dịch bệnh - cả con phố nhỏ vẫn còn im ắng, chị Dư Thị Thùy Linh - Đội phó Đội vệ sinh Tân Phú, Chi nhánh dịch vụ Môi trường Chợ Lớn - đẩy xe ra khỏi nhà, bắt đầu một ngày làm việc.

 

Công nhân Trương Quốc Hào lấy rác tại nhà có người cách ly y tế tại P.Phú Trung, Q.Tân Phú
Công nhân Trương Quốc Hào lấy rác tại nhà có người cách ly y tế tại P.Phú Trung, Q.Tân Phú


7 giờ đến 17 giờ
Là đội phó đội vệ sinh, dù không trực tiếp cầm chổi quét dọn, nhưng ngày ngày chị Linh vẫn phải đeo bám địa bàn các phường Phú Trung, Hiệp Tân, Tân Thới Hòa, Hòa Thạnh. Buổi sáng, chị theo chân anh em, ghi nhận việc thu gom rác dân lập và cùng giám sát việc tuyên truyền phân loại rác tại nguồn. Buổi chiều, chị giám sát việc quét dọn trên các tuyến đường mình phụ trách. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là từ cuối tháng 7/2021 trở lại đây, công việc nặng nề hơn khi nhóm của chị đảm nhận việc lấy rác ở các khu cách ly và những gia đình có người bị F0 tự cách ly y tế tại nhà…

 
7g sáng, anh em trong đội khởi hành, thì trước đó, chị Linh phải có mặt ở đội (số 9 Nguyễn Thế Truyện, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) để nắm bắt, kiểm tra tình hình sức khỏe anh em. “Đội có sáu tình nguyện viên lấy rác ở các khu cách ly, phong tỏa, đều là những nam công nhân còn khá trẻ, hăng hái, nhưng đôi lúc vì quá hăng hái nên quên hiểm nguy. Mình phải giám sát, nhắc nhở anh em việc trang bị bảo hộ cho an toàn, đúng quy chuẩn. Trong giai đoạn dịch đang căng như dây đàn thì việc giám sát càng phải sát sao hơn nữa” - chị Linh cho biết.

Theo chân anh Trương Quốc Hào - công nhân tổ vệ sinh 6, thu gom rác các gia đình có F0, F1 đang cách ly tại nhà - mới thấy việc “thu gom” không hề đơn giản. Căn nhà ở đường Nguyễn Minh Châu, P.Phú Trung, Q.Tân Phú có người mắc COVID-19, nằm trong hẻm sâu, đã ba ngày không có người lấy rác. Hào phải mất gần 20 phút để tìm địa chỉ.

Trong sân chung, dưới sự tác động của nước mưa, rác đã phân hủy, bốc mùi. Hào cào rác, phân loại bỏ vào từng túi ni-lông, cột kín miệng, xịt khử khuẩn, rồi đưa lên xe. Xong nhà này lại di chuyển đến nhà khác. Khi chiếc thùng chứa rác phía sau xe máy đã đầy, được che chắn và xịt khử khuẩn, xe mới được rời địa bàn. Lúc đó, chị Linh lại di chuyển đến những điểm thu gom khác như chung cư Huỳnh Văn Chính 1, ở P.Phú Trung. Đây cũng là khu vực có nhiều ca F1 và F0 đang thực hiện cách ly tại nhà. Để lấy được rác, các công nhân phải lên hai, ba tầng lầu.

Công việc khá vất vả, nặng nhọc, nên cả sáu công nhân tình nguyện lấy rác khu cách ly, phong tỏa đều là nam giới, tuổi đời trên dưới 30. Họ gồm các anh Lưu Tiến Phát, Trương Quốc Hào, Nguyễn Văn Vân, Huỳnh Đình Quý, Nguyễn Ngọc Tài và Nguyễn Văn Sữa. Chị Linh cho biết, mỗi ngày nhóm phải làm từ 7g đến 17g. Buổi trưa anh em có khoảng hơn một tiếng để nghỉ ngơi. Nhưng các bạn thường cố gắng làm cho xong việc để khỏi phải thay quần áo bảo hộ. 
 

Và xuyên đêm

Đội vệ sinh Tân Phú có 194 công nhân, gồm 77 nữ và 117 nam. Do yêu cầu công việc, ba phó đội vừa theo dõi việc làm vệ sinh, mỹ quan trên địa bàn vừa phụ trách thu gom rác đối với các trường hợp F1, F0 đang cách ly tại nhà. 17g, khi các công nhân tình nguyện thu gom rác ở khu cách ly xuống ca thì các vị đội trưởng, đội phó cùng những công nhân khác lại vào ca thu gom rác sinh hoạt. Trong bối cảnh hiện nay, các vị chỉ huy địa bàn như người chỉ huy trên mặt trận phòng, chống dịch. Họ theo dõi, nhắc chừng anh chị em nghiêm túc thực hiện việc sử dụng quần áo, dụng cụ bảo hộ, khử khuẩn, sát trùng để tự bảo vệ mình. Việc quét dọn, thu gom thường kết thúc vào lúc nửa đêm đến rạng sáng. 

Đêm 23/8, chị Linh về đến nhà (ở P.12, Q.Bình Thạnh) lúc 22g, khá sớm so với mọi ngày. Sau khi cởi bộ đồ bảo hộ, chị đi tắm rồi bắc nồi lá xông để tìm chút cảm giác thư giãn, an toàn. Công việc cứ ngày này nối tiếp ngày khác khiến anh chị em, nhất là công nhân lao động ở xa tận Bình Chánh, Củ Chi,  Long An… ai cũng cảm thấy đuối sức. 


Công việc quét dọn, thu gom rác thải vốn vất vả nhưng lại ít nhận được sự cảm thông của mọi người là điều các công nhân vệ sinh luôn canh cánh trong lòng. Thế nhưng, trong những ngày dịch bệnh, những “chiến binh thầm lặng” vẫn ngày đêm bám vị trí của mình để làm sạch môi trường, bảo vệ mỹ quan cho thành phố, không ít trong số họ đã trở thành các “chiến sĩ tuyến đầu” khi đối mặt với rác thải y tế.


Nói về nghề, nữ công nhân Hà Thị Mỹ Lệ ngậm ngùi: “Làm công nhân vệ sinh cực lắm. Nhưng đã làm rồi thì phải cố gắng thôi. Vì cuộc sống của mình và cả gia đình mà. Chúng tôi quét đường, thu gom rác sinh hoạt thông thường thôi còn đỡ chứ anh em thu gom rác F0-F1 tại nhà rất cần cồn khử khuẩn. Công ty đã “khoán” các trang bị bảo hộ theo lương cùng thu nhập hằng tháng. Nên mùa dịch này, có người trữ được, có người không. Mà cồn bây giờ khan hiếm quá, có lúc hết cồn rồi, chạy đi mua khắp nơi không có. Công ty có quan tâm, cấp phát, nhưng tình hình những ngày này nhiều người không đủ dùng!”.

Công nhân vệ sinh cho biết, các anh chị rất cần sự đồng cảm và chia sẻ của mọi người. Chỉ cần mọi gia đình cùng thực hiện việc phân loại rác, cột các túi rác cẩn thận và để đúng nơi quy định, giúp người thu gom rác bớt đi cực nhọc là chúng ta đã chia sẻ nỗi vất vả với họ. 

Các công nhân vệ sinh luôn phải mặc đồ bảo hộ  để đảm bảo an toàn khi làm nhiệm vụ thu gom rác thải nguy hại
Các công nhân vệ sinh luôn phải mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn khi làm nhiệm vụ thu gom rác thải nguy hại

Anh em công nhân luôn xung kích, sẵn sàng và đầy trách nhiệm 

Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM hiện là đơn vị chủ lực thu gom chất thải y tế trong khu cách ly, phong tỏa và điều trị COVID-19. Theo quy định, toàn bộ rác thải ở khu vực cách ly, phong tỏa, bệnh viện điều trị COVID-19 phải được thu gom theo quy trình rất nghiêm ngặt: rác được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh, được xịt khử khuẩn trước khi đưa lên xe vận chuyển có thùng kín. 

Công nhân thu gom phải được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Chất thải y tế phải được khử khuẩn nhiều lần trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Sau khi đốt, tro được hóa rắn và chôn lấp ở bãi dành riêng cho chất thải nguy hại. Hiện công ty huy động khoảng 300 công nhân, làm việc ba ca mỗi ngày để đảm bảo việc thu gom rác thải.

Từ ngày 23/8, người dân TP.HCM phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly với khu phố/ấp, nhưng các công nhân vệ sinh của công ty vẫn không một ngày ngừng công việc. Thật lòng, tôi rất biết ơn sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ của anh chị em công nhân, lao động toàn công ty. Đã có anh em công nhân của chúng tôi thành F1, F0… Nhưng các anh em luôn lao động với tinh thần xung kích, sẵn sàng và đầy trách nhiệm cùng thành phố.

 

Hạnh Chi

 

Nguồn: MTĐT TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI