Công nhân vệ sinh - nỗi niềm buồn như... rác

22/10/2018 - 06:00

PNO - Chừng nào còn cái nhìn thiếu sẻ chia, coi trọng của cộng đồng, nhà nước khiến họ và công việc vốn đã… trôi như vô tình trước bao đôi mắt, thì chừng đó vẫn còn những nấc nghẹn âm thầm giữa xã hội.

Công nhân vệ sinh chia sẻ tại buổi “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ đối thoại với cán bộ Hội, hội viên và phụ nữ thành phố năm 2018”. Video clip: Hoài An

Rác ra đi, nỗi niềm ở lại. Những tâm sự ngắt quãng giữa giờ làm; niềm riêng như thể nói để mà nói, cho vơi bớt giày vò, buồn tủi, thiệt thòi… Họ, những công nhân vệ sinh, mưa như nắng, đêm như ngày, đối mặt với hôi hám, bất trắc, tai nạn, sự dè bỉu, sống với đồng lương ít ỏi mà còn bị thiếu nợ. Nhưng nếu không có họ, những la ó sẽ dội lên, như thể họ là… tội đồ. Chừng nào còn cái nhìn thiếu sẻ chia, coi trọng của cộng đồng, nhà nước khiến họ và công việc vốn đã… trôi như vô tình trước bao đôi mắt, thì chừng đó vẫn còn những nấc nghẹn âm thầm giữa xã hội. 

Cong nhan ve sinh - noi niem buon nhu... rac
Chị P. đã làm nghề thu gom rác dân lập hơn 10 năm.

“Giờ quen mùi rồi!”

13g, chiếc xe bán tải chở đầy rác đỗ xịch trước điểm trung chuyển nằm sát vỉa hè đường Bình Long (Q.Bình Tân). Đang ngồi trên mui xe, chị L.T.P. nhảy phóc xuống đất. Giọng chị mừng rỡ: “Chà, hôm nay không bị nghẽn!”. Chồng chị đang ngồi trước vô-lăng cũng nhảy xuống xe. Thế chỗ vợ, anh vội vã leo lên mui xe đầy rác, khệ nệ bưng giỏ phế liệu, ve chai chuyền tay cho vợ. Xong, anh trở lại buồng lái, lùi đuôi xe dần đến chiếc xe ép rác của Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đang… “há đuôi” chờ sẵn.

Trong lúc chờ chồng, chị P. thong thả kéo khẩu trang, hớn hở: “Bình thường, giờ này xe gom rác đến đông, ai đến sau phải chờ”. Tôi ái ngại nhìn chị khi xung quanh rất nặng mùi, giữa nắng trưa càng nồng nặc, gây cảm giác nhức đầu. Như hiểu ý, chị P. cười tươi: “Chỉ có mấy xe rác của dịch vụ công ích thì nhằm nhò gì! Điểm tập kết mà, mấy hồi cả đám gom rác như tôi về, người ta đi đường đeo mấy lớp khẩu trang vẫn phải đưa tay lên bịt mũi”. Đoạn, chị chùng giọng: “Giờ quen rồi chứ mới đầu cũng ói dữ lắm!”.

“Mới đầu” của vợ chồng chị P. cách nay đã hơn mười năm. Nhờ quen biết, vợ chồng chị được giới thiệu làm cho một chủ đường dây thu gom rác trong dân thuộc Q.Bình Tân. Từ chiếc xe lôi, vợ chồng chị gom tiền đổi thành chiếc xe bán tải ba năm trước, để thu gom được nhiều hơn. Ở trọ, nuôi hai đứa con, thu nhập từ gom rác của cả vợ chồng chị P. mỗi tháng 8 triệu đồng. 

“Chắc trời định. Hồi đó cũng tính đi làm công nhân cho ổn định, nhưng rồi thấy không ưng” - chị P. giải thích. Với chị, nghề thu gom rác ngó vậy mà tự do, mỗi ngày đi một vòng tầm ba, bốn trăm hộ gia đình, thu gom rác, chở đến điểm trung chuyển để giao cho lực lượng công ích vận chuyển đến các điểm ép rác là xong. 

Cong nhan ve sinh - noi niem buon nhu... rac
 

Một ngày làm việc của vợ chồng chị P. bắt đầu từ 4g sáng. Chồng lái, vợ ngồi trên mui xe, đến điểm tập kết rác trong dân là vợ nhảy xuống hốt quăng lên xe. Ngồi trên mui, chị phân loại rác kết hợp lượm bịch ni-lông, chai nhựa… cho vào giỏ phế liệu để dành bán ve chai - nguồn thu nhập tăng thêm của gia đình. Sáu giờ sáng, chị chạy về lo cho con đi học rồi trở lại phụ chồng. Tầm sau 14g là kết thúc ngày làm việc.

Vợ chồng chị P. là một trong hàng ngàn thành viên của lực lượng thu gom chất thải rắn sinh hoạt dân lập tại TP.HCM - lực lượng được xem là “cánh tay” nối dài và là trợ thủ đắc lực của dịch vụ công ích khi thu gom hơn 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày.

Họ không được hưởng lương và phụ cấp của nhà nước. Thu nhập, ngoài tiền công được thuê, còn có khoản ve chai trong quá trình thu gom rác. Tiếp xúc thường trực với rác thải, ngửi mùi xú uế nhức óc đến… quen thuộc, song ngoài ba món đồ bảo hộ: giày/ủng, bao tay và khẩu trang, họ không được chủ trang bị thêm thiết bị bảo hộ nào. 

“Bọn tôi bị chảy máu hoài chứ gì, nhưng cũng quen rồi!” - cởi bao tay, chị P. chìa cho tôi xem bàn tay đầy sẹo. “Không cẩn thận, miểng chai cắm trên tay là bình thường” - chị P. ngao ngán. 

“Sốt, cảm thì ra tiệm mua liều thuốc uống là xong. Khi nào bệnh nặng hẵng hay chứ hình như chưa nghĩ đến chuyện đi khám sức khỏe bao giờ. Có lần, địa phương cũng vận động mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhưng thấy mắc quá!” - chị P. kể. Vả lại, từ ngày vô nghề, hơn mười năm mà số ngày nghỉ của vợ chồng chị đếm trên đầu ngón tay. Hôm nào đổ bệnh, bỏ một ngày gom rác hoặc thu gom trễ, người dân tức thì… gọi điện lên phường hoặc chủ đường dây rác “mắng vốn”, mất việc như chơi! Những ngày lễ, tết, lượng rác thải đổ ra càng nhiều, những người làm công việc như vợ chồng chị P. lại phải gồng mình làm gấp hai, ba lần. 

Tai nạn rình rập

Theo nhiều nữ công nhân vệ sinh mà chúng tôi trò chuyện, công nhân vệ sinh làm việc vào ban đêm, đối mặt với không ít nguy hiểm, nhất là tai nạn giao thông. 

Cong nhan ve sinh - noi niem buon nhu... rac
Công việc thu gom gác vất vả, nguy hiểm, đối mặt thường trực với mùi xú uế, hôi thối song họ chỉ có ba món đồ bảo hộ: giày/ ủng, bao tay và khẩu trang

Chị Trần Thị Huỳnh Lộc - công nhân vệ sinh tại H.Bình Chánh, làm ca đêm từ 22g đến 6g sáng hôm sau. Công việc ở ngoại thành, đèn đường luôn hạn chế, có những tuyến hoàn toàn tối tăm. Nguy cơ bị tai nạn, bị cướp và nhiều mối đe dọa khác thường trực mỗi khi ra đường làm việc.

Nhà ba đời làm công nhân vệ sinh, trong đó riêng mình có 24 năm hằng đêm quét rác ở khu vực Linh Trung (Q.Thủ Đức), chị Võ Thị Ngọc Dung cho biết, chừng đó thời gian, chị chưa biết đến đêm giao thừa bên gia đình. Năm 2015, một thanh niên say xỉn tông vào chị khi đang làm việc trên đường Phạm Văn Đồng. Hiện tại, chị vẫn còn chấn thương đốt sống lưng, mất sức lao động 20%. “Buồn lo nhất là khi bị tai nạn, người ta yêu cầu phải có biên bản hiện trường, sơ đồ hiện trường để nhận bảo hiểm, nhưng họ tông mình rồi bỏ chạy, đâu có giữ lại được mà báo ai”. 

Đồng nghiệp chung công ty của chị Dung là chị Nguyễn Thị Thảo, bị tai nạn giao thông, gãy cả hai chân, điều trị đến nay đã tám tháng. Chồng làm phụ hồ, con thì bị bệnh down, cha mẹ lớn tuổi, cuộc sống lâm vào bí bách. Anh em trong công ty thương tình, sắp xếp cho chị một chân pha trà, dọn dẹp ở văn phòng công ty để có thu nhập sinh sống.

Năm 2013, chị Lê Thị Hồng Thanh, công nhân vệ sinh tại Q.8, bị tai nạn giao thông trong lúc làm việc, mất sức lao động 58% và phải nghỉ việc, nhận trợ cấp 1,2 triệu đồng, sau tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Chồng chị Thanh - anh Đặng Trí Đức, cũng là công nhân vệ sinh cho rằng, trợ cấp sau tai nạn cho công nhân vệ sinh như thế thì tương lai chỉ có thể nghỉ việc.

Chị Nguyễn Thị Minh Quê - từng là công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 - bộc bạch: “Công nhân vệ sinh chưa nhận được sự đồng cảm trong xã hội. Đôi khi chúng tôi cảm thấy mình bị coi thường nên cũng tủi thân. Không ít trường hợp con cái mặc cảm vì nghề của mẹ, chẳng dám nói với bạn bè là mẹ mình đi gom rác. Đã như vậy mà mức lương thấp nữa thì làm sao giữ được chân công nhân vệ sinh”.

Cong nhan ve sinh - noi niem buon nhu... rac
 

Chị Quê nói thêm, dọn vệ sinh, thu gom rác là công việc vất vả, độc hại, phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải nên dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe. Công nhân vệ sinh thường mắc các bệnh về da, truyền nhiễm. Chị Nguyễn Kim Hằng - công nhân vệ sinh tại Q.Bình Thạnh - mong ước, nữ công nhân vệ sinh được khám sức khỏe định kỳ, được tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung miễn phí. 

Theo kết quả khảo sát tình hình an sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập TP.HCM mới đây, do Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thực hiện, tình trạng người lao động bị chảy máu chân, tay ở mức độ thường xuyên chiếm 94,6%, tai nạn giao thông chiếm 23,6%. Thế nhưng, họ không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ chính quyền hay các đơn vị, tổ chức. Không được tiếp cận các chế độ bảo hiểm y tế lẫn bảo hiểm tai nạn, họ còn phải tự trang trải phương tiện bảo hộ lao động... và phải tự chịu các rủi ro.

Như trường hợp anh T. (Q.2), cho đến giờ vẫn chưa quên hai vụ tai nạn liên tiếp mình gặp phải. Tháng 7/2016, đẩy xe rác vào điểm tập kết giữa trời mưa, anh bị trượt chân, bể xương bánh chè, phải mổ hết 40 triệu đồng. Đi làm lại không lâu, anh tiếp tục trượt té, gia đình phải vay mượn 60 triệu đồng… mổ lại vết thương cũ. Hiện tại, chân còn yếu, may có thể lái xe được, anh xin phụ cho một đồng nghiệp với thu nhập thấp hơn trước.

Kết quả khảo sát này còn nhắc đến nhiều loại bệnh mà người thu gom rác dễ mắc phải: khớp, cảm cúm, sốt xuất huyết, da liễu, phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, ung thư, đau họng do môi trường làm việc đặc thù tiếp xúc với xú uế, mùi hôi thối lẫn rủi ro nguy hiểm từ đủ loại rác đổ ra từ trong dân. Ấy vậy, phần lớn bệnh chỉ phát hiện sau hàng chục năm họ làm nghề. Không bảo hiểm y tế, chuyện khám sức khỏe định kỳ với họ là điều xa xỉ. Trong mười năm đầu làm việc, tỷ lệ lao động có đi khám sức khỏe chiếm chưa tới 10%. Ngoài ý thức, câu chuyện sinh kế của việc mua bảo hiểm theo hộ gia đình với họ là quá sức. 

Giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương công nhân vệ sinh trước tết 2019

Tại buổi “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ đối thoại với cán bộ Hội, hội viên và phụ nữ thành phố năm 2018” do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 21/10, trước bức xúc vì nợ lương kéo dài của công nhân vệ sinh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tình trạng này trước tết 2019. 
 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ đối thoại với cán bộ Hội, hội viên và phụ nữ thành phố năm 2018”. Video clip: Hoài An

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói:

Tôi xin bày tỏ sự trân trọng với gần 20.000 công nhân vệ sinh đã góp phần làm đẹp mỹ quan và môi trường thành phố suốt 43 năm qua. Hoan nghênh chủ trương hỗ trợ chị em chuyển đổi nghề nghiệp của Hội LHPN TP.HCM, đề nghị các công ty dịch vụ công ích sớm phối hợp thí điểm việc này. Có thể huấn luyện công nhân vệ sinh lớn tuổi chuyển sang làm giúp việc gia đình, chăm sóc cây cảnh, chăm sóc người già... là những dịch vụ đang có nhu cầu ngày càng tăng. Về ban hành định mức giá thu gom rác của năm tới phải xong từ tháng 12 năm trước. Trường hợp chưa kịp thì tạm tính bằng mức của năm cũ, không để trường hợp công nhân vệ sinh phải chờ lương, nợ lương quá lâu. 

Vấn đề lớn là giải quyết quyền lợi cho người lao động, cho nữ công nhân vệ sinh. Vấn đề quan trọng còn là chính sách về lĩnh vực dịch vụ công ích, UBND TP.HCM nên tìm cách giải quyết rốt ráo và nhanh chóng. Đối với nguyện vọng của nữ công nhân vệ sinh lớn tuổi về giải quyết việc làm, UBND TP.HCM và các sở, ngành, công ty dịch vụ công ích... cũng nên sớm nghiên cứu để làm thí điểm trong lĩnh vực đào tạo nghề, chẳng hạn như giúp việc nhà... Hội LHPN cùng các đoàn thể cũng nên tổ chức giám sát về lĩnh vực dịch vụ công ích này. Kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 12 tới sẽ có báo cáo chuyên đề về vấn đề nợ lương. TP.HCM sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương công nhân vệ sinh trước tết Nguyên đán 2019.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, hiện nay thành phố có khoảng 6.930  công nhân vệ sinh, nữ chiếm 25% (số liệu từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích 22 quận, huyện và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM). 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biểu tại buổi “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ đối thoại với cán bộ Hội, hội viên và phụ nữ thành phố năm 2018”. Video clip: Hoài An

Lực lượng này thực hiện thu gom khoảng 40% lượng rác sinh hoạt, 60% còn lại do hệ thống rác dân lập thu gom. Tiếp xúc với hàng tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, giờ làm việc kéo dài trong môi trường ô nhiễm, độc hại, ăn cùng rác, ngủ cùng rác, nguy cơ bị tai nạn lao động cao, song mức lương mà công nhân vệ sinh nhận được vẫn chưa tương xứng. 

Báo cáo từ Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, lương công nhân vệ sinh dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, quét đường, vệ sinh thùng rác công cộng chưa đảm bảo với mức sống tại thành phố. Ngoài làm ca đêm tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận/huyện, nhiều lao động nữ phải nhận thu gom rác dân lập ban ngày mới đủ trang trải cuộc sống.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI