Những chuyến xe rác hối hả
Từ những ngày giáp tết Nguyên đán, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, rồi đến nguy cơ dịch bệnh mang biến chủng Anh và Ấn Độ lan ra khắp châu Á, trở thành mối nguy đe dọa tình hình sức khỏe người dân, thì tại TPHCM, các khu cách ly sau mấy tháng đóng cửa đã được tái kích hoạt để đón người về từ các vùng dịch, du khách trở về từ các quốc gia khác…
|
Mỗi chuyến xe vận chuyển chất thải từ các khu cách ly, phong tỏa đều được các công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM khử trùng với quy trình nghiêm ngặt |
Cũng từ đó, suốt mấy tháng qua, lò đốt rác thải y tế nguy hại của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM ở công trường Đông Thạnh, H.Hóc Môn, luôn luôn trong tình trạng cao điểm. Mỗi ngày, các công nhân thuộc đội xử lý và tái chế rác thải phải thay phiên nhau thu gom rác từ các khu cách ly, bệnh viện trên khắp địa bàn thành phố để đưa về đây tiêu hủy. Các công nhân phải làm việc liên tục để đảm bảo toàn bộ rác thải từ các khu cách ly đều được xử lý hoàn tất trong ngày. Công nhân được yêu cầu thay đồ bảo hộ sau mỗi chuyến thu gom, trước khi về nhà phải tắm rửa, khử trùng sạch sẽ để đảm bảo an toàn.
Ngày cao điểm, lượng rác thải có khi lên đến trên 22 tấn/ngày. Không chỉ phải vào ca trực sớm, khuân vác nặng nhọc hơn, mà việc thu gom, vận chuyển các loại rác thải từ các trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 và các khu cách ly y tế, công nhân vệ sinh đều có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Nên, không hề sai khi nói công việc của họ là một công việc nguy hiểm.
Chứng kiến một ngày làm việc của những công nhân thu gom - vận chuyển - xử lý rác y tế mới thấu hiểu sự vất vả của họ. Quy trình thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải từ các khu cách ly, bệnh viện được tiến hành và kiểm soát rất nghiêm ngặt. Rác thải được cho vào thùng chứa chuyên dụng, dán kín miệng để tránh rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Xe thu gom sau khi nhận rác sẽ phải chạy qua khu vực khử trùng trước khi rời đi nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Về đến nhà máy, xe thu gom lại được khử trùng trước khi đưa rác xuống. Rác sau khi đưa xuống lại tiếp tục được khử trùng nhiều lần trong quá trình đưa vào lò đốt. Cuối cùng, trước khi nhận các thùng chứa mới để thực hiện vòng thu gom rác tiếp theo, các xe thu gom lại được khử trùng thêm lần cuối.
Khác với những chuyến thu gom rác thải thông thường, công nhân thuộc đội xử lý rác y tế phải trùm kín người bằng đồ bảo hộ, khẩu trang và tấm chắn giọt bắn. Làm việc trong tình trạng mồ hôi lúc nào cũng ướt sũng, nhưng anh em luôn động viên nhau cố gắng đảm bảo tiến độ và hoàn thành công việc.
Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - khẳng định: “Mỗi ngày, anh em công nhân có thể lấy rác từ ba đến bốn lượt ở các khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện đưa về xử lý. Vì khối lượng rác là rất lớn, lại phải xử lý hết trong ngày, nên đội ngũ công nhân phải làm việc hết sức nghiêm túc, khẩn trương. Biết luôn phải đối diện với nguy cơ lây lan dịch bệnh nên anh chị em công nhân luôn tuân thủ quy trình. Tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc được anh chị em duy trì suốt hơn một năm qua”.
“Chia lửa” với Bắc Giang, Bắc Ninh
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với nhiều biến chủng virus “siêu lây nhiễm” có tốc độ lây lan nhanh và rất khó kiểm soát. Tính từ đầu mùa dịch tới trưa 27/5, Việt Nam có hơn 4.670 ca nhiễm COVID-19 trong nước và 1.490 ca nhập cảnh. Cả nước, trong đó Bắc Giang (1.564 ca) và Bắc Ninh (654 ca) là hai tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất.
|
Trao tặng 10.000 khẩu trang y tế cho Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang |
Trước tình hình đó, để đảm bảo công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, chất thải phát sinh do dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đều đã có thông báo khẩn yêu cầu các sở ngành, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh.
Bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu cách ly thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế, lãnh đạo hai tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị để trao đổi, thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc chỉ đạo điều phối việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải âm tính với SARS-CoV-2 phát sinh từ quá trình xét nghiệm; giám sát quá trình thực hiện đảm bảo theo quy định.
Các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly phải bố trí bộ phận phụ trách vấn đề môi trường. Làm tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh tại cơ sở, địa phương theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Giống như tại TPHCM, hai tỉnh yêu cầu đảm bảo không để tồn đọng, phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đặc thù của công nhân vệ sinh môi trường là làm việc trong môi trường đặc biệt, tiếp xúc với nhiều loại chất thải nên cán bộ và công nhân không tránh khỏi lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đằng sau số lượng bệnh nhân và hàng chục ngàn người dân đang cách ly tập trung là vô số chất thải y tế truyền nhiễm cùng các chất thải sinh hoạt bị ô nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau. Cũng như ngành y tế, các công nhân ngành vệ sinh môi trường cũng phải làm việc liên tục với cường độ cao.
Khẩu trang y tế là “lá chắn” không thể thiếu để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe. Công nhân ngành vệ sinh môi trường cần những loại trang bị này hơn ai hết. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm động viên, đảm bảo an toàn cho đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường làm việc, Hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp miền Nam đã gửi tặng 10.000 khẩu trang y tế cho Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh và 10.000 khẩu trang y tế cho Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang. Chương trình được thực hiện thông qua chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Coopmart Bắc Giang.
Việc trao tặng khẩu trang y tế là cách “chia lửa” thiết thực của ngành môi trường đô thị. Tin rằng với sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch COVID-19.
Chuyên nghiệp và hiện đại trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM là một trong những đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép để thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nguy hại không chỉ tại TPHCM mà còn từ Đà Nẵng, khu vực Miền Trung Tây Nguyên trải dài đến Cà Mau. Chất thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế từ hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, phòng bệnh, nghiên cứu, sản xuất, đào tạo và chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất… được công ty tổ chức thu gom và vận chuyển bằng các phương tiện, xe cơ giới chuyên dụng đến nhà máy xử lý.
Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại được nhập từ Bỉ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình, quy định và quy chuẩn Việt Nam hiện hành về xử lý chất thải y tế nguy hại. Đặc biệt, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại được công ty áp dụng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 của Tổ chức chứng nhận NQA (UKAS) và ISO 45001 của Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI).
|
Tinh Châu
Nguồn: Môi trường đô thị TP.HCM