Công nhân TPHCM ngậm ngùi đón tết xa quê

11/01/2024 - 06:22

PNO - Trong căn phòng trọ ọp ẹp chừng 16m2, nằm sâu trong hẻm nhỏ ở đường Thạnh Lộc 16, quận 12, TPHCM, chị Nguyễn Ngọc Huyền - công nhân may giày da - nói với chồng: “Tết năm nay chắc vợ chồng mình không về quê được!”.

“Thắt lưng buộc bụng” 

Chập tối, tại quận 12, từ các xí nghiệp, công nhân túa ra để trở về các khu trọ. Nhạc xuân ở trong xóm vang lên khiến chị Huyền (32 tuổi, quê Sóc Trăng) buồn rười rượi. Chị cho biết, đã 8 năm làm công nhân nhưng chưa năm nào chị thấy khó khăn như năm nay. Kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng nên buộc phải cắt giảm giờ làm hoặc cho công nhân nghỉ việc. Lương của chị Huyền, vì thế, bị giảm rất nhiều. Tết cũng không có thưởng.

Lương thấp và không có thưởng tết, nên chị Yến Ly quyết định tết năm nay sẽ không về quê
Lương thấp và không có thưởng tết, nên chị Yến Ly quyết định tết năm nay sẽ không về quê

“Trước đây, nếu tăng ca, lương của tôi dao động từ 7-10 triệu đồng. Gần 5 tháng nay, mỗi tháng tôi làm có 6 ngày nên lương còn khoảng 1,5 triệu đồng. Thu nhập không đủ trang trải nên tết này chắc không về quê được” - chị buồn bã.

Tôi hỏi chị Huyền, sao không tìm công việc khác? Chị thở dài: “Tôi tìm nhiều nơi rồi mà không được. Với tình hình hiện nay, trình độ phổ thông rất khó xin được việc làm. Thôi thì cố gắng cầm cự, có ít còn đỡ hơn không có, chờ thời gian nữa xem công ty có khá hơn không”.

Vừa lúc, chồng chị Huyền là anh Quốc Minh - cũng là công nhân công ty da giày - trở về. Anh vội vã nấu tô mì gói lót dạ để tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm. Anh Minh cho biết, hiện công việc của anh cũng không mấy lạc quan, nhưng cuối năm khó tìm việc nên ráng cầm cự, được đến đâu hay đến đó. “Tôi là trụ cột gia đình, nhưng lương tháng không tới 7 triệu đồng. Dự kiến tháng 3/2024 sẽ bị chấm dứt hợp đồng, tôi chưa biết đến đó sẽ xoay xở thế nào. Hiện ngoài giờ làm, tôi chạy xe ôm kiếm thêm còn nuôi đứa con mới vào lớp Một” - anh Minh thở dài.

Tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân (quận Bình Tân), giữa dòng người sau giờ tan ca, chị Nguyễn Thị Bình (quê Bình Định) hối hả về nấu cơm chiều. Trên đường về, chị tấp vào lề đường lựa 2 bó cải và móc ra mấy đồng tiền lẻ để trả. Chị Bình cho biết: “Tôi làm ca ngày, lương tháng được 6 triệu đồng. Tiền nhà trọ, điện nước hằng tháng hết 1,7 triệu đồng, tiền ăn uống cũng hơn 3 triệu mỗi tháng. Tôi một mình nuôi 2 con đi học nên chẳng dư dả gì”. 

1 năm trước, chị Bình làm công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với mức lương gần 9 triệu đồng, nên chi tiêu tiết kiệm cũng có dư chút ít. Nhưng do tình hình khó khăn, chị rơi vào diện bị cắt giảm nhân sự và may mắn xin được việc làm tại một công ty đông lạnh trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Hỏi về tiền thưởng tết, chị Bình nói: “Có 3 triệu à. Không dám về quê. Buồn lắm, nhưng mình còn may hơn nhiều người không có việc làm”.

Chị Nguyễn Yến Ly (quê Tiền Giang) - nhân viên một cửa hàng văn phòng phẩm - cho biết: “Mọi năm, vào thời điểm này, doanh thu của cửa hàng rất cao, công ty đã rục rịch thưởng tết. Thế nhưng năm nay buôn bán ế ẩm, doanh thu chỉ đạt khoảng 50% năm trước, nên nghe nói công ty chỉ cố gắng trả lương tháng 13 cho những ai làm việc đủ 1 năm và không có tiền thưởng tết”.

Hiện tại, mức lương của chị Yến Ly là 5,4 triệu đồng. Trong căn phòng trọ chật hẹp, mọi vật dụng đều đã cũ kỹ. “Tết năm nay tôi chỉ lo ăn uống đạm bạc, mua 1-2 bộ quần áo mới cho con và gửi biếu ông bà chút ít chứ không về để tiết kiệm chi phí. Năm sau khấm khá hơn rồi về” - chị Ly tính toán.

Nhiều chương trình chia sẻ cùng công nhân

Ông Nguyễn Thành Tâm - chủ một khu trọ công nhân tại quận 12 - cho biết, ngày xưa mỗi phòng ông cho thuê 1,5 triệu đồng, chỉ cho 2 người ở. Nhưng 1 năm trở lại đây, đời sống công nhân quá khó, để giảm tiền trọ ông cho ở 4 người. Ông Tâm cũng cho biết thêm, vào cuối tháng Một, ông sẽ tổ chức bữa cơm cuối năm để mời mọi người, đồng thời tặng cho mỗi phòng trọ một phần quà 400.000 đồng. Với những anh chị em không có điều kiện về quê đón tết, ông sẽ tổ chức tiệc tất niên.

Khu trọ công nhân ở quận 12, TPHCM ảm đạm hơn vào những ngày cuối năm khi lương thưởng của công nhân không mấy lạc quan
Khu trọ công nhân ở quận 12, TPHCM ảm đạm hơn vào những ngày cuối năm khi lương thưởng của công nhân không mấy lạc quan

Ông Phạm Chí Tâm - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM - cho biết dịp tết Nguyên đán năm nay, liên đoàn sẽ thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ công nhân. Chương trình “Tấm vé nghĩa tình - Tết đoàn viên” hỗ trợ tàu xe cho người lao động về quê đón tết và trở lại làm việc. Chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” chăm lo cho 13.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những lao động bị cắt giảm việc làm, với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/hộ…

Theo dự kiến, các cấp Công đoàn thành phố còn chăm lo cho khoảng 3.000 đoàn viên nghiệp đoàn thuộc LĐLĐ TP Thủ Đức và các quận, huyện, có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn thành phố tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui tết cùng thành phố” cho 10.000 gia đình đoàn viên tiêu biểu vui chơi tại công viên văn hóa Đầm Sen. Các cấp công đoàn có chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến tàu mùa xuân” đưa hàng ngàn cá nhân và gia đình người lao động về quê đón tết. 

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI