Công nhân Pouyuen: Rất sợ dịch nhưng cũng lo thất nghiệp

13/04/2020 - 07:32

PNO - Chủ nhật là ngày mà công nhân của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (viết tắt là CT Pouyuen, ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) thường gọi là “ngày không bon chen”. Ngày này, không có cảnh dòng người ùn ùn đổ lên các chuyến xe đưa rước công nhân chạy liên tỉnh, không còn cảnh chen lấn cùng dòng người ra vào nơi có đến khoảng 62.000 người trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Dịch bệnh, ai mà không sợ!

Sáng 12/4, trước cổng CT Pouyuen, không còn cảnh biển người chen chúc, nối đuôi nhau vào xưởng làm việc. Chủ nhật, công nhân nghỉ làm, cánh hàng rong cũng “nghỉ phép”, chỉ còn lác đác vài xe trái cây đứng bán cho người đi đường. “Mọi khi, giờ này, tui phải đứng dạt sang đằng kia, chứ ở đây sao đậu xe được. Hôm qua, nghe công nhân xầm xì chuẩn bị được nghỉ dài ngày” - chị Hòa, bán trái cây dạo gần cổng CT Pouyuen, cho hay.

Một tiệm cắt tóc trên đường Bờ Tuyến, gần khu công nghiệp Tân Tạo, mở cửa đón khách trong thời gian “cách ly xã hội”
Một tiệm cắt tóc trên đường Bờ Tuyến, gần khu công nghiệp Tân Tạo, mở cửa đón khách trong thời gian “cách ly xã hội”

Cách cổng CT Pouyuen không xa, chúng tôi bắt gặp cảnh năm người đứng túm tụm bên trong một trụ ATM chờ rút tiền. Phía ngoài là một nhóm người khác ngồi trên xe máy đợi. Thấy tôi đưa điện thoại lên chụp hình, một nữ công nhân nói: “Cảnh này mà nhằm nhò gì, mấy buổi chiều tan ca, họ vây quanh trụ ATM như ong vây tổ mới đáng sợ. Em sợ dịch bệnh nên mới tranh thủ sáng chủ nhật ra rút tiền cho đỡ chen chúc”.

Trong xóm trọ với hàng trăm phòng nằm gần đường Song Hành, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, công nhân tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần giặt giũ và nấu ăn. Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hưng - quê ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết, 100% cư dân xóm trọ này là người miền Tây, khoảng 70% trong số đó là công nhân của CT Pouyuen. Ngày thường, ở xóm trọ đông hơn; hôm nay cuối tuần nên từ hôm qua, một số công nhân đã theo xe về quê ở Tiền Giang, Long An. “Số ở lại cũng đông, đa phần quê ở Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang… Quê hơi xa nên chỉ có những kỳ nghỉ dài ngày, tụi tui mới về” - anh Hưng nói.

Tiệm hớt tóc công nhân mở “chui” 

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 12/4, nhiều tiệm hớt tóc ở gần khu công nghiệp Tân Tạo vô tư mở cửa để cắt tóc cho công nhân. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Bờ Tuyến, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, đã có đến gần chục tiệm hớt tóc mở cửa, bên trong có rất nhiều khách ngồi đợi.

Hỏi chuyện về những ngày đi làm, chị B.T.C. - quê tỉnh Bạc Liêu - cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh, khi công nhân vào cổng, phải đo thân nhiệt, xịt rửa tay. Tuy vậy, ở xưởng và nhà ăn quá đông người nên chị cũng lo lắng. “Riêng chỗ mình làm, mỗi chuyền có khoảng 30 người. Người đông mà biểu hạn chế tiếp xúc là không thể. Như mình, mỗi lần vô ra cổng, cũng phải chạm mặt cả ngàn người. Chỉ cần một người bị bệnh là mình bị lây ngay” - chị C. nói.

Chị C. cho biết, ai cũng sợ dịch bệnh, nhưng cũng như rất nhiều công nhân khác, chị phải tuân theo nội quy của công ty. Khi nào công ty cho nghỉ thì mới được nghỉ, nếu tự ý nghỉ, sẽ bị sa thải. “Mình cũng ráng phòng dịch theo khả năng của mình thôi chứ biết làm sao giờ” - chị C. nói.

Các công nhân tranh thủ đến trụ ATM rút tiền trong ngày chủ nhật để tránh cảnh chen lấn
Các công nhân tranh thủ đến trụ ATM rút tiền trong ngày chủ nhật để tránh cảnh chen lấn

Chúng tôi đưa hình ảnh công nhân chen chúc ra cổng CT Pouyuen mà Báo Phụ Nữ TPHCM đã đăng cách đây ít ngày, chị H.N. - công nhân khu MJ, CT Pouyuen - nói với những người chung phòng: “Thấy hông, tui nói mấy bà rồi. Đang dịch bệnh, nhà mình gần thì nán lại chút xíu, chờ vãn người, hãy về. Đi đông như vầy, một người bị bệnh là dính cả đám”. Chị N. cho biết, chị thường nán lại chờ người ta ra cổng bớt, mới về; trên đường đi thì “ráng cách xa người khác”. 

Nghe chị N. nói, chị B. hỏi vặn lại: “Bà nói vậy nhưng ra chỗ chợ mua đồ ăn buổi chiều, bà né được mấy người?”. Nghe hỏi, chị N. ậm ừ: “Thì tránh được bao nhiêu, đỡ bấy nhiêu”.

“Nhiều người đề xuất nghỉ từ trước”

Chị T.T.L. - quê tỉnh Cà Mau - cho biết, chị làm công nhân ở chuyền may, CT Pouyuen. Hôm qua, bộ phận chị đã được thông báo sẽ nghỉ bốn ngày, tính luôn Chủ nhật (12/4) để phòng, chống dịch COVID-19. “Nói nào ngay, nghe nghỉ, nhiều người cũng lo lương bổng này nọ. Nhưng rất nhiều người vui mừng vì được nghỉ trong lúc dịch bệnh này” - chị tâm sự.

Theo chị L., nhiều người tại chuyền của chị đã đề xuất nghỉ từ trước vì họ sợ vào công ty đông đúc, rất dễ lây dịch bệnh. Do thời gian gần đây, chuyền của chị L. cũng không nhiều hàng nên mọi người tránh dịch bằng cách xin nghỉ bớt phép năm. “Tôi thấy việc nghỉ phòng dịch là cần thiết. Nhà nước và công ty nếu hỗ trợ cho chúng tôi trong mấy ngày nghỉ thì tốt, nếu không thì trừ bớt phép năm của chúng tôi cũng được. Chuyện cơm áo thì lo cả đời nhưng cũng phải đủ sức khỏe mới lo chuyện cơm áo được” - chị L. nói.

Về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc, chị L. đánh giá “khá tốt”. Khi đến công ty, chị được đo thân nhiệt, xịt rửa tay. Tại các chuyền, công nhân phải luôn đeo khẩu trang và trang bị nước rửa tay. Về việc phòng, chống dịch bệnh khi ra ngoài công ty, chị L. chia sẻ: “Cái đó thì lo thiệt, đi đông đúc rất sợ”.

Trưa 12/4, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị B.T.T. - quê tỉnh Tiền Giang - cho hay, hôm qua, chị nhận thông báo được tạm nghỉ bốn ngày và chờ thông báo tiếp. Chị T. cho rằng, có thể xưởng của chị ít hàng nên được cho nghỉ, còn hai khu MJ và A nhiều hàng hơn, không biết có được nghỉ hay không.

Công ty PouYuen tạm dừng hoạt động, các công nhân bớt nỗi lo dịch bệnh.
Công ty Pouyuen tạm dừng hoạt động, các công nhân bớt nỗi lo dịch bệnh

Chị T. cho biết, hằng ngày, từ rạng sáng, chị đã phải leo lên xe đưa rước công nhân, đến tối mới về. Trong thời điểm dịch bệnh, về đến nhà, chị phải vào tắm ngay mới tiếp xúc với người thân trong gia đình. Khi TPHCM xuất hiện ca mắc COVID-19, hàng xóm cũng ngại tiếp xúc với gia đình chị do chị làm ở Pouyuen, đi về trong ngày. “Gia đình cũng khuyên tôi xin nghỉ hết 15 ngày phép để ở nhà, nhưng làm vậy đâu có được, ảnh hưởng dây chuyền, ảnh hưởng quyền lợi của mình nữa” - chị T. nói.

Chị T. cho biết, gần đây, công ty đã bổ sung thêm xe đưa rước nên không còn cảnh quá nhiều người chen chúc trên xe. Nhưng việc phải tiếp xúc với hàng ngàn người mỗi ngày khiến chị rất lo lắng. “Nghe được nghỉ, tụi tôi cũng mừng vì bớt lo dịch bệnh, nhưng chưa biết có phải nghỉ dài ngày hơn không. Nếu nghỉ lâu, chuyện lương bổng sẽ ra sao, công ty có hỗ trợ gì, nhà nước có hỗ trợ gì hay không? Công nhân vốn đã khổ, nếu nghỉ dài ngày không lương, chắc tụi tôi khó trụ nổi” - chị T. lo lắng.

Anh Hưng nói, ai cũng sợ dịch bệnh, nhưng nếu tự ý bỏ việc để tránh dịch thì sẽ mất thu nhập, thất nghiệp, không ai gồng gánh cho gia đình. Do vậy, mọi người vẫn phải chen lên xe để đến chỗ làm mỗi ngày. Chủ nhật là ngày các công nhân Pouyuen bớt nỗi lo dịch bệnh khi không phải chen chúc trên các chuyến xe đưa rước, chen lấn cùng dòng người ra vào nơi có đến khoảng 62.000 người “tụ tập”. 

Cần tăng cường quản lý các khu nhà trọ công nhân

Chị P.T.T. - trưởng một chuyền ở CT Pouyuen - cho biết, việc công ty ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến công nhân và cả hoạt động của công ty. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, việc tạm ngừng hoạt động là cần thiết, bản thân chị ủng hộ việc này.

Theo chị, trong đợt nghỉ này, công nhân ở trọ cũng không thể về quê. Nghỉ lâu ngày, tại các khu trọ sẽ phát sinh chuyện tụ tập, nhậu nhẹt, ảnh hưởng đến công tác phòng dịch, còn dễ lây bệnh hơn đi làm.

Chị đề nghị, chính quyền cần quản lý chặt các khu trọ công nhân trong thời gian họ nghỉ việc.

Sơn Vinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI