Công nhân phản ánh lương thấp, tăng ca nhiều với lãnh đạo TP.HCM

30/07/2017 - 15:42

PNO - Tiền lương thấp khiến cho NLĐ miệt mài tăng ca mới đủ sống, không có điều kiện tiếp cận với cuộc sống bên ngoài.

Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo TP.HCM với cán bộ CĐ, CNLĐ tiêu biểu diễn ra vào sáng 30/7, chị Trần Thị Hồng Vân – Chủ tịch Công đoàn công ty Nissei Electric (KCX Linh Trung) băn khoăn: “Nhà nước quy định mức lương tối thiểu rồi khuyến khích doanh nghiệp (DN) áp dụng lương cơ bản cao hơn, cái vế khuyến khích này không có ý nghĩa.

Bởi chỉ khuyến khích thì DN có thể làm hoặc không và đa phần là áp dụng đúng mức lương tối thiểu. Có DN, lương tối thiểu của vùng I hiện nay là 3.750.000 đồng thì lương cơ bản của họ là 3.751.000 đồng, cao hơn đúng 1.000 đồng và cũng được gọi là cao”.

Cong nhan phan anh luong thap, tang ca nhieu voi lanh dao TP.HCM
Quang cảnh buổi gặp gỡ

Theo chị Vân, hiện nay, công nhân tăng ca rất nhiều, mỗi tháng 100 giờ là bình thường, các công ty chia ca 12 tiếng/ngày. Công nhân tăng ca như vậy mới đủ sống.

Tuy nhiên, mỗi lần kiến nghị tăng lương tối thiểu, đại diện chủ DN lại viện rất nhiều lý do như trình độ lao động của CN Việt Nam thấp để kiềm hãm mức tăng lương tối thiểu mà không nghĩ rằng chính máy móc, thiết bị của DN quá lỗi thời, bố trí nhân sự không phù hợp mới là những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp.

Chị Vân cho rằng, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản chứ không phải chỉ là nhu cầu sống tối thiểu như hiện nay. Sau đó, NLĐ tăng thêm các khoản thu nhập từ các khoản phụ cấp, tăng ca, chứ không phải việc tăng lương cho NLĐ đang nhờ vào “lòng tốt” hay “khuyến khích” DN như hiện nay.

Trong khi đó, ông Trần Duy Biên -  Chủ tịch Công đoàn công ty Daeyun Việt Nam (KCX Linh Trung) cho rằng, tiền lương thấp khiến cho NLĐ miệt mài tăng ca mới đủ sống, không có điều kiện tiếp cận với cuộc sống bên ngoài.

“Đi làm đương nhiên phải tăng ca nhưng tăng ca là để tăng thêm tiền lương, để người lao động sắm cái này, mua cái kia, để tích lũy, chứ không phải như bây giờ, tăng ca mới đủ sống. Cách điều chỉnh lương tối thiểu hiện nay khiến chúng tôi khá thất vọng”, ông Biên nói.

“Tiền lương tối thiểu thấp dẫn đến lương cơ bản DN áp dụng thấp kéo theo mức đóng BHXH thấp, NLĐ về hưu khốn khó vô cùng. Những CN làm công việc nặng nhọc độc hại ở công ty tôi về hưu sớm 5 năm nhưng nhận lương hưu từ 2-2,5 triệu đồng/tháng, thử hỏi mức lương đó thì sống thế nào”, ông Trần Lê Duy Sơn, làm việc tại công ty Dệt may Gia Định, chia sẻ.

Cong nhan phan anh luong thap, tang ca nhieu voi lanh dao TP.HCM
Người lao động nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ

Ông Lê Hoàng Phong, làm việc tại công ty Topone (Q.Gò Vấp) cho hay: Tôi có theo dõi các cuộc làm việc của Hội đồng tiền lương quốc gia về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, với sự “kỳ kèo bớt 1, bớt 2” như thảo luận, những người lao động như chúng tôi khá thất vọng và dám chắc việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2018 sẽ không thể nào đáp ứng được nhu cầu sống tổi thiểu của công nhân.

Lắng nghe tất cả những ý kiến, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là dịp để cán bộ công đoàn, công nhân viên chức, người lao động nói lên tâm huyết và trách nhiệm của mình trong đóng góp cho sự phát triển của TP.

Cong nhan phan anh luong thap, tang ca nhieu voi lanh dao TP.HCM
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe ý kiến của người lao động

Ông Phong nói: “Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận cùng các đoàn thể TP luôn quan tâm, tạo điều kiện để mọi người dân được lao động, học tập trong môi trường tốt nhất. Công tác chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân, đặc biệt là các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, người lao động được thực hiện thường xuyên.

Lãnh đạo TP rất cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để cùng góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Trước các ý kiến kiến nghị, đóng góp của người lao động, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các cấp ngành, đơn vị có liên quan xem xét, triển khai. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ngành ngoài tập trung thực hiện có hiệu quả 7 chương trình đột phá, thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP, cùng cần tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước, an toàn gia thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con công nhân, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động.

Bên cạnh đó phải quan tâm công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, các chính sách hỗ trợ công nhân trực tiếp sản xuất để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Một vấn đề các đại biểu cũng rất quan tâm là chỗ ở của công nhân lao động hiện nay còn rất xập xệ. Theo đó,  mong TP đầu tư xây dựng nhiều công trình nhà ở xã hội và có nhiều hình thức hỗ trợ người lao động như bán, cho thuê hoặc thuê mua trả góp, nhằm tạo điều kiện cho công nhân có nơi ở ổn định

Liên quan đến vấn đề này tiền lương, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết luật quy định khi người lao động có qua đào tạo nghề, làm việc trong môi trường độc hại thì mức lương phải được tính cao hơn, chứ không chỉ căn cứ vào lương cơ bản.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI