Công nhân nhập cư chật vật trong những ngày Ấn Độ phong toả đất nước

03/04/2020 - 12:00

PNO - Hàng trăm công nhân bị mắc kẹt lại Mumbai khi Ấn Độ phong toả đất nước 21 ngày. Họ không có tiền, được cung cấp ít thức ăn và phải trú ngụ trong những nơi tồi tàn.

Sau khi Ấn Độ tuyên bố phong toả toàn quốc trong 21 ngày, hàng chục nghìn công nhân chen chúc trên những chuyến tàu, xe để di chuyển về các làng quê. Nhưng hàng trăm công nhân dệt thủ công ở Mumbai, Bhiwandi đã bị mắc kẹt lại khi các chuyến tàu dừng chạy.

Hơn một tuần sau khi lệnh phong toả có hiệu lực, cuộc sống của nhóm công nhân này gặp nhiều khó khăn. Họ không có công ăn việc làm nên không có tiền. 2 bữa ăn mỗi ngày của họ phụ thuộc vào các công ty, chủ nhà máy hoặc chính quyền địa phương. 

Dưới bóng râm trước nhà khách Hotel New India, hàng chục người đàn ông chen chúc để nhận được bánh mì và một túi nước sốt, rau củ.Để giải toả cơn khát, họ đến một vòi nước gần đó để hứng nước.

Một công nhân nghèo đang hứng nước miễn phí để giải toà cơn khát
Một công nhân nghèo đang hứng nước miễn phí để giải toà cơn khát

Nhiều người đã không tắm rửa trong mấy ngày qua vì họ không có tiền mua xà bông. Thậm chí, nhiều người phải đi đại tiện ngoài trời vì nhà vệ sinh công cộng phải mất phí khoảng 4 cent Mỹ (tương đương 1.000 VNĐ). Trong hoàn cảnh thiếu thốn như thế, số tiền trên cũng trở nên quý giá.

Tại Bhiwandi, một công nhân cho biết cảnh sát tuần tra hằng ngày để đảm bảo công tác phong toả được thực hiện triệt để, hạn chế tối đa việc người dân ra ngoài, trừ những trường hợp khẩn cấp. Một nhóm công nhân phải trốn vào một nhà máy cũ kỹ, ẩm mốc để sống tạm qua ngày. Trong đó, có một người khi bị cảnh sát rượt đuổi đã bị trật chân và hiện đang điều trị tại bệnh viện. 

Nhà chức trách địa phương cho biết đang nỗ lực để đảm bảo cuộc sống an toàn cho nhóm công nhân bị mắc kẹt này, trước nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện bếp ăn cộng đồng. 

Những công nhân bị mắc kẹt phải trú ngụ trong những nơi ẩm thấp, tồi tàn
Những công nhân bị mắc kẹt phải trú ngụ trong những nơi ẩm thấp, tồi tàn

Mayaram Tiwari, 35 tuổi, một công nhân của xí nghiệp may đến từ bang Uttar Pradesh nói với phóng viên: “Hoặc nhà nước gỡ bỏ lệnh phong toả cho chúng tôi về quê, hoặc để các nhà máy hoạt động trở lại”.

Tuy nhiên, quan điểm của chính phủ Ấn Độ vẫn được giữ vững. Nhà chức trách cho rằng việc phong toả hiện tại là cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng y tế thảm khốc ở quốc gia 1,3 tỷ dân này. Hiện tại, các bệnh viện ở Ấn Độ đã quá tải.

Giridhar Babu, giáo sư chuyên ngành dịch tễ học đang làm việc tại Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ, cho biết việc phong toả là cần thiết, đặc biệt khi các bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan tại những cộng đồng người nghèo. “Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi bảo để mặc cho họ mắc bệnh. Nhưng nếu không phong toả, nhiều người trong số họ sẽ chết vì người nghèo ít có khả năng được chăm sóc y tế tối ưu. Tôi vẫn nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được những lợi ích lớn hơn cho toàn bộ cộng đồng từ việc phong toả”, ông nói.

Hiện, Ấn Độ ghi nhận 1.900 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 50 trường hợp tử vong.

Thuỳ Anh (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI