Công nhân không dám mơ chuyện mua nhà

25/04/2022 - 06:40

PNO - Mức thu nhập trung bình hằng tháng của người lao động, đặc biệt là công nhân chủ yếu ở mức dưới 7 triệu đồng trong khi chi tiêu trung bình gần như tương đương. Do đó, họ dường như không thể có được đồng dư để phòng khi ốm đau bệnh tật, nói chi đến chuyện mua nhà.

Không có đồng dư

Một tay ôm bụng bầu đã sắp đến ngày sinh nở, tay còn lại, Huỳnh Thị Thoa (28 tuổi) đưa lên vỗ ngực, cố đè nén cơn ho. “Mấy bữa nay nóng quá, em chịu không nổi uống đá miết, càng uống càng ho”, Thoa nói không ra hơi. Thai kỳ ở tháng thứ chín nhưng ngoài cái bụng vượt mặt, Thoa để lộ vùng xương cổ nhấp nhô, hai cánh tay gầy rộc khẳng khiu. Thỉnh thoảng, Thoa ôm ngực than khó thở vì bụng bầu đẩy lên cao, chèn ép tim.

Chúng tôi ngồi trò chuyện cùng Thoa trong căn phòng vỏn vẹn 10m2, quần áo treo lủng lẳng trên đầu. Chiếc quạt máy đảo liên tục vẫn không đủ xua tan cơn bí bách khiến Thoa vừa nói chuyện, vừa đưa tay phẩy liên tục trước mặt. “Vậy rồi vài bữa sinh đẻ sao?”, chúng tôi ái ngại nhìn Thoa. “Em định sinh trong này, đợi hai, ba tháng con cứng cáp thì đi làm lại. Mà mùa này nóng quá, nằm không nổi nên chắc về quê. Cũng phải đóng tiền để giữ phòng mai mốt vô lại, chứ đi kiếm chỗ khác, tiền chịu không nổi”, Thoa nói.

Huỳnh Thị Thoa trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 tại P.Linh Trung, TP.Thủ Đức
Huỳnh Thị Thoa trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 tại P.Linh Trung, TP.Thủ Đức

Căn phòng trọ nhỏ thuê với giá 1,5 triệu đồng nằm trong khu trọ ở hẻm 216 đường Lê Văn Chí (P.Linh Đông, TP.Thủ Đức) Thoa đã ở hơn tám năm nay. Khu trọ trên dưới 100 phòng toàn người Bình Định, Phú Yên, chỉ có hai phòng là người miền Tây thuê. Cứ hai dãy trọ nằm đối mặt nhau, ở giữa chừa được con đường khoảng hơn 1m. Chiều tối, khi công nhân tan ca là xe máy đậu dọc lối đi khiến người ra vào phải cố len lách. Thoa sống ở đó với chồng, đứa con gái năm tuổi và em gái đang học đại học. Không gian sống chật hẹp nên giường ngủ của dì cũng là góc học tập của cháu. Giờ cơm thì chiếu được cuốn gọn lên. 

Thoa làm công nhân cho Công ty Nidec, lương 6 triệu đồng, thỉnh thoảng cao hơn nếu tăng ca, còn chồng là tài xế xe tải. Chỉ tính tiền nhà, điện nước với tiền sữa, tiền gởi con đã hơn 5 triệu đồng. Thoa nhẩm tính, mỗi tháng, tổng chi tiêu dành cho bốn người khoảng 10 - 12 triệu đồng. Trước dịch, mỗi tháng Thoa để dành được vài triệu đồng, thỉnh thoảng gởi về cho bà mẹ ở quê. Đợt dịch vừa rồi khiến hai vợ chồng đều thất nghiệp, số tiền tiết kiệm nhanh chóng ra đi. Đến nay, sau tám năm trời làm việc chăm chỉ, Thoa trắng tay khi đứa con thứ hai chuẩn bị ra đời. “Giờ trông vào đồng lương ba nó. Có nhiêu thì nuôi bấy nhiêu chớ biết sao”, Thoa cười.

Nhưng căn phòng của Thoa chưa đến nỗi so với nhiều gia đình. Cùng dãy, có một gia đình sáu người chen chúc nhau trong chừng ấy không gian. Bỏ ra 2,7 triệu đồng hằng tháng nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Thu Ân chỉ thuê được căn phòng gần 8m2 ở con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7). Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị phải chia sẻ không gian sống chật hẹp ấy cho người em gái. Đêm về, phải xếp gọn hai chiếc xe máy mới còn dư chỗ cho một người nằm. Chưa kể, mỗi lần bước vô phòng, phải khom lưng thì đầu mới không đụng vào cái gác xép nhỏ xíu phía trên. Chị Ân cho biết, thu nhập hằng tháng hai vợ chồng trung bình khoảng 15 triệu đồng, gần như không dư đồng nào khi có hai đứa con đang học đại học và gởi về quê lo cho đứa nhỏ mới học lớp Ba. 

Chính sách nhà ở vẫn ngoài tầm với công nhân

Theo một nghiên cứu về hiện trạng đời sống của người lao động, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, nhận định thu nhập hằng tháng của người lao động, đặc biệt là công nhân chủ yếu ở mức dưới 7 triệu đồng trong khi mức chi tiêu trung bình hằng tháng gần như tương đương. Với khoản thu nhập ít ỏi, họ dường như không thể có dư để cầm cự qua những tháng dài dịch bệnh không có thu nhập. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn 60% người lao động hằng tháng không có tiền dư để dành dụm. 

“Nhiều dự án xã hội mang tới nhiều hứa hẹn thúc đẩy nền tảng an sinh xã hội lấy người lao động làm trung tâm như xây dựng một triệu căn nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhưng đó có lẽ là những điều xa vời. Khi chúng tôi khảo sát nhu cầu, mong đợi của nữ lao động di cư, họ đã phản hồi những nhu cầu với tất cả sự khiêm tốn chừng mực, chỉ ở mức đủ sống, như được ưu đãi tiền điện nước, được hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện và những vấn đề rất nhỏ và rất cụ thể để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và có những dự phòng cho tương lai khi ốm đau bệnh tật”, ông Lộc cho biết.

Tại chương trình tiếp xúc của HĐND TP.HCM với hơn 400 nữ công nhân lao động về chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động diễn ra sáng 24/4, rất nhiều ý kiến cử tri khẳng định với mức thu nhập hiện nay, công nhân, viên chức vẫn không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Chị Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, cho rằng: “Hai năm nay, Nhà nước không tăng lương nhưng vật giá gia tăng liên tục từ 10 - 20% mỗi năm, để mua được nhà ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai hay TP.HCM với đồng lương ít ỏi như chúng tôi thật khó”.

Tại hội nghị tiếp xúc của HĐND TP.HCM với hơn 400 lao động nữ sáng 24/4 về chủ đề chính sách an sinh xã hội, nhiều nữ công nhân muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở, nhà thuê giá rẻ (trong ảnh: Một nữ công nhân bày tỏ nguyện vọng về chính sách nhà ở)
Tại hội nghị tiếp xúc của HĐND TP.HCM với hơn 400 lao động nữ sáng 24/4 về chủ đề chính sách an sinh xã hội, nhiều nữ công nhân muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở, nhà thuê giá rẻ (trong ảnh: Một nữ công nhân bày tỏ nguyện vọng về chính sách nhà ở)

Bên cạnh đó, theo chị Trang, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ cuối năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp rất ít đơn hàng khiến thời gian tăng ca của công nhân rất ít dẫn đến thu nhập mỗi tháng không đủ chi tiêu thì làm gì dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thu Phương, tài xế Grab xe máy, thuộc nghiệp đoàn xe ôm công nghệ Q.7, cho hay chị có một con trai đang học tiểu học. Thu nhập trung bình 7 triệu đồng mỗi tháng của chị chỉ đủ thuê một căn phòng nhỏ 1,5 triệu đồng và số còn lại chi tiêu rất tiết kiệm cho hai mẹ con. 

Nói lên những khó khăn khi thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không vượt quá 16 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, giá đã tăng lên từ 20 - 25 triệu đồng/m2, theo đó, giá thành của mỗi căn hộ sẽ dao động từ 1 - 1,6 tỷ đồng. Với thu nhập hiện nay, người lao động chỉ có thể dành khoảng 20 - 25% thu nhập, tương đương khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng để trả góp hằng tháng nếu mua nhà. Như vậy, thời gian hoàn thành thanh toán một căn hộ sẽ kéo dài, trong khi quy định pháp luật chỉ cho trả góp một căn hộ tối đa 15 năm và các chính sách đối với nhà ở xã hội là năm năm. Do đó, cần có chính sách của ngân hàng chính sách, của bên sử dụng lao động cũng như các nhà đầu tư hỗ trợ mới có thể giải quyết sự chênh lệch này. 

Nên tập trung cho thuê nhà giá rẻ

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đề xuất cần có chính sách nhất định để hỗ trợ người thuê trọ, chủ nhà trọ nâng chất lượng nhà trọ. Đó là vấn đề căn cơ, cốt lõi hơn trong chính sách nhà ở cho người lao động so với việc mua nhà ở xã hội. “Nhà thuê là một chính sách rất đặc biệt cần phải tính đến trong phương án về nhà ở dành cho công nhân lao động, bởi hiện nay người lao động không đủ tiền để mua nhà ở. Nếu có chính sách thuê nhà ở đảm bảo điều kiện an toàn, sạch đẹp, đủ bệnh viện, trường học lân cận khu làm việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công nhân lao động”, bà Thúy nói.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng thành phố nên tập trung vào phân khúc cho thuê nhà ở giá thấp chứ không phải là bán nhà ở cho công nhân. Thực tế, các đầu mối nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người lao động, bởi việc khống chế giá thành đã khiến nhà đầu tư không mặn mà đầu tư. Chưa kể khi bán với giá thấp, phần lớn người lao động thu nhập thấp vẫn không với tới được. 

“Tôi cho rằng cần có sự kết nối của hai nhóm chủ thể có trách nhiệm và có quyền là doanh nghiệp và Nhà nước. Nhà nước nên dành cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp với dự án nhà ở xã hội quyền được sử dụng đất mà không phải trả tiền. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp cần giữ người lao động, doanh nghiệp cũng sẽ có lợi khi đầu tư những căn nhà cho người lao động thuê. Khi có sự đồng lòng giữa doanh nghiệp có sử dụng lao động và Nhà nước thì bài toán về nhà ở dành cho công nhân ở trong một khu vực cụ thể nào đó sẽ được giải quyết tốt hơn”, bà Diệp đề xuất.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI