edf40wrjww2tblPage:Content
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), ông Trần Khắc Tùng (Giám đốc Trung tâm ICS - Trung tâm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại VN), luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (mẹ của người đồng tính) và ThS-BS Nguyễn Anh Thuận (Giám đốc Công ty An toàn sống) đã cùng tham gia giao lưu trực tuyến.
Người thân lại là rào cản lớn nhất!
Khi ta gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, người thân thường là chỗ dựa bình yên. Thế nhưng, với những người đồng tính, người thân chính là những người “làm khó” họ nhất. Chị Thanh Thủy vốn không chấp nhận con trai mình sống theo cách của một người đồng tính. Chị quyết liệt “cải tạo” con với nhiều biện pháp. Con chị đã tìm đến cái chết vì không thể “sống giả”, nhưng may mắn được cứu sống.
Dự buổi giao lưu, chị Thủy chia sẻ: “Khi nhận thức rõ về vấn đề đồng tính, tôi thương con nhiều hơn, để bù đắp những thiệt thòi mà con đã phải chịu. Là người mẹ có con đồng tính, tôi hiểu được các ông bố, bà mẹ có hoàn cảnh như mình: vì thấy xã hội còn kỳ thị người đồng tính và vì quá thương con, nên không muốn con khổ, nỗ lực tối đa để mong con như những người bình thường, dù biết là không thể nhưng vẫn cố. Nhưng tôi tin, khi phụ huynh tìm hiểu được cặn kẽ vấn đề, sẽ không còn muốn thay đổi con nữa, như tôi bây giờ”.
Nhiều độc giả đã đặt câu hỏi bày tỏ sự ngưỡng mộ “dám sống thật” đối với đôi bạn Ái Linh và Thanh Phương. Bản thân đôi bạn này cũng vượt qua rào cản rất lớn từ gia đình, lời dị nghị của họ hàng, láng giềng. Linh kể: “Khi tôi hiểu rõ được giới tính của mình, cũng là lúc đối mặt với nhiều khó khăn. Tôi phải cố che giấu cảm xúc của mình trước bạn bè và nhất là cha mẹ. Chỉ cần xem một mẩu tin, bộ phim không hay về đồng tính là y như rằng cả tuần đó gia đình tôi đưa ra để răn đe, chỉ trích. Tôi đã luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bất an. Cha mẹ tôi hy vọng sẽ có phép mầu để thay đổi con gái mình. Còn tôi thì nỗ lực tạo ra “phép mầu” để thay đổi suy nghĩ của cha mẹ. Cuối cùng tôi đã làm được”.
Sự kỳ thị của xã hội là rào cản lớn đối với người đồng tính trong việc tự do thể hiện bản thân và mưu cầu hạnh phúc. Ông Trần Khắc Tùng cho rằng: “Khó có thể đòi hỏi VN đẩy lùi kỳ thị người đồng tính một sớm một chiều. Ở những nước phát triển như Pháp, Canada, dù chính phủ đã công nhận kết hôn đồng giới nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn kỳ thị. Vấn đề tình yêu đồng giới, kết hôn đồng giới được “xới” lên ở VN chưa lâu, nhất thiết phải có thời gian để mọi người làm quen”.
Các vị khách mời đồng thuận rằng, để vượt qua rào cản, quan trọng nhất vẫn là bản thân người trong cuộc. Thay vì chờ đợi, người đồng tính phải tự vận động để thay đổi. ThS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên: “Nếu cha mẹ thiếu thông tin về vấn đề đồng tính, hãy in tài liệu về đồng tính và thưa rằng: xin cha mẹ đọc để hiểu con”. Ông Trần Khắc Tùng cũng “hiến kế”: “Khi cha mẹ còn phản đối gay gắt, hãy tạm thời tìm một chỗ dựa khác, như chú, cô, cậu, dì hay ai đó trong họ tộc, miễn là người đó có hiểu biết về vấn đề đồng tính để chia sẻ. Mọi vấn đề đều nên đi từ dễ đến khó, tiếp cận từng bước để dần cải thiện”.
Ảnh: Phùng Huy
“Không bao giờ là quá sớm cho một điều tốt đẹp”
Đó là trả lời của ông Trần Khắc Tùng trước câu hỏi: “Pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới vào thời điểm này, liệu có quá sớm?”. Ông Tùng cho rằng, những nhà lập pháp cần đẩy nhanh tiến trình xem xét, nghiên cứu, biên soạn để “công nhận hôn nhân đồng giới vì tiến hành càng trễ càng thiệt thòi cho người đồng tính”.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới, nhưng cũng không công nhận quan hệ hôn nhân này. Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nói: “Con người có thể lưỡng tính, nhưng pháp luật thì không thể “lưỡng tính” được. Nếu cấm thì không công nhận, hoặc công nhận thì không cấm. Lửng lơ con cá vàng như vậy, sẽ rất khó trong việc thực thi luật”.
ThS-BS Nguyễn Anh Thuận cho rằng, việc công nhận hôn nhân đồng giới ở thời điểm này là phù hợp. Xã hội ngày càng văn minh trong khi đất nước cần nhiều sự đóng góp và ổn định an sinh xã hội, người đồng tính cần được công nhận để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa mạnh dạn suy nghĩ, thể hiện quan điểm cởi mở như những vị khách mời của cuộc giao lưu trực tuyến lần này. Đa phần vẫn e ngại việc công nhận kết hôn đồng giới. Luật sư Trạch nói: “Theo tôi biết thì Nhà nước đã vào cuộc một cách nghiêm túc và rốt ráo xem xét việc kết hôn đồng giới, vấn đề còn lại là nghiên cứu lộ trình hợp lý”.
Nhiều bạn đọc băn khoăn, liệu có quá mạo hiểm khi công nhận kết hôn đồng giới, trong khi phần đông người dân VN vẫn còn “lơ tơ mơ” kiến thức về đồng tính? ThS Khắc Hiếu cho rằng: “Kết hôn đồng giới đang là điều “mới lạ” với người Việt. Đồng tính xuất hiện từ xa xưa. Hôn nhân đồng tính đã được cho phép ở 16 quốc gia, đều là những quốc gia phát triển và hôn nhân đồng giới hoàn toàn không gây hậu quả xấu cho xã hội. Nếu công nhận hôn nhân đồng giới, nước ta không phải là nước đầu tiên tiến hành, đó không phải là một sự mạo hiểm”.
Cũng có bạn đọc trăn trở: “Nếu công nhận hôn nhân đồng giới, liệu có gây xáo trộn xã hội?”. Luật sư Thế Trạch lật lại vấn đề: “Thực ra, việc chưa công nhận hôn nhân đồng giới như hiện nay mới là xáo trộn. Người đồng tính chưa được pháp luật bảo vệ đầy đủ, họ hoang mang với việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Đang xáo trộn như vậy, nên cần luật để điều chỉnh phù hợp hơn, tạo được sự ổn định bền vững”.
Các vị khách mời cũng chung quan điểm rằng, người đồng tính đừng vì quá nôn nóng mà phủ nhận “sự tiến triển đáng kinh ngạc” của xã hội và ngành tư pháp ở nước ta liên quan đến người đồng tính.
12g30, dù chương trình giao lưu đã kết thúc nhưng vẫn còn rất đông bạn đọc gửi câu hỏi về chương trình. Các vị khách tham gia giao lưu đều bày tỏ sự lạc quan về việc đẩy lùi kỳ thị người đồng tính trong tương lai gần. Và những gì đã chia sẻ qua www.phunuonline.com.vn tại cuộc giao lưu, dường như họ đang có chung một hy vọng về việc Nhà nước sớm công nhận hôn nhân đồng giới.
Ban Hôn nhân-Gia đình
ĐỂ THÁO GỠ RÀO CẢN ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỒNG TÍNH Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Muốn gỡ phải tìm được nút thắt. Nút thắt ở đây là suy nghĩ sai lầm về đồng tính, dẫn đến kỳ thị. Phải phổ cập kiến thức về đồng tính để đông đảo người dân nhận thức đúng. Từ đó, người đồng tính mới được thoải mái trong thái độ và cởi mở trong hành vi. Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch: Bản thân người đồng tính phải tự nỗ lực vượt qua rào cản bằng lối sống tích cực chứ đừng tự tạo ra rào cản, để rồi xa lánh đám đông. Cần có nhiều trung tâm, phòng đào tạo ở từng địa phương để tư vấn, phổ biến kiến thức về đồng tính cho cộng đồng. Đôi bạn Tăng Ái Linh - Thanh Phương: Bản thân người đồng tính phải biết tự trang bị kiến thức, hiểu biết luật pháp để tự tin sống thật với giới tính của mình, bởi người ta thường thiếu tự tin khi thiếu hiểu biết. Ông Trần Khắc Tùng: Người đồng tính hãy xác tín rằng, hạnh phúc nằm trong tay mình, bản thân chủ động tìm đến hạnh phúc sẽ hiệu quả hơn là chờ xã hội thay đổi. Vượt qua rào cản của chính mình mới có thể vượt qua rào cản của xã hội. Trần Triều (ghi) |