Nhà Trắng cho biết, việc tiếp theo của Tổng thống Trump là chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu quá trình chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem.
Quyết định này được những người ủng hộ Tổng thống Mỹ và chính phủ Israel hoan nghênh, nhưng bị các đồng minh Ả Rập của Washington cảnh báo hôm 5/12 rằng nó sẽ làm suy yếu sự ổn định của khu vực và ngăn cản tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
|
Tổng thống Trump sẽ tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel - Ảnh: Weny |
Chính quyền Trump nhấn mạnh rằng quyết định này không ảnh hưởng đến ranh giới của các quốc gia Israel và Palestine trong tương lai như đã đàm phán trong một thỏa thuận thể chế mới nhất.
Theo chính quyền Trump, việc duy trì đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv bất chấp dự luật yêu cầu chuyển đến Jerusalem, đã không thúc đẩy hòa bình trong hơn hai thập kỷ vừa qua.
Như để trấn an, một quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ không thay đổi chính sách của Mỹ chống lại việc xây dựng khu định cư của Israel ở Đông Jerusalem.
Trước khi chính thức tuyên bố về thể chế của Jerusalem, Tổng thống Trump đã điện đàm thông báo cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Quốc vương Salman của Ả rập Xê Út, Quốc vương Abdullah của Jordan.
Động thái của Mỹ khiến các đồng minh của Washington bất bình vì đi ngược lại các tiêu chuẩn quốc tế và có khả năng làm mất ổn định khu vực.
Các nhà lãnh đạo khu vực cảnh báo, động thái của Washington sẽ làm suy yếu sự ổn định của khu vực và hủy hoại bất kỳ hy vọng hòa bình nào trong một tương lai gần.
Jordan, Ai Cập, Ả-rập Xê-út và Qatar đã phản ứng tức thì, các nước này lên tiếng chỉ trích quyết định của Mỹ thúc giục chính quyền Trump xem xét lại.
Ban lãnh đạo Palestine đã kêu gọi phản kháng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải ban hành một cảnh báo an ninh khi đi du lịch đến Bờ Tây và cổ thành Jerusalem.
|
Tòa nhà Dome of the Rock ở Jerusalem, nơi người Hồi giáo gọi là Noble Sanctuary còn người Do Thái gọi là Temple Mount - Ảnh: Reuters |
Các nhà phân tích cho rằng việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có gây ra làn sóng phản đối trong khu vực có thể đặt các nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ vào tình trạng nguy hiểm, đồng thời nó có thể trao vũ khí tuyên truyền vào tay các nhóm chiến binh và Iran.
Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Federica Mogherini, đã nhân cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để cho thấy EU không hài lòng với quyết định này của Washington.
Ông Mogherini nói rằng bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu một hiệp định hòa bình cuối cùng giữa Israel và Palestine thì "hoàn toàn phải tránh".
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với ông Trump rằng, Mỹ cần phải giải quyết thể chế của Jerusalem thông qua đàm phán hòa bình giữa người Israel và người Palestine.
Ông David Makovsky, giám đốc Dự án về Tiến trình Hoà bình Trung Đông tại Viện Chính sách Cận Đông Jerusalem, nói rằng việc tuyên bố của Tổng thống Mỹ sẽ giết tất cả các cơ hội cho một thỏa thuận hòa bình.
Shibley Telhami, giáo sư Đại học Maryland (Mỹ), cho biết việc Mỹ tuyên bố thể chế Jerusalem sẽ tạo thêm cớ cho các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan và Iran tuyên truyền, khiến cho tình hình trong khu cực càng phức tạp hơn.
Các nhà phân tích nhất trí rằng việc tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump sẽ là một vấn đề gây tranh cãi trên khắp thế giới.
Động thái này đi ngược lại chủ trương trước đây của các tổng thống tiền nhiệm, trong bối cảnh Israel và Palestine đang tranh chấp thánh địa thiêng liêng này, và bên nào cũng tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình.
|
Jerusalem có số dân khoảng 850.000 người, trong đó 37% là người Ả Rập và 61% là Do Thái. Phần lớn dân Palestine sống ở khu Đông Jerusalem - Ảnh: Getty Images |
Về mặt lịch sử, kế hoạch phân chia của LHQ vào năm 1947 quyết định Jerusalem là một "thành phố quốc tế" tách biệt.
Sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel vốn đang kiểm soát Tây Jerusalem, đã chiếm thêm khu phía Đông thành phố này. Kể từ đó, toàn bộ thành phố Jerusalem thuộc quyền kiểm soát của Israel.
Tuy nhiên, người Palestine và nhiều người trong cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.
Ông Trump cũng đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người từng bỏ nhiều thời gian vận động Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.
|
Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được chính quyền Tel Aviv hoan nghênh - Ảnh: The Star |
Chính phủ Israel ca ngợi lời cam kết của Tổng thống Trump trong việc chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.
Trong khi đó, ban lãnh đạo và người dân Palestine khẳng định rằng việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem là vi phạm luật pháp quốc tế và là một thất bại lớn đối với hy vọng hòa bình.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã nhờ các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và vua Abdullah của Jordan, để giúp gây áp lực buộc ông Trump thay đổi ý định của mình.
Tổ chức Giải phóng Palestine gợi ý rằng họ sẽ xem xét hủy bỏ sự công nhận Israel, và hủy bỏ tất cả các thỏa thuận giữa người Israel và Palestine, nếu động thái trên diễn ra.
|
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh cảnh báo ông Trump không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - Ảnh: CNN |
Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập các nước liên minh của Mỹ để cảnh báo ông Trump không công nhận thể chế Jerusalem.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng "sai lầm chết người" này có thể gây xung đột mới ở Trung Đông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hôm 5/12, cho biết kế hoạch công nhận Jerusalem phạm vào “ranh giới đỏ” của Thổ Nhĩ Kỳ và có thể dẫn đến việc Ankara cắt quan hệ ngoại giao với Israel.
Hòa Ninh (Theo CNN, Reuters, BBC)