Công nhân hối hả trên những công trường không ngủ

11/01/2024 - 06:20

PNO - Những ngày này, công nhân của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 làm xuyên đêm trên công trường xây dựng cầu Giồng Ông Tố thuộc dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức. Trên những công trường khác ở khắp TPHCM, các công nhân cũng tất bật thi công đêm ngày để hoàn thành công trình đúng hoặc trước hạn.

Tiếng sắt thép rầm rập xuyên đêm

Có mặt ở công trường xây dựng cầu Giồng Ông Tố khuya 3/1, chúng tôi thấy hàng chục công nhân đội 09 của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 vẫn đang làm việc không ngơi tay nơi công trường ngổn ngang sắt thép. Do diện tích thi công chật hẹp, đội phải chia 2 nhóm: nhóm hàn thép làm việc trên cầu, nhóm tạo hình sắt, thép làm việc bên dưới. 

Công nhân tăng ca xuyên đêm để thi công hầm chui tại gói thầu xây lắp số 5, dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) với quyết tâm sẽ về đích sớm - Ảnh: Tam Nguyên
Công nhân tăng ca xuyên đêm để thi công hầm chui tại gói thầu xây lắp số 5, dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) với quyết tâm sẽ về đích sớm - Ảnh: Tam Nguyên

Anh Nguyễn Hữu Thuyến - Đội trưởng đội 09, đang làm việc trên cầu - cho biết, đội có nhiệm vụ thi công khoảng 300m cầu cho đến khi bàn giao công trình. Công trình được khởi công từ tháng 4/2023, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng. Đến nay, công ty đã thi công được 50% khối lượng trong điều kiện thiếu không gian làm việc, lầy lội vào mùa mưa. “Để hoàn thành đúng tiến độ được giao, các thành viên của đội phải tăng ca suốt nhưng ai cũng sẵn sàng nỗ lực vì mục tiêu chung, chẳng một lời kêu ca” - anh Thuyến nói.

Cách đó không xa, tại gói thầu xây lắp số 5 trên đường Mai Chí Thọ (cũng thuộc dự án xây dựng nút giao An Phú), 40 công nhân vẫn tất bật làm việc dù trời đã khuya. Công trường sôi động với tiếng sắt thép không ngừng va chạm nhau rầm rập cùng với những thao tác nhanh nhẹn, thuần thục của công nhân. Chị Võ Kim Vàng (quê ở tỉnh Bạc Liêu) một tay nắm chặt mớ dây thép, tay còn lại cầm kìm lần theo các khung thép xoay liên tục để buộc định hình cốt thép hầm. Làm việc liên tục từ 8g đến hơn 22g, chị vẫn cười hỉ hả khi được hỏi thăm. Chị cho biết, làm liên tục cũng mỏi người, nhưng làm đêm có cái thú là không khí mát mẻ, dễ chịu hơn ban ngày. “Tết nhất tới nơi, tăng ca để có thêm đồng tiền về quê cũng vui. Mà vui hơn cả là con đường đang ngày càng thành hình, tưởng tượng cảnh bà con đi lại rộng rãi mình cũng sướng” - chị cười.

Công nhân trên công trường xây dựng cầu Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức) - Ảnh: Tam Nguyên
Công nhân trên công trường xây dựng cầu Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức) - Ảnh: Tam Nguyên

Gói thầu xây lắp số 5 do Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn nhận thầu thi công. Công nhân chia làm 4 tổ gồm cốt thép, cốt pha, bê tông và đào đất. Các tổ cốt thép, cốt pha làm đến 22g thì tổ đào đất vào ca, làm tới 7g sáng hôm sau rồi bàn giao mặt bằng cho tổ bê tông. Khi đó, tổ cốt thép sẽ chuyển sang làm cốt thép ở đốt hầm tiếp theo. 

Anh Lê Văn Việt - phụ trách kỹ thuật thi công của Công ty Hoàng Huy Toàn - thông tin, công ty nhận thầu thi công đoạn hầm chui HC1-01 dài khoảng 455m từ đốt K1 đến đốt K19, bao gồm 19 đốt hầm, trong đó có 16 đốt hở và 3 đốt kín, bắt đầu từ ngã ba Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống đến gần ngã tư Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định. Đây là công trình hầm cấp II, vận tốc thiết kế 50km/g cho 4 làn xe. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10/2024, giúp giải tỏa áp lực lưu thông khu vực nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống cũng như từ đại lộ Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Công nhân sẵn sàng ăn tết trên công trường

Theo anh Lê Văn Việt, do khởi công đầu mùa mưa (tháng 4/2023), lại là công trình ngầm nên việc thi công rất khó khăn. Trong quá trình thi công, công nhân phải mấy lần tạm nghỉ, chờ xử lý do vướng một số công trình ngầm như đường ống cấp thoát nước, cáp thông tin liên lạc. Thêm vào đó, đại lộ Mai Chí Thọ có mật độ giao thông lớn nên việc vận chuyển vật tư, thiết bị ra vào công trường phải tránh giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến việc lưu thông trên đường. Để khắc phục khó khăn, công ty đã lên kế hoạch hợp lý về nguyên vật liệu, thiết bị, lực lượng nhân công, cho thi công 2-3 ca/ngày. 

Công nhân tăng ca xuyên đêm để thi công hầm chui tại gói thầu xây lắp số 5, dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) với quyết tâm sẽ về đích sớm - Ảnh: Tam Nguyên
Công nhân tăng ca xuyên đêm để thi công hầm chui tại gói thầu xây lắp số 5, dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) với quyết tâm sẽ về đích sớm - Ảnh: Tam Nguyên

“Tính đến nay, sau 9 tháng, tức 50% thời gian, công ty đã hoàn thành 68% khối lượng công việc với giá trị giải ngân 65%, vượt tiến độ khoảng 2 tháng. Chúng tôi cố gắng phấn đấu để hoàn thành, bàn giao công trình trước tiến độ khoảng 3 tháng” - anh Lê Văn Việt chia sẻ. Anh cho hay, những ngày qua, công nhân làm xuyên tết dương lịch và dự kiến, đến ngày 28 tháng Chạp mới về quê nghỉ tết Nguyên đán, những công nhân không về quê ăn tết vẫn tiếp tục làm việc ở công trường. 

Trước đó, đêm 27/12/2023, khi chúng tôi đến công trường thuộc dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn và Cộng Hòa (quận Tân Bình) thì cơn mưa trái mùa bất chợt trút xuống tầm tã. Đứng trong lán trại nhìn ra màn mưa, anh Hồ Thanh Thủy - chuyên viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TPHCM - sốt ruột: “Mưa vầy chắc thua chứ làm gì được hả anh em?”. Anh Đỗ Đăng Thắng - Tổ trưởng tổ thi công cốt thép, Công ty Thành Phát - trấn an: “Nhằm nhò gì. Lát tạnh, làm được hết”.

Khoảng 20 phút sau, mưa nhẹ hạt, tổ công nhân gần 20 người rời khỏi lán, bước về phía hầm - nơi họ đang thi công dang dở. Đất sét nhão nhoẹt bám vào dép khiến những bước chân nặng nề hơn. Mưa mới dứt nhưng không khí trong hầm vẫn nóng như cái lò khiến mồ hôi túa ướt áo công nhân. “Tranh thủ làm đến ngày 29 xong phần cốt thép để ngày 30, 31 đổ bê tông nha anh em. Bữa đó ai không nghỉ thì đón giao thừa tại hầm luôn” - tiếng anh Đỗ Đăng Thắng hòa trong tiếng cắt, hàn sắt và tiếng xe cộ. 

Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư, với tổng vốn 4.800 tỉ đồng, chiều dài tổng công trình là 4.031m, rộng 29,5 - 48m với 6 làn xe, giúp kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất giảm áp lực giao thông trên đường Cộng Hòa. Anh Hồ Thanh Thủy cho biết, chủ trương làm dự án có từ năm 2016, nhưng phải dừng chờ quy hoạch sân bay, đến tháng 8/2018 mới triển khai lại nhưng làm chưa đến đâu thì vướng dịch COVID-19. Nơi các công nhân đang thi công thuộc gói thầu số 9, được triển khai từ đầu năm 2023, đến nay đạt hơn 50% khối lượng nhờ triển khai nhiều mũi thi công cùng lúc. 50 người chia ca làm liên tục: tổ cốt thép làm đến 21g, tổ đào đất hoặc thi công cống thoát nước làm từ 22g đến sáng hôm sau.  

Theo anh Hồ Thanh Thủy, ngoài gói thầu số 9, các gói thầu từ số 10 đến số 13 đều thi công đạt tiến độ, nên việc hoàn thành dự án vào cuối năm 2024 như kế hoạch là hoàn toàn trong khả năng: “Việc thi công gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo sự lưu thông bình thường trên tuyến đường đông xe cộ; công trường lại chật hẹp, vướng nhiều vật tư, máy móc. Nhưng với quyết tâm của mọi người, mọi khó khăn đều có thể khắc phục”. 

Đẩy nhanh tiến độ 5 công trình giao thông trọng điểm

Ngày 29/12/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM tổ chức lễ phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm tại TPHCM. Phát biểu tại lễ, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ thi công 5 dự án giao thông trọng điểm, gồm làm đường Vành Đai 3, xây dựng nút giao An Phú, nâng cấp Quốc lộ 50, xây đường nối đường Trần Quốc Hoàn và Cộng Hòa, xây nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Ông yêu cầu đảm bảo đầy đủ mặt bằng, vốn, nhà thầu cho 5 dự án này. Theo ông, riêng năm 2024, số vốn đầu tư công của TPHCM khoảng 80.000 tỉ đồng, đủ bố trí cho các công trình quan trọng.

Thiên Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI