Công nhận cảm xúc của con

14/11/2017 - 13:53

PNO - Công nhận các cảm xúc là bước đầu tiên để chấp nhận cảm xúc của người khác. Ta cần tìm hiểu và chấp nhận đặc tính độc nhất của một ai đó.

Công nhận các cảm xúc là bước đầu tiên để chấp nhận cảm xúc của người khác. Ta cần tìm hiểu và chấp nhận đặc tính độc nhất của một ai đó. Khi cha mẹ công nhận con trẻ là cha mẹ đã cho con một vùng an toàn để chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ. Một sự cam đoan với trẻ rằng sẽ ổn nếu như trẻ đang có cảm xúc đó. Tất cả sẽ được đón nhận, tôn trọng.

Cong nhan cam xuc cua con
Ảnh minh họa

Công nhận về mặt cảm xúc là một tiến trình học hỏi về việc hiểu và thể hiện sự chấp nhận các trải nghiệm cảm xúc của con. Tiến trình này nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển sức khỏe tinh thần, vun bồi các kỹ năng và giá trị bản thân. Đó là kỹ năng mà phụ huynh và người chăm sóc trẻ có thể học hỏi, thực hành, rèn luyện được.

Lúc này hay lúc khác, nó có thể là một thành tố của giá trị đo lường về trí thông minh cảm xúc. Một người có kỹ năng về sự công nhận cảm xúc có thể rất hữu dụng cho việc cải thiện mối quan hệ và nâng cao sự tương tác khỏe mạnh trong gia đình.

Sự công nhận cảm xúc làm mọi người tương tác cởi mở hơn và cảm thấy tự do khi giao tiếp, từ đó phá bỏ bức tường vô hình để mở ra dòng giao tiếp tự do, thoải mái hơn cho những người trong cuộc.

Với một vài trẻ, tất cả những gì ta cần làm là sử dụng những câu nói phản hồi một cách ngắn gọn, công nhận những lời nói của trẻ để trẻ tiếp tục trò chuyện và chia sẻ. Sự công nhận đôi khi kèm theo sự lắng nghe, cái gật đầu hay một dấu hiệu của sự đồng ý; đôi khi là một cái ôm hay một cái chạm nhẹ nhàng.

Cong nhan cam xuc cua con
Ảnh minh họa

Ví dụ: bé bị vấp té, trầy tay; ba tiến lại hỏi “đau nhiều hả con?” rồi ân cần phủi phủi, lau lau, hôn tay và nói “ba đã xem qua chỗ đau rồi, cố gắng, chút nữa sẽ hết”. Đôi khi sự công nhận cảm xúc còn có nghĩa là hãy kiên nhẫn khi trẻ chưa sẵn sàng để nói.

Các bước cần thiết để ghi nhận cảm xúc:

- Ghi nhận những cảm giác của trẻ.

- Định dạng cảm xúc.

- Đề nghị để lắng nghe. 

- Giúp trẻ gọi tên những cảm xúc ấy.

- Ở đấy với trẻ, giữ nguyên tình trạng thể lý và cảm xúc hiện tại.

- Cảm nhận một cách kiên nhẫn.

- Cảm nhận với sự chấp nhận và không phán xét.

Bằng cách làm “gương soi cảm xúc”, cha mẹ cho trẻ thấy rằng gia đình đang hòa điệu với trẻ, kết nối với trẻ và trẻ cũng kết nối với chúng ta.

ThS Lê Thị Minh Tâm 
(Chuyên viên tư vấn tâm lý, Đại học RMIT Việt Nam)

Hội thảo CÁC PHƯƠNG PHÁP NUÔI DẠY VÀ HỖ TRỢ CON CÁI

Buổi hội thảo chủ đề Các phương pháp nuôi dạy và hỗ trợ con cái với diễn giả - ThS Lê Thị Minh Tâm (chuyên gia tâm lý, Đại học RMIT) sẽ diễn ra từ 18g - 19g30, ngày 16/11, tại số 74 Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM). Miễn phí tham dự. Liên hệ đăng ký qua website: www.renaissance.edu.vn hoặc điện thoại 0902 505 799 (cô Trúc).

Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI