Công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp: đã bớt lo chuyện gửi con đi học mầm non

22/07/2020 - 20:53

PNO - 6 năm thực hiện, đề án đã kiện toàn, phát triển 990 nhóm trẻ, trong đó có 830 nhóm kiện toàn, 160 nhóm phát triển mới, vượt 490 nhóm so với chỉ tiêu.

Song song với mục tiêu kiện toàn, phát triển nhóm trẻ, Hội Phụ nữ và ngành Giáo dục đã phối hợp tổ chức tập huấn cho 27.096 người (quản lý nhóm, giáo viên, người chăm sóc trẻ), đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng cho 770.462 người (cha mẹ và nguời chăm sóc trẻ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp).

Kết quả trên được cập nhật tại hội thảo “Rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non (gọi tắt là đề án 404) và tham vấn triển khai đề án sau năm 2020” được thực hiện bởi Trung ương Hội LHPN Việt Nam, do bà Trần Thị Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì.

Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chủ trì hội thảo
Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chủ trì hội thảo

Với mục tiêu kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại các địa bàn có đông nữ công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho chủ nhóm, người chăm sóc trẻ; nâng cao nhận thức cho bà mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ từ 0 - 36 tháng; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và đảm bảo chất lượng, đề án 404 chia thành 2 giai đoạn (2014-2017 và 2017-2020), thực hiện trên 20 tỉnh thành. Riêng khu vực miền Nam, dự án được triển khai tại 9 tỉnh thành, gồm TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ (giai đoạn 1) và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang, An Giang (giai đoạn 2).

Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ được phê duyệt từ ngân sách của UBND tỉnh/ thành, các địa phương cũng vận động được nguồn hỗ trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp. TP.HCM được UNICEF hỗ trợ 1 tỷ đồng trong việc kiện toàn nhóm trẻ tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Quảng Ngãi vận động 20 doanh nghiệp hỗ trợ con công nhân được gởi trẻ với mức phí từ 30.000 - 100.000/ trẻ/ tháng

Mặc dù vượt chỉ tiêu dự án đề ra, nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo tính bền vững của các nhóm trẻ được đề án hỗ trợ kiện toàn. Trong đó, một số nhóm trẻ tự giải thể do chủ cơ sở chuyển đổi hình thức kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19; một số chuyển đổi địa điểm nên vượt ra khỏi cơ chế hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhóm trẻ độc lập tư thục phát triển ngày càng đông và theo mùa vụ khiến việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp triển khai đề án giữa các ngành chưa đồng đều, cụ thể, ngành Y tế vẫn chưa vào cuộc ngay từ cấp Trung ương cũng là một khó khăn trong quá trình thực hiện đề án.

Đại diện tỉnh Bình Thuận thông tin về kết quả thực hiện đề án
Đại diện tỉnh Bình Thuận thông tin về kết quả thực hiện đề án

Để tăng cường hỗ trợ con công nhân lao động trong thời gian tới, bà Huỳnh Thị Hải Vân - Giám đốc trung tâm Dân số và Sức khỏe sinh sản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đưa ra một số đề xuất, trong đó nhấn mạnh việc phát triển đề án gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương có khu, cụm công nghiệp, trong đó, có cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp; đồng thời ngành giáo dục cần nâng cao năng lực của nhà trường trong việc tăng tỉ lệ huy động trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 24 tháng tuổi cũng như hỗ trợ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi...

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI