Anh Đỗ Đình Tấn (SN 1972, ngụ huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) phản ánh với báo Phụ Nữ TP.HCM, Công ty TNHH Kim Sơn (chuyên chế biến gỗ dăm thuộc cụm công nghiệp làng nghề xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho anh; khi xảy ra tai nạn lao động thì công ty né tránh trách nhiệm.
Từ lao động chính trở thành gánh nặng gia đình
Anh Tấn cho biết, đầu tháng 2/2015, anh vào làm việc tại công ty Kim Sơn. Công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), nhưng không giao bản HĐLĐ cho anh, cũng không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho anh mà chỉ mua bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ).
Lúc 4g ngày 14/3/2016, anh Tấn đang làm việc ca đêm cùng với ba công nhân khác thì bị robot gắp cây keo (keo lá tràm) rớt xuống trúng đầu và cổ khiến anh bị thương và đượ c các công nhân khác đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, người nhà thuê xe đưa anh ra BVĐK TP.Đà Nẵng. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương cột sống cổ, giập tủy cổ, thoát vị đĩa đệm và chỉ định phẫu thuật.
Sau đó, ngày 1/4/2016, vợ đưa anh đến BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, tiếp tục điều trị nội khoa và vật lý trị liệu. Tháng 5/2016, anh Tấn được gia đình đưa qua BV Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi điều trị với chẩn đoán liệt tứ chi do chấn thương tủy cổ. Bệnh tình không mấy cải thiện, hai tay không cử động được, thường xuyên bị đau nhức, gia đình phải chuyển anh trở ra BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
|
Anh Đỗ Đình Tấn đang điều trị bệnh |
Vợ anh Tấn, chị Dương Thị Sương, bức xúc: “Chồng tôi bị tai nạn, chuyển đến nhiều BV nhưng đại diện công ty không hề đến thăm hỏi. Phía công ty chỉ cử nhân viên kế toán đến đưa cho tôi tổng cộng 27,3 triệu đồng. Sau đó, hai nhân viên ở công ty đến thương lượng với gia đình tôi. Tôi yêu cầu công ty chi trả toàn bộ số tiền chữa trị, ăn uống, đi lại trong thời gian anh Tấn điều trị và thiệt hại sau khi anh Tấn bị tai nạn mất sức lao động. Những người này nói rằng sẽ về báo cáo lại với ban lãnh đạo công ty, nhưng đến nay lãnh đạo công ty không hề liên lạc với gia đình chúng tôi”.
Gia đình anh Tấn đề nghị Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Quảng Ngãi giám định tỷ lệ thương tật cho anh Tấn nhưng cơ quan này đề nghị phải có giấy giới thiệu của nơi anh Tấn làm việc. “Chúng tôi liên hệ thì công ty không cấp giấy giới thiệu. Quá bức xúc, tôi gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng thì đến đầu tháng 10/2016, giám đốc công ty Kim Sơn mới đến nhà tôi thương lượng, hỗ trợ một số tiền và hứa cấp giấy giới thiệu để chồng tôi đi giám định thương tật. Phía công ty đưa ra một biên bản tai nạn do công ty tự lập, trong đó đổ hết lỗi cho chồng tôi”, chị Sương kể.
Sai luật, thiếu tình
Phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với bà Trần Thị Kiều Tin, Kế toán trưởng công ty Kim Sơn. Bà Tin cho biết, TNLĐ xảy ra một phần do lỗi của người lao động. Cụ thể, khi robot hoạt động, theo nội quy lao động, anh Tấn không được đứng ở phía dưới, nhưng do anh Tấn vô ý nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Theo bà Tin, do anh Tấn chỉ được ký HĐLĐ mùa vụ dưới ba tháng nên không được đóng BHXH, BHYT. Công ty đã hỗ trợ cho gia đình anh Tấn khoảng 30 triệu đồng, đồng thời đồng ý chi trả các khoản chi phí điều trị khoảng 48 triệu đồng, hỗ trợ năm tháng lương trong thời gian anh Tấn điều trị với tổng số tiền khoảng hơn 80 triệu đồng, nhưng gia đình anh Tấn chưa đồng ý.
“Gia đình anh Tấn cho rằng chi phí điều trị đã hơn 100 triệu đồng, yêu cầu công ty phải nuôi con nhỏ của anh ấy, nhưng anh Tấn bị thương nhẹ nên công ty không đồng ý với yêu cầu trên. Hiện chúng tôi đang chờ kết quả giám định và sẽ bồi thường theo luật”, bà Tin cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Kim Sơn có đăng ký tham gia BHXH nhưng trong danh sách tham gia BHXH không có tên anh Đỗ Đình Tấn. Do đó, khi TNLĐ xảy ra, anh Tấn không được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT. “Trong trường hợp kiểm tra, đối chiếu, phát hiện anh Tấn là đối tượng người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc mà công ty Kim Sơn không đóng BHXH cho anh thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”, đại diện BHXH TP.Quảng Ngãi nói.
Về vụ việc trên, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Từ đầu tháng 2/2015 đến ngày xảy ra TNLĐ (tháng 3/2016) là hơn một năm, công ty chỉ ký với anh Tấn nhiều bản HĐLĐ mùa vụ dưới ba tháng và không đưa anh vào diện tham gia BHXH là vi phạm khoản 2, điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012. Trường hợp anh Tấn, theo Bộ luật Lao động, phải được mặc nhiên xác định là HĐLĐ không xác định thời hạn và phải tham gia BHXH bắt buộc theo điểm a, khoản 1, điều 2 Luật BHXH năm 2014.
Trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà công ty chưa đóng BHXH, thì được công ty trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH (theo điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012). Trường hợp công ty không thỏa thuận được mức bồi thường TNLĐ thì anh Tấn có quyền khởi kiện ra tòa.
Quỳnh Mai