Công nhân Bắc Kinh giam sếp người Mỹ

26/06/2013 - 06:45

PNO - PNO - Một giám đốc người Mỹ bị công nhân Bắc Kinh giam giữ trong nhà máy của mình từ hôm 21/6 đến nay cho biết sự việc xảy ra do một sự hiểu lầm về lương bổng.

Cong nhan Bac Kinh giam sep nguoi My

Chip Starnes, đồng sở hữu nhà máy Coral Springs ở ngoại ô Bắc Kinh trong “phòng giam” ngày 25/6 - Ảnh: Reuters

Chip Starnes, chủ tịch công ty cung cấp thiết bị y tế đặc biệt có trụ sở tại Florida (Hoa Kỳ), cho biết khoảng 100 công nhân đòi được thanh toán gói trợ cấp thôi việc giống như gói đã đề nghị với 30 nhân viên phân xưởng nhựa mất việc sau khi phân xưởng này chuyển sang Ấn Độ để tranh thủ chi phí sản xuất thấp hơn.

Yêu cầu của công nhân được đưa ra sau khi có tin đồn toàn bộ nhà máy sẽ đóng cửa, mặc dù ông Starnes nói công ty không có kế hoạch sa thải nào nữa.

"Chúng tôi không bao giờ có ý định đó, không ai nói rằng họ sẽ mất việc”, ông Starnes nói với Reuters hôm 25/6. “Đây chỉ là tin đồn, nó lan nhanh và vượt khỏi tầm kiểm soát. Thật đáng buồn khi xảy ra sự việc này”, ông nói.

Ông Starnes cho biết ông không bị hành hung, nhưng có bị đe dọa, và ông rất không hài lòng với cách xử lý tranh chấp của chính quyền địa phương.

"Tôi nghĩ rằng sự thất vọng là một từ chính xác", vị giám đốc 42 tuổi, cho biết từ đằng sau song cửa sổ của nhà máy ở vùng ngoại ô Hoài Nhu của Bắc Kinh, nơi công ty của ông đã hoạt động gần mười năm nay.

Một số nhân viên cảnh sát mặc thường phục đứng bên ngoài khuôn viên nhà máy. Nhà chức trách cho biết họ có mặt để duy trì trật tự, nhưng không có hành động gì để chấm dứt tình trạng bế tắc.

Cong nhan Bac Kinh giam sep nguoi My

Công nhân nhà máy Coral Springs đẩy các nhà báo nữ ra khỏi nhà máy ngày 25/6 - Ảnh: Reuters

Starnes cho biết luật sư của ông đã đàm phán với các công nhân, với ban hòa giải của phòng lao động và công đoàn huyện.

Ông Chu Lixiang, trưởng phòng công đoàn và phúc lợi khu Hoài Nhu cho biết ông Starnes đã không trả lương cho người lao động trong hai tháng và họ sợ nhà máy sẽ đóng cửa, ông sẽ bỏ trốn mà không thanh toán tiền trợ cấp thôi việc,

"Người lao động trước hết đòi công ty thanh toán nợ lương, tiếp theo, họ đòi ban giám đốc tuân thủ pháp luật và bồi thường xứng đáng. Tất cả chỉ có như vậy thôi”, ông Chu nói.

"Chúng tôi chỉ yêu cầu ông chủ trả lương và bồi thường lao động chúng tôi đáng được hưởng", Gao Ping, một nhân viên đã có sáu năm làm việc tại nhà máy cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng bà hy vọng vấn đề này có thể được "giải quyết thông qua đối thoại".

VIỆT HƯNG (Theo Reuters, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI