Ước mơ và thực tế
Nghệ thuật biểu diễn (gồm ca, múa, nhạc, kịch, cải lương, xiếc...) là một trong 8 ngành được lựa chọn để phát triển công nghiệp văn hóa trong 10 năm tới tại TPHCM.
Dự thảo đề án đề ra mục tiêu nhóm này sẽ đóng góp 987 tỷ đồng (khoảng 43 triệu USD) vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2025, chiếm 0,07% GRDP. Sau đó, con số này tăng lên 1.708 tỷ đồng năm 2030, chiếm 0,08% GRDP. Nhẩm tính, trong 5 năm tới, mỗi năm trung bình lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải đóng góp gần 200 tỷ đồng.
Điều này có dễ thực hiện?
Nhiều đơn vị, cá nhân bày tỏ nỗi lo. Sân khấu truyền thống lay lắt trong nhiều năm qua. Nguồn thu không đủ bù chi. Sân khấu ca múa nhạc có đời sống tương đối sôi động hơn. Tại TPHCM vẫn có những chương trình thu hút từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn khán giả. Nhưng những chương trình được đầu tư với mục đích bán vé sinh lợi nhuận rất ít. Đa phần là chương trình được tài trợ bởi các nhãn hàng. Số lượng nghệ sĩ có thể bán vé được không nhiều.
|
Ngành nghệ thuật biểu diễn gặp khó trong nhiều năm qua |
Tuy nhiên, ông Võ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT Lune Production (đơn vị sản xuất À Ố show) cho rằng tiềm năng của TPHCM so với những chỉ tiêu được đặt ra còn lớn hơn nhiều, nhưng trước nay chưa được khai thác tối đa.
Theo ông, cần hiểu đủ hơn về nguồn thu trên. Chúng đến từ 3 yếu tố: ngân sách công (không đưa trực tiếp vào show diễn, chẳng hạn tài trợ được địa điểm biểu diễn bằng cách xây dựng một nhà hát đủ chuẩn), nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ…). “Có sự chung tay của 3 nhóm này mới là giải pháp lâu dài, bền vững”, ông Trung nhấn mạnh.
Bán sản phẩm cho ai?
Thị trường, đầu ra luôn là vấn đề với mọi ngành công nghiệp. Bởi sản phẩm có tốt đến mấy nhưng không có người mua thì cũng không thể mang lại nguồn thu như mong muốn.
Về lý thuyết, khách hàng nội địa là người có thể tiêu dùng sản phẩm sân khấu, biểu diễn thường xuyên hơn. Tuy nhiên, hy vọng mở rộng thị trường này tương đối khó trong hiện tại và tương lai.
Với sân khấu, khách hàng có hạn, khó thể tăng lên quy mô lớn. Trong khi đó với sân khấu ca múa nhạc, thói quen xem miễn phí đã chi phối một thời gian dài, chưa kể sự cạnh tranh của những sản phẩm được đưa đến tận phòng ngủ như: gameshow, chương trình truyền hình. Tương lai với thị trường này, vẫn còn nhiều dấu hỏi. Bởi thói quen tiêu dùng của khán giả không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn.
Ông bầu Hoàng Tuấn cho rằng: “Nếu thỉnh thoảng tổ chức một đêm nhạc bán vé thì có khả năng khán giả dễ mua vé. Nhưng với tần suất dày hơn để tiến tới một nguồn thu lớn, chắc chắn khó”.
Tuy nhiên, so với nhiều địa phương khác thì công chúng tại TPHCM vẫn tương đối chịu chi. Đây có lẽ là niềm hy vọng để bước đi tiếp tục. Những chương trình đặt hàng, miễn phí cần được giảm thiểu để thị trường được vận động.
|
Thói quen tiêu dùng sản phẩm văn hoá của khán giả nội địa khó thay đổi trong thời gian ngắn |
Việc bán sản phẩm cho khách hàng nội địa còn nhiều dấu hỏi thì với khách quốc tế lại có hướng đi dễ thở hơn. Cụ thể, phát triển nghệ thuật biểu diễn gắn với du lịch văn hóa - cũng là một trong 8 ngành được chọn. Điều này, nhiều quốc gia như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… làm khá tốt.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nhận định: “Khán giả quốc tế, khách du lịch chỉ cần tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa của địa phương, mà họ không thể tìm thấy ở nơi khác. Nhưng chương trình phải được đầu tư chỉn chu, chất lượng cao”.
Thậm chí, các sản phẩm này còn xuất khẩu được. Con đường này hiện tại tương đối cởi mở, chỉ cần sản phẩm đủ tốt, tạo được thương hiệu riêng. Công nghệ hiện đại cũng giúp việc thông thương dễ dàng hơn, thông qua các nền tảng trực tuyến.
Thành công của À Ố show là trường hợp đáng lưu ý. Với hơn 200 suất diễn, bao gồm tại TPHCM, Hà Nội và đi các nước như: Úc, Brazil, Nhật… đã mang về nguồn thu không nhỏ, với giá vé lên đến hàng triệu đồng. Chương trình cho thấy sự phát triển tổng lực từ nhiều loại hình chứ không phải kiểu làm manh mún, riêng lẻ.
Năm 2019, show diễn này có doanh thu tốt nhất, với 8% đến từ khán giả trong nước và 92% đến từ khách du lịch. Trong khi mục tiêu định ra ban đầu ở hai nhóm này là 30% và 70%.
Tuy nhiên, quy mô khán giả trong nước nhỏ nhưng lại là người thường xuyên chịu chi cho những hàng ghế đầu. Đây cũng là điều đáng lưu ý. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh lại càng cho thấy rõ vai trò của nhóm này.
|
Một cảnh trong vở diễn À Ố show |
Ông Trung chia sẻ: “Nếu chỉ dựa vào khán giả trong nước, show diễn của chúng tôi khó tồn tại. Nhưng với sân khấu Idecaf, ngay trong thời điểm dịch, khán giả trong nước mới chính là người nuôi sống họ. Nhà đầu tư sẽ hiểu rõ nhất sản phẩm phục vụ cho đối tượng nào. Còn cơ quan quản lý chỉ tạo ra những hành lang chính sách để phục vụ hoạt động chung”.
Điều quan trọng nhất hiện tại là cú bắt tay giữa cơ quan quản lý với những đơn vị đang điều phối thị trường để từ đó đưa ra sự lựa chọn, hoạch định phù hợp cho từng nhóm. Có hiểu khách hàng là ai, muốn gì mới có thể cho ra sản phẩm phù hợp, bán được.
Trung Sơn