Tới bây giờ, Hàn Quốc vẫn khiến thế giới mãi ngạc nhiên. Không chỉ là quê hương của điệu nhảy Gangnam Style huyền thoại, mới đây, nhóm nhạc BTS của Hàn còn được ghi danh là nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất hành tinh. Tất cả là thành công của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Hàn, được chuẩn bị và thực hiện liên tục, thống nhất qua các đời tổng thống, nhằm thống lĩnh pop culture (văn hóa đại chúng) từ những năm 1990 của thế kỷ trước.
|
K-pop đang chao đảo bởi 'bê bối Burning Sun' với sự dính líu của Seungri - nhóm Big Bang
|
"Kỳ tích sông Hán" (là con sông chảy qua Seoul - thành phố vô vọng sau chiến tranh Triều Tiên đã vươn lên như một kỳ tích) là đánh giá của thế giới về sự bứt phá nhanh chóng của Hàn Quốc trong mấy thập niên gần đây.
Lựa chọn “khó hiểu” của Hàn Quốc
Từ một quốc gia có GDP thua cả Ghana, Triều Tiên vào những năm 1960, giờ đây, Hàn Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu các hoạt động doanh nghiệp và kinh tế ở London (Anh) thậm chí còn đưa ra dự báo: đến năm 2032, sẽ có 5 đại diện châu Á trong top 10 nền kinh tế hàng đầu, trong đó có Hàn Quốc. Chỉ trong vài thập niên, Hàn Quốc đã trải qua những thay đổi mà các quốc gia thịnh vượng phải mất vài trăm năm mới đạt được
|
Tại sao Hàn Quốc lại “cả gan” chọn một ngành công nghiệp hãy còn mới mẻ, vô hình và khó đoán ở thời điểm đó là “pop culture” - lĩnh vực mà Mỹ đã độc chiếm cả một thế kỷ, xem đó như một thứ “quyền lực mềm” để chinh phục thế giới? Trong cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu, nhà văn - nhà báo Euny Hong đã kể lại đầy sống động, chân thực cách quốc gia này chinh phục thế giới qua ngành giải trí.
Tham vọng văn hóa của Hàn Quốc không chỉ là một sự liều lĩnh đơn thuần, cũng chẳng tự nhiên mà có. Nó là do hoàn cảnh bắt buộc, xuất phát từ “cảm giác nhục nhã”. Sau hàng chục thập niên nỗ lực thoát nghèo, năm 1997, kinh tế Hàn Quốc va phải tảng băng mang tên Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Nợ nần đã chặn đứng nhiều ngành xuất khẩu, buộc công nghiệp Hàn Quốc - bao gồm cả mảng giải trí, phải vắt óc tìm hướng đi mới để bù đắp doanh thu.
Tháng 12/1997, Chính phủ Hàn vay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 57 tỷ USD. Người Hàn gọi ngày Chính phủ vay nợ là ngày “quốc nhục”. Tác giả Euny Hong kể, lúc đó, Tổng thống Kim Young Sam, mỗi lần xuất hiện trên ti vi đều nói, ngày nào ông cũng “tự đánh mình”, do quá xấu hổ, vì đã đẩy đất nước đến bước đường này. Nhưng đến năm 2001 - ba năm trước hạn, Hàn Quốc đã trả hết nợ.
|
Nhóm nhạc BTS được đánh giá là nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất hành tinh |
Họ đã làm thế nào?
Thay vì dựa vào những sản phẩm thành công có sẵn như điện thoại di động, vật liệu bán dẫn để phát triển, Hàn Quốc chọn bán phim, show truyền hình và âm nhạc cho cả châu Á mà không hề biết họ đang gieo mầm mống cho một cơn nghiện mang tầm châu lục. Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á đã cho thấy kẽ hở của nền kinh tế Hàn Quốc: các chaebol - những siêu tập đoàn. Nếu các chaebol sụp đổ, cả quốc gia cũng sụp đổ.
Tháng 2/1998, Tổng thống sắp nhậm chức Kim Dae-jung - người chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng, đã gọi cho Lee - một chuyên gia hàng đầu trong ngành PR, ngỏ ý, Hàn Quốc muốn xây dựng lại thương hiệu cho mình và đó có lẽ là chiến dịch tái thương hiệu toàn quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tổng thống Kim Dae-jung quyết định thúc đẩy công nghệ thông tin và văn hóa đại chúng.
Theo lời kể của Choi Bokeun - một quan chức ngành văn hóa thời đó, ông Kim Dae-jung đã ngỡ ngàng trước số tiền Mỹ thu được từ điện ảnh và số tiền Anh nhận được từ nhạc kịch. Ông Kim quyết định xây dựng công nghiệp pop culture từ con số 0. Pop culture không đòi hỏi nhiều hạ tầng cơ sở, chỉ cần thời gian và tài năng. Ông kỳ vọng pop culture sẽ trở thành công cụ ngoại giao đầy quyền lực, sinh lãi, đoàn kết nhân dân và tạo ra một sản phẩm xuất khẩu, giúp truyền bá văn hóa Hàn ra thế giới.
Ngay lập tức, các quan chức cao cấp của Hàn bắt tay nghiên cứu công nghệ thực tế ảo và công nghệ hình ảnh 3D siêu thực (công nghệ văn hóa tiên tiến thời điểm đó) để một nhóm nhạc Hàn có thể cùng lúc biểu diễn “trực tiếp” ở khắp các thành phố lớn trên thế giới. Công nghệ cầu vồng nhân tạo, pháo hoa có thể đổi hình theo ý muốn cũng được nghiên cứu, nhằm tạo ra nhiều hiệu ứng thu hút sự chú ý của công chúng. Có lẽ chẳng ở đâu ngoài Hàn Quốc, trong bộ máy của Bộ Văn hóa, có bộ phận gọi là Cục Công nghiệp văn hóa, do giám đốc Choi Bokeun đứng đầu.
Điệu "nhảy ngựa" Gangnam Style của nghệ sĩ Hàn Quốc Psy "lây lan" toàn cầu:
Nhận thấy đường lối đúng đắn của người tiền nhiệm, bà Park Geun-hye tiếp tục ưu tiên pop culture. Thậm chí, vài tháng sau khi nhậm chức tổng thống vào năm 2013, bà đã nâng cấp nhóm của giám đốc Choi thành một cục độc lập.
Trong Bộ Văn hóa hàn Quốc còn có 3 bộ phận khác, chịu trách nhiệm về trò chơi điện tử, truyền hình và chính sách công nghiệp văn hóa, nhằm “tạo ra một hệ sinh thái công bằng, có đền bù xứng đáng cho mọi nhà sáng tạo”. Vai trò quan trọng của các bộ phận này chính là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và truy tố kẻ vi phạm bản quyền.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn cũng đặt ra một quỹ đặc biệt, dành cho việc phát triển pop culture. Hiện quy mô của quỹ này đã lên tới 1 tỷ USD. Những ngành nghệ thuật khác như bảo tàng, opera, ba-lê… đều có quỹ riêng. Cho rằng văn hóa Hàn Quốc chỉ có thể toàn cầu hóa khi internet được phủ sóng rộng rãi, người dân Hàn, không kể giàu nghèo, đều được chính phủ trợ giá internet.
Nếu cách đây vài năm, Việt Nam mới có chiến lược thu phí bản quyền karaoke và tới nay, kế hoạch này đang đứng trước nguy cơ đổ bể, vì nhiều lý do thì ở Hàn Quốc, những năm 1990, việc này đã được thực thi một cách nghiêm túc. Năm 2009, khi ngành thu âm thất thu vì dịch vụ tải nhạc bất hợp pháp, chính phủ dành ra 91 triệu USD để giải cứu K-pop: xây trung tâm K-pop với phòng hòa nhạc 3.000 chỗ ngồi, quản lý các quán karaoke trên toàn quốc, để đảm bảo chủ quán vẫn trả tiền bản quyền cho tất cả bài hát trong máy của họ. Bộ Văn hóa được giao nhiệm vụ giám sát các dự án.
Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam?
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được đưa ra cách đây 3 năm. Nhưng đến nay, hiệu quả đạt được khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là yếu kém. Khi hỏi về lộ trình phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, vài người đứng đầu ngành văn hóa cũng trả lời dè dặt, chung chung và luôn đổ lỗi cho lý do đi sau, đi muộn.
|
Trước BTS, nhóm Big Bang đã đưa cái tên Hàn Quốc ra khỏi khu vực |
Gần đây, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa lại được nhắc lại, vẫn là những mục tiêu đặt ra từ vài năm trước. Đại khái, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu… Hình như, kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vẫn chỉ dừng lại ở những cuộc họp, rồi nằm mốc trên giấy.
Những năm 1990, từ vị trí của một đất nước thuộc thế giới thứ 3, trong khủng hoảng, chính phủ Hàn Quốc đã hiểu mình có gì và muốn làm gì. Họ nghiên cứu tỉ mỉ các nền văn hóa để quyết định loại sản phẩm “văn hóa Hàn” nào phù hợp với từng thị trường. Chính phủ Hàn coi Hallyu là mục tiêu số một của quốc gia thời điểm đó và họ bắt tay ngay vào hành động.
Tất nhiên, mỗi nước có một thế mạnh và đặc điểm phát triển khác nhau. Không thể bê nguyên câu chuyện Hàn Quốc về Việt Nam. Nhưng cách họ vươn lên thành “con rồng châu Á”, đã cho chúng ta một cách nhìn, một cách làm văn hóa, một cách hiểu mình. Có phải ở thời điểm này, ở ta, văn hóa chưa thực sự được ưu tiên như chiến lược đã đề ra nên mới kéo dài từ năm này qua năm khác mà vẫn chưa tỏ đường đi nước bước?
Trong buổi làm việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM trong năm 2019, diễn ra gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao thành phố sớm xây dựng đề án phát triển công nghiệp văn hóa, tạo giá trị gia tăng lớn, đưa TP.HCM trở thành trung tâm văn hóa, thể thao của khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2019.
|
Một buổi biểu diễn trước Nhà hát Thành phố |
Sở Văn hóa và Thể thao cũng vừa trình UBND TP.HCM chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa. Theo đó, TP.HCM phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% năm 2020 và 15% năm 2030 vào GDP của thành phố. Một mục tiêu đáng chú ý khác là ngành du lịch văn hóa cần đạt 10 - 15% tổng doanh thu của ngành du lịch (tương đương 17.000 - 25.500 tỷ đồng).
|
Đậu Dung