Nói cho cùng, công nghiệp văn hóa cũng chỉ là cách gọi một sự vận động mà dù sớm hay muộn, dân tộc này cũng phải đi tới và hiện thực hóa. Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra những chất liệu mới, để bước chân đó đi nhanh hơn, giục giã hơn. Nhưng liệu cái gì sẽ còn lại - để ta có thể đi tiếp, hay là tăm tích rơi vào nguồn dữ liệu khổng lồ khi nút “ON” (bật) được kích hoạt?
Những khó khăn, thách thức, cũng như những cơ hội trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cùng lúc nở rộ trong một bối cảnh mới. Phải làm gì để có thể tận dụng công nghệ số nhằm phát triển nền kinh tế màu mỡ (có thể là) cuối cùng này?
Khi các ngành kinh tế “chạm trần”
Trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế có xu hướng chạm trần, và các số liệu kinh tế chạm nóc, tài nguyên thiên nhiên ngày một cạn kiệt, các nguồn lực truyền thống dùng cho mục đích phát triển ngày càng trở nên khó khăn, nhu cầu về một nền kinh tế màu mỡ khác, dựa trên tiềm năng sáng tạo vô hạn của con người, ít ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp phát triển bền vững được các quốc gia xem là chiến lược phát triển đất nước.
|
Để công nghiệp K-Pop có thể cất cánh, Hàn Quốc đã chuẩn bị và thực hiện liên tục, thống nhất qua các đời tổng thống, từ những năm 1990 của thế kỷ trước |
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội vô cùng kỳ lạ: những tỷ phú giàu nhất thế giới đều là nhữngngười hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, hãng taxi lớn nhất thế giới là hãng không có một chiếc taxi nào cả, chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới là chuỗi khách sạn không có một khách sạn nào cả… Thế nhưng, điều tưởng chừng vừa kỳ lạ vừa trở thành xu hướng ấy, lại khiến chúng ta phải lưu tâm, nếu không muốn tụt hậu.
Vài năm trở lại đây, nếu thường xuyên theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ta sẽ nghe rất nhiều về cái khát vọng đẹp đẽ này: đến năm 2020, Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, bản chất của quốc gia khởi nghiệp cũng lại dựa vào công nghiệp sáng tạo. Hạt nhân của khởi nghiệp chính là sáng tạo. Điều đó đã tạo ra một dấu hỏi mà công nghiệp văn hóa chính là câu trả lời.
Nhất là, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang tận dụng thành công sức mạnh mềm của văn hóa để tạo nên dấu ấn, trong đó công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo được sử dụng như một phương tiện hữu hiệu. Thì khi đó, chúng ta vẫn mải mê với những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc. Chúng ta phát cuồng điệu nhảy ngựa Gangnam Style của Hàn, đắm chìm trong vũ trụ Marvel của Mỹ. Họ cũng lấy đi của chúng ta một nguồn ngoại tệ khổng lồ từ việc thực thi bản quyền; nhưng ở chiều ngược lại, là một câu hỏi đầy cảm thán.
Chúng ta chỉ có nhập và nhập, không có chiều ngược lại. Có lẽ, đã đến lúc, ta phải cảm thấy rõ ràng hơn bao giờ hết về điều ta không bằng họ, về một sân chơi lẽ ra hoàn toàn có thể công bằng, sòng phẳng, nhưng ta lại không đủ đẳng cấp để đứng đó.
Con người và văn hóa là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt, cũng như sự “thượng hạng” giữa các quốc gia. Là đất nước đi sau, Việt Nam không có con đường nào khác ngoài công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã được Chính phủ xem là một trong những bước đột phá để biến những khát vọng của đất nước thành hiện thực. Khát vọng đó đã được đưa vào Nghị quyết từ năm 2016, để từ đó triển khai thành chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, rồi đưa về từng địa phương. Tuy nhiên, đến nay, vẫn đang vừa mò… vừa mẫm.
Công nghệ số đã thay đổi toàn diện đời sống chúng ta
Trong lúc ta còn đang loay hoay thì cách mạng 4.0 đến, làm thay đổi toàn diện đời sống chúng ta. Công nghệ số tạo ra công nghệ thực tế ảo như thật, tạo ra kho dữ liệu khổng lồ để chia sẻ lợi ích, tạo ra rô-bốt thay thế nhiều hoạt động của con người… Công nghệ cũng tạo ra một nhóm khán giả có thị hiếu mới, nhu cầu thụ hưởng văn hóa - nghệ thuật - giải trí khác xa lớp công chúng cũ. Với đầy đủ những khó khăn, thách thức lẫn cơ hội đó, phải làm gì, để vừa mày mò, vừa rượt đuổi trong cuộc chơi số hóa không có điểm dừng?
Chẳng hạn trong lĩnh vực âm nhạc, công nghệ số đã vươn những chân rết khổng lồ khắp nơi, sục sạo vào những ngóc ngách của hoạt động âm nhạc, thậm chí chi phối đời sống âm nhạc. Công nghệ số quyết định diện mạo (ít nhất bề nổi) thị trường âm nhạc, định hình thẩm mỹ của người sáng tạo lẫn giới thưởng thức.
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, băn khoăn về những thứ “giả nghệ thuật” có “đất” để phát triển trong thời đại số: “Hiện nay, có không ít chương trình âm nhạc mà chất lượng nghệ thuật nhường chỗ cho công nghệ âm nhạc. Khán giả cũng phải lòng những chương trình có hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, công nghệ… và bắt đầu chán những chương trình có giá trị nghệ thuật cao, không còn quen với một giọng hát thật, một tiếng đàn mộc cất lên”.
Một nhạc sĩ khác đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì với một thời đại mà chỉ cần nhấp chuột cũng có một tác phẩm ra đời, một thế hệ ca sĩ không có giọng mà vẫn trở thành ngôi sao, một lớp nhạc sĩ mới được báo chí ca ngợi, nhưng không có khả năng viết nổi một nốt nhạc?”.
Cách đây không lâu, trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng trả lời một ý tương tự: “Internet vào, âm nhạc Việt Nam như yếu mà ra gió”. Là khi ta chưa chuẩn bị một nội lực đủ sức đề kháng, làn sóng ngoại tràn vào theo cuộc cách mạng công nghệ, âm nhạc Việt Nam trở nên đứt gãy khỏi dòng chảy trước đó, và ngày càng có xu hướng luẩn quẩn, lặp lại.
Trong khi đó, sự hiện diện của những loại hình âm nhạc truyền thống trong đời sống văn hóa hiện nay, ngày càng “ít đất diễn”. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là phát triển cái bản sắc đó, để có thể đi ra với bên ngoài. Làm sao giữ được bản sắc, khi mà số hóa mang những xu hướng, trào lưu, những mốt tân thời bên ngoài vào nhập cuộc một cách mau lẹ, rốt ráo, khi mà công chúng của ta còn chưa kịp định hình thị hiếu của mình?
Cao Bá Hưng, quán quân cuộc thi Sing my song mùa đầu tiên, được biết đến như một người viết nhạc có bản sắc dù cậu mới 21 tuổi. Thế nhưng, tại buổi tọa đàm “Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế và công nghiệp âm nhạc dưới tác động của cách mạng 4.0”, được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội Hò dô 2019 ngày 12/12 mới đây, cậu đã đứng lên, để hỏi về một hoang mang rất riêng tư, nhưng cũng là tâm sự của không ít đồng nghiệp của mình: phải làm gì giữa thứ âm nhạc truyền thống mà cậu muốn gìn giữ, phát huy và thứ âm nhạc mà đa số công chúng gọi là “trend”, là “mốt” đó?
Mới nói riêng về âm nhạc, cũng đã thấy có quá nhiều thách thức đang chờ đợi, nếu chúng ta thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ai sẽ trả lời câu hỏi đó của một nhạc sĩ trẻ như Hưng?
Tôi nghĩ, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa phải trả lời được những câu hỏi như thế, không chỉ trong âm nhạc, mà còn ở những lĩnh vực khác nữa; thì khi đó, chúng ta mới có thể hiện thực hóa được khát vọng trong nền kinh tế màu mỡ có thể là cuối cùng này.
Nhiều hạn chế có thể cản trở chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Bên cạnh những điểm mạnh, thuận lợi, nhiều điểm yếu cản trở và gây nhiều bất lợi khi ta triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được các chuyên gia chỉ ra. Hệ thống quản lý, mô hình đầu tư cho phát triển văn hóa - nghệ thuật còn chưa phù hợp, nhiều loay hoay. Câu chuyện kiểm duyệt hay không kiểm duyệt, bảo tồn hay phát triển khiến chúng ta gặp rất nhiều vấn đề từ kiểm duyệt phim, cấp phép ca khúc, cấp giấy phép tổ chức biểu diễn…
Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, cho các không gian sáng tạo, các quỹ hỗ trợ cho văn hóa nghệ thuật đang nhiều bế tắc. Trong khi đó, sự thiếu hụt và yếu kém trong kỹ năng quản lý và chuyên môn trong lĩnh vực sáng tạo, sự hiểu biết về lĩnh vực công nghiệp sáng tạo còn nhiều hạn chế. Nhiều lĩnh vực thuộc chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, kể cả âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh... mới manh nha, vẫn còn thiếu chuyên nghiệp. Sự hợp tác đa ngành trong vấn đề quản lý và điều hành hoạt động văn hóa tỏ ra thiếu hiệu quả. Thị trường nội địa và quốc tế của các dịch vụ văn hóa của ta còn yếu.
|
Du Nguyên