Công nghiệp nội dung văn hóa Hàn Quốc và nỗi lo suy thoái

25/03/2025 - 07:34

PNO - Trong hơn một thập niên qua, hoạt động xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc - bao gồm phim ảnh, âm nhạc và truyền thông số - đã thu hút khán giả toàn cầu. Nhưng mới đây, nhật báo Korea JoongAng Daily đã cảnh báo về những dấu hiệu suy thoái đáng lo ngại.

Truyện tranh số sụt giảm

Ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc bao gồm 11 lĩnh vực, tiêu biểu như âm nhạc, phim, hoạt hình, truyện tranh số (webtoon), xuất bản, trò chơi điện tử…

Bang Bang Con: The Live của BTS (năm 2020) là chương trình trực tuyến trả phí có lượng khán giả lớn nhất thế giới,  thu hút 750.000 người xem - Nguồn ảnh: Teen Vogue
Bang Bang Con: The Live của BTS (năm 2020) là chương trình trực tuyến trả phí có lượng khán giả lớn nhất thế giới, thu hút 750.000 người xem - Nguồn ảnh: Teen Vogue

Theo Korea JoongAng Daily, webtoon - từng phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò quan trọng trong việc định vị phim truyền hình Hàn Quốc - đang cho thấy những dấu hiệu suy giảm. Doanh số bán album trong ngành công nghiệp K-pop cũng giảm đáng kể. Ngay cả điện ảnh - lĩnh vực vốn phát triển rất mạnh của Hàn Quốc - cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự thống trị của dịch vụ phát trực tuyến và nhu cầu người xem sụt giảm.

Một số sản phẩm văn hóa đã định hình cho công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc trên toàn cầu, chẳng hạn webtoon là mảnh đất màu mỡ cho các tác phẩm chuyển thể thành phim ảnh. Từ thành công toàn cầu của Misaeng (Mùi đời: Cuộc sống không trọn vẹn) đến Itaewon Class (Tầng lớp Itaewon), webtoon là động lực phát triển nội dung Hàn Quốc. Nhưng mới đây, Cơ quan Nội dung Manhwa Hàn Quốc cho biết, chỉ có 18.792 webtoon được đăng ký vào năm 2024, giảm 6,7% so với năm trước, đánh dấu sự suy giảm lớn đầu tiên của ngành. Đáng báo động hơn, số lượng bản phát hành mới đã giảm 14,6%, từ 17.245 năm 2023 xuống còn 14.723 trong năm 2024.

“Thị trường webtoon đã thu hẹp vào năm ngoái và với việc một số nền tảng đóng cửa, xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo” - một quan chức của Cơ quan Nội dung Manhwa Hàn Quốc cho biết. Sự sụt giảm này có thể gây ảnh hưởng rất lớn. Webtoon “mở đường” cho nhiều sở hữu trí tuệ sinh lợi khác, thúc đẩy không chỉ phim truyền hình và điện ảnh mà còn cả âm nhạc và các thỏa thuận liên quan đến bản quyền trên toàn cầu. Theo nhà phê bình văn hóa Kim Gyo-seok, “sự suy thoái của webtoon có thể làm suy yếu toàn bộ hệ sinh thái K-content (nội dung Hàn Quốc)”.

Âm nhạc, phim gặp khó khăn

Vào thời kỳ đỉnh cao, K-pop thống trị toàn cầu. Các show diễn của nhóm nhạc BTS và Blackpink ở sân vận động luôn chật kín, doanh số bán album phá vỡ kỷ lục. Nhưng dữ liệu gần đây cho thấy ngành công nghiệp này cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thị trường. Theo Hanteo Chart (bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu của Hàn Quốc), tổng doanh số bán album K-pop đạt 87,77 triệu bản vào năm 2023, giảm 15,3% so với năm trước.

Itewwon class, bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc chuyển thể từ webtoon
Itewwon class, bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc chuyển thể từ webtoon

Đông Nam Á - thị trường quan trọng của K-pop - đã có ​​sự thay đổi đáng kể trong thói quen nghe nhạc của công chúng. Tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin dù thể loại này vẫn đang thu hút sự chú ý ở Indonesia, Thái Lan và các thị trường khu vực khác nhưng thị phần của các bài hát Hàn Quốc lại giảm.

Tại Indonesia, bài hát trong nước chiếm 35% tổng lượng phát trực tuyến, tăng 23% so với năm 2021. Thị phần các bài hát Hàn Quốc đã giảm từ 12% xuống còn 8%. Nikkei cho rằng sự thay đổi trên là do sự gia tăng của các hệ thống sản xuất kỹ thuật số địa phương, giúp âm nhạc trong nước dễ tiếp cận khán giả và tiết kiệm chi phí sản xuất hơn.

Dù Hàn Quốc tiếp tục sản xuất những bộ phim được giới phê bình đánh giá cao nhưng doanh thu phòng vé vẫn tiếp tục giảm. Theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, 123 triệu vé đã được bán ra tại Hàn Quốc vào năm ngoái, giảm 1,6% so với năm 2022, đánh dấu mức giảm 45,7% trong 5 năm.

Đại dịch đã thay đổi thói quen xem phim ở rạp của khán giả, đẩy nhanh sự thống trị của các nền tảng phát trực tuyến như Netflix. Suy thoái kéo dài khiến các chuỗi rạp lớn như CGV phải đưa ra chương trình nghỉ hưu tự nguyện cho nhân viên lần đầu tiên kể từ năm 2021. Đến nay, hầu hết các chuỗi rạp lớn như CGV, Megabox, Lotte Cinema… đều thực hiện kế hoạch tái cấu trúc và chuyển đổi công năng.

Cần giải pháp hỗ trợ về tài chính

Những thách thức K-culture (văn hóa đại chúng Hàn Quốc) phải đối mặt không chỉ là khả năng sáng tạo mà còn là tài chính. Nguồn vốn đầu tư từng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành này đang giảm.

Theo Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực video, nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc đã giảm 23,7% vào năm 2023, còn 493,7 tỉ won (371 triệu USD) từ mức 647,3 tỉ won năm 2022. Các chuyên gia đã cảnh báo nếu không có sự hỗ trợ mang tính hệ thống, động lực sáng tạo cho K-culture có thể bị đình trệ.

Một nhà phân tích về công nghiệp văn hóa Hàn Quốc lý giải: “Chi phí sản xuất tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty toàn cầu như Netflix khiến việc đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan đến K-culture trở nên kém hấp dẫn hơn”. Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp này đang kêu gọi chính phủ có những chính sách mới để giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người sáng tạo và các công ty sản xuất.

Noh Chang-hee - Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp kỹ thuật số - cho rằng việc cải thiện chính sách, chẳng hạn như ưu đãi về thuế cho sản xuất nội dung và biểu diễn - là điều cần thiết để giảm gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư. Kwak Gyu-tae - giáo sư tại Khoa Công nghiệp văn hóa toàn cầu của Đại học Soonchunhyang - đề xuất Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc việc thưởng cho các công ty đã quảng bá văn hóa Hàn Quốc thông qua xuất khẩu nội dung để khuyến khích họ.

Hoàng Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI