Công nghệ vì giấc ngủ thiết thực đến đâu?

29/12/2024 - 07:37

PNO - Từ kỳ ảo, xa xỉ cho đến gọn nhẹ, tiện dụng, các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ đều xoay quanh mục tiêu duy nhất: giúp chúng ta nghỉ ngơi tốt hơn. Thế nhưng tính khả thi của các thiết bị tân tiến này đến đâu?

Eric Wollberg - một chuyên gia kinh tế say mê nghiên cứu công nghệ - là nhà sáng lập Prophetic (trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) - công ty chuyên sản xuất thiết bị hỗ trợ điều khiển hoạt động hệ thần kinh. Prophetic muốn hiện thực hóa một ý tưởng đầy tham vọng: giúp con người tự xây dựng và điều khiển giấc mơ.

Tạo hình nhỏ nhắn  của robot ru ngủ Somnox dễ gây thiện cảm  - Nguồn ảnh: Somnox
Tạo hình nhỏ nhắn của robot ru ngủ Somnox dễ gây thiện cảm - Nguồn ảnh: Somnox

Sức sáng tạo vượt trội

Vòng tay Halo của Prophetic có công năng lan tỏa sóng siêu âm để kích thích khu vực vỏ não trước trán tạo ra những “giấc mơ tỉnh táo” (lucid dream).

“Mơ tỉnh táo là một dạng giấc mơ trong đó bạn nhận thức được mình đang mơ. Vùng vỏ não trước trán sản sinh hiện tượng này. Kể cả khi chưa từng trải nghiệm nó, Halo có thể giúp bạn rèn luyện và thực hành” - Wollberg lý giải.

Wollberg tin vào lợi ích đã qua kiểm chứng khoa học của lucid dream - góp phần giảm thiểu các cơn ác mộng, làm thuyên giảm một số chứng rối loạn tinh thần gây khó ngủ và nâng cao khả năng sáng tạo.

Vòng tay Halo của Prophetic được xem là  “máy tạo giấc mơ” - Nguồn ảnh: Financial Times
Vòng tay Halo của Prophetic được xem là “máy tạo giấc mơ” - Nguồn ảnh: Financial Times

Halo kết nối với một ứng dụng di động, cho phép người dùng điều khiển thiết bị dễ dàng. Bạn cần mở ứng dụng trước lúc ngủ để khởi động. Khoảng 90 phút sau khi nhắm mắt nghỉ ngơi, sóng siêu âm từ Halo sẽ được kích hoạt, giúp bạn tạo dựng và duy trì giấc mơ theo cách riêng.
Ra mắt vào mùa hè năm ngoái bởi Sleep Number - nhà sản xuất giường và chăn, drap uy tín ở Mỹ, mẫu giường thông minh thế hệ mới sở hữu một lợi thế đặc biệt giá trị: dữ liệu.

“Từ năm 2016 đến nay, được sự đồng ý từ hơn 360.000 khách hàng sử dụng giường thông minh, chúng tôi bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan đến giấc ngủ của họ. Hệ thống dữ liệu sinh trắc học chúng tôi thu thập được qua từng năm là những viên gạch đặt nền móng quan trọng nhất để xây dựng thuật toán, phát triển thiết kế giường chứa loạt tính năng ngày càng hữu dụng hơn” - Mark Aloia - trưởng bộ phận nghiên cứu khoa học giấc ngủ tại Sleep Number - tiết lộ.

Sản phẩm mới tích hợp công nghệ AI cùng chuỗi thiết bị cảm biến tăng cường, biến nơi ngả lưng êm ái quen thuộc thành một máy vi tính nhạy bén có nhiệm vụ phân tích và gợi ý cho bạn cách hóa giải nhiều yếu tố, thói quen ảnh hưởng xấu tới chất lượng giấc ngủ. Aloia lý giải, thông qua cảm biến áp suất - nhiệt độ, giường có khả năng đo lường nhịp thở, nhịp tim lúc ngủ và thông báo đến người dùng qua ứng dụng liên kết khi xuất hiện vấn đề cần điều chỉnh. Kèm theo một số chi tiết phụ được khéo léo bổ sung như hệ thống đèn chiếu xung quanh (giữ cân bằng nhịp sinh học) và loa tạo âm thanh trắng (giảm tiếng ồn, dễ ru ngủ), thiết kế giường cao cấp được mô tả “là ví dụ sống động về sự giao hòa giữa tính thoải mái, thẩm mỹ và hỗ trợ giấc ngủ”.

Trợ thủ "nhỏ mà có võ"

Những tính năng nổi bật của giường cao cấp Sleep Number phản ánh “cuộc đua” đổi mới ở ngành sản xuất giường thông minh nói riêng cũng như công nghệ chăm sóc giấc ngủ nói chung. Ước tính từ năm 2016-2021, giới đầu tư quốc tế đã chi gần 2 tỉ USD vào các dự án, thương hiệu thuộc lĩnh vực này.

Giường thông minh  Sleep Number thế hệ mới là kết quả  của dự án nghiên cứu chuyên sâu về khoa học giấc ngủ, kết hợp  cùng công nghệ AI hiện đại  - Nguồn ảnh: Sleep Number
Giường thông minh Sleep Number thế hệ mới là kết quả của dự án nghiên cứu chuyên sâu về khoa học giấc ngủ, kết hợp cùng công nghệ AI hiện đại - Nguồn ảnh: Sleep Number

Không ít “ông lớn” ở địa hạt công nghệ thông tin, tiêu biểu như Google và Samsung, đang ra sức đầu tư phát triển thiết bị thông minh nhỏ gọn theo dõi chỉ số giấc ngủ. Loa thông minh Google Nest Hub, dòng đồng hồ Samsung Galaxy Watch hút khách đều đính kèm nhiều chức năng chăm sóc sức khỏe, đáng chú ý là giấc ngủ. Thế nhưng, có thể tác động trực tiếp, để người dùng chủ động cải thiện nỗi lo mất ngủ lại là sản phẩm đeo tay tiên phong đến từ Apollo Neuro - một công ty công nghệ quy mô khiêm tốn, trụ sở tại bang California, Mỹ.

Khai thác khái niệm phục hồi tinh thần bằng phương pháp trị liệu tiếp xúc (touch therapy), khi hoạt động, thiết bị Apollo sẽ truyền ra các sóng rung nhẹ nhàng. Chuyển động rung đặc biệt của chiếc vòng đeo đã được chứng thực có lợi ích rõ ràng với hệ thần kinh: góp phần giảm stress, tăng cường tập trung khi làm việc và điều hòa giấc ngủ, xoa dịu lo âu khi cần nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, tính an toàn tuyệt đối đã thông qua kiểm chứng khoa học của Apollo đặc biệt được lòng người tiêu dùng. Bạn có thể đeo chiếc vòng tay này ngày lẫn đêm mà không cần lo lắng về tác dụng phụ. Hầu hết những người đã trải nghiệm Apollo chia sẻ, họ cảm thấy ít trằn trọc, ngủ an giấc và tươi tắn hơn khi thức dậy.

Nếu bạn đang tìm kiếm cảm giác thư thái, ấm áp trong lúc ngủ, robot Somnox - sản phẩm của hãng công nghệ cùng tên đến từ Hà Lan - có thể đáp ứng mong mỏi của bạn. Với vẻ ngoài khá giống hạt đậu tròn trĩnh, kích thước tương đương một quả bóng bầu dục, thiết bị nhỏ bé này lại ẩn chứa giá trị sử dụng lý thú. Robot có khả năng mô phỏng chân thật tiếng thở nhẹ và đều. Tốc độ truyền tải chậm rãi gợi nhắc đến một không gian thiền, khiến chúng ta bất giác theo đó thả chậm nhịp thở, dần rơi vào trạng thái buồn ngủ. Somnox cũng cho phép bạn tự đăng tải mọi thể loại âm thanh yêu thích: tiếng chim hót, nhạc nhẹ, bài hát ru du dương hoặc âm thanh trắng. “Bạn sẽ có cảm nhận như đang ôm một chiếc máy ru ngủ mềm mại, thân thiện” - Julian Jagtenberg - Giám đốc sáng lập Somnox - mô tả.

Không như nhiều thiết bị đeo chỉ ghi nhận chỉ số cơ thể,  vòng tay Apollo có thể tạo ra lợi ích trực tiếp khi sử dụng lâu dài - Nguồn ảnh: Apollo Neuro
Không như nhiều thiết bị đeo chỉ ghi nhận chỉ số cơ thể, vòng tay Apollo có thể tạo ra lợi ích trực tiếp khi sử dụng lâu dài - Nguồn ảnh: Apollo Neuro

Năm 2015, khi còn là sinh viên chuyên ngành kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Công nghệ Delft (tỉnh Zuid-Holland, Hà Lan), Jagtenberg đã có hứng thú tìm hiểu về trào lưu sáng chế robot xoa dịu tinh thần. Vị kỹ sư tài năng nảy ý định vẽ bản thiết kế đầu tiên cho Somnox bởi tình yêu dành cho mẹ - người thường xuyên bị giày vò bởi chứng ngủ không sâu.

Jagtenberg tự hỏi: Vì sao vẫn chưa có giải pháp công nghệ nào thật sự hữu hiệu để khắc phục tình trạng thiếu ngủ, ngủ chập chờn và rối loạn giấc ngủ? Không muốn mẹ tiếp tục lệ thuộc vào thuốc, anh nghĩ đến một thứ nhỏ nhắn, đáng yêu, khiến bà thấy dễ chịu khi ôm ngủ.
Nguyên lý của Somnox dựa trên nghiên cứu về một yếu tố góp phần chữa trị hiệu quả chứng căng thẳng, mất ngủ: nguồn âm thanh êm ái, sâu lắng để kích thích cơ thể lẫn trí óc chúng ta thả lỏng.

Somnox vừa tung ra thị trường phiên bản đời thứ hai được bổ sung một số cải tiến. Jagtenberg chia sẻ: “Hãy còn tồn tại quan điểm nghi hoặc rằng mặt hàng công nghệ trợ ngủ chỉ tạo ra hiệu ứng thuốc trấn an người bệnh mà không có tác dụng chữa trị thật. Tuy nhiên gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu lâm sàng và phản hồi từ người tiêu dùng chứng minh điều ngược lại”.
Thế giới công nghệ có thể tiến xa hơn nữa để giúp con người kiểm soát ngay cả chủ thể phức tạp như giấc ngủ.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI