Sao nhí vào "khuôn"
Thị trường giải trí ngày càng mở rộng với nhiều gameshow, chương trình truyền hình, cuộc thi... mang đến nhiều cơ hội dễ dàng nổi tiếng, không chỉ với người lớn mà cả với trẻ nhỏ. Trở thành sao nhí không còn đơn thuần là chuyện của tài năng thiên bẩm mà bắt đầu được đưa vào guồng chuyên nghiệp hơn.
Nhiều trung tâm đào tạo tài năng nhí từ ca nhạc, diễn xuất cho đến người mẫu, thi hoa hậu được mở ra, chủ yếu tại các thành phố lớn. Trẻ sẽ được uốn nắn tại các trung tâm này trước khi "xuất" ra thị trường nhờ những sản phẩm hoặc thông qua con đường gameshow hay các cuộc thi. Thông thuờng, sau giờ học văn hoá, các em phải tranh thủ rèn luyện kỹ năng tại các lò đào tạo, kể cả ngày nghỉ cuối tuần.
Thời gian gần đây, tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ sự xuất hiện của những hoa hậu nhí như: Đào Nguyễn Hồng Lam, Ngọc Lan Vy, Nguyễn Ngọc Trang Anh... Để đạt được thành tích cao tại các sân chơi, các bé thường được đưa vào lò đào tạo trước khi "chinh chiến". Mô hình này không khác mấy về ngành công nghiệp nhan sắc diễn ra tại Venezuela, Philippines trong nhiều năm qua. Trẻ được huấn luyện các kỹ năng như catwalk, diễn xuất, trang điểm, mặc trang phục, nghi thức giao tiếp… như một nữ hoàng nhan sắc. Chế độ ăn của trẻ cũng được kiểm soát.
|
Đào Nguyễn Hồng Lam đăng quang Hoa hậu nhí Á - Âu diễn ra tại Georgia vào tháng 11/2018 |
Trước khi đăng quang Thần tượng âm nhạc nhí 2017, Thiên Khôi đã dành đến vài năm để bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc và theo học tại trường nhạc của nhạc sĩ Đức Trí. Thuỵ Bình, trước khi trở thành Á quân Giọng hát Việt nhí 2016 cũng đã qua một thời gian mài giũa tại trường nhạc của nhạc sĩ Thanh Bùi. Mẫu nhí Chu Diệp Anh, trước khi nổi tiếng, đắt show như hiện tại cũng từng được đào tạo tại trung tâm của hai cựu người mẫu Thuý Hằng, Thuý Hạnh một thời gian.
Không riêng mặt đào tạo, các sao nhí hiện tại cũng bắt đầu hình thành ê-kíp làm việc chuyên nghiệp hơn từ mặt quản lý, nhận show đến việc xây dựng phong cách, hình ảnh trên mặt truyền thông. Chúng cũng được định hướng phát triển sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều năm về trước, những khái niệm này có thể còn xa lạ khi nhắc đến một tài năng nhí.
Tuy nhiên, theo một người làm trong lĩnh vực này, việc đào tạo này chưa có lộ trình cụ thể, mà chủ yếu xuất phát từ mong muốn của phụ huynh. Vì thế, đôi khi những đứa trẻ bị gò vào những công việc, lĩnh vực mà chúng không có năng lực. Thành quả thu về không tốt như mong đợi dễ dẫn đến tâm lý thất vọng từ chính bậc làm cha mẹ.
|
Hiện tại, số lượng sao nhí xuất hiện ngày càng nhiều bởi hàng loạt gameshow kèm với hiệu ứng mạng xã hội. |
Việc đào tạo để cho ra đời sao nhí, ngoài danh tiếng còn có thể sinh lợi. Thị trường dành cho tài năng nhí ở Việt Nam vẫn gói trong một phạm vi nhất định nhưng lợi ích mà trẻ có thể thu về không hề nhỏ. Những con số dưới đây phần nào có thể phản ánh được.
Sau 6 năm từ khi bước ra khỏi Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên, sức hút của Phương Mỹ Chi vẫn được duy trì. Quang Lê từng tiết lộ cát-sê 1 show diễn tại hải ngoại của nữ ca sĩ nhí lên đến 6.000 USD, gần gấp đôi anh. Sau 6 năm đi hát, Phương Mỹ Chi cũng đã xây được căn nhà khang trang dành tặng cha mẹ.
|
Sau 6 năm, Phương Mỹ Chi vẫn là sao nhí được nhiều khán giả yêu thích với mức cát-sê khá cao. |
Ku Tin, sao nhí nổi tiếng từ năm 2015 với vẻ ngoài bụ bẫm, lối ăn nói duyên dáng cũng có thu nhập khá cao. Mẹ cậu bé từng tiết lộ có lời mời biểu diễn 3 đêm tại nước ngoài với số tiền lên đến 7.500 USD, nhưng phải từ chối vì không thể sắp xếp lịch.
Sao nhí Tin Tin chỉ sau đêm diễn đầu tiên thì cát-sê đã tăng gấp 10 lần, từ 300.000 đồng lên 3 triệu đồng. Có mùa tết, cậu bé kiếm được 400 triệu đồng nhờ diễn nhiều show một đêm. Quang Anh, quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu cũng có mức thu nhập từ trên 10 triệu đến khoảng 30 triệu đồng/show.
|
Tin Tin tên thật là Dương Quốc Anh, sinh năm 2011, là một trong những sao nhí từng được săn đón nồng nhiệt cách đây vài năm. |
Sao nhí: Áp lực từ danh vọng
Sự nổi tiếng nào cũng có cái giá phải trả. Đầu tiên là sự xáo trộn tuổi thơ của những tài năng nhí. Chúng phải ép mình vào những guồng quay, vốn chỉ thuộc về người trưởng thành. Trong khi bạn bè thoả sức với những niềm vui sau giờ học thì chúng phải đi giải bài toán của việc học chính khoá - phụ đạo - tập nhảy - học hát - chạy show, và hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Khi năng lực đã được biến đổi thành giá trị thương mại, trong khi trẻ chưa thể nhận thức rõ về những lợi ích xung quanh thì những con số thu về dễ khiến người lớn mất bình tĩnh.
|
Ku Tin cũng từng một thời miệt mài chạy show, phải thức khuya khi đang được săn đón. |
Sau Giọng hát Việt nhí, Phương Mỹ Chi miệt mài chạy show, từng bị nhà trường cảnh báo đuổi học vì xin nghỉ quá nhiều. Thời điểm năm 2016, sau khoảng 2 năm được săn đón, trong khi bạn bè đã biết chữ thì Ku Tin vẫn "mù chữ" vì mải miết tham gia phim ảnh, gameshow. Hay với Ngọc Lan Vy, trong thời điểm tháng 5 khi học sinh đang tập trung cho kỳ thi cuối năm thì cô bé lại phải miệt mài đi tìm danh hiệu tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ nhí.
Sức khoẻ của trẻ cũng dễ bị bào mòn với những lần thức khuya cho những buổi biểu diễn, hay chạy theo lịch các gameshow bởi NSX muốn tiết kiệm chi phí thuê sân khấu, thiết bị. Mẹ Ku Tin từng cho biết cậu bé phải thức đến 23g, hoặc 1-2g sáng để đóng phim, quay gameshow. Những giấc ngủ không đủ 8 tiếng kéo dài hàng tháng bỗng được phụ huynh xem là chuyện thường với trẻ bởi sự biện hộ “đam mê nghệ thuật”.
Trên con đường trở thành sao nhí, trẻ phải mang trên mình không ít những kỳ vọng lẫn tham vọng từ người lớn. Vô tình, chúng được mặc những chiếc áo quá rộng, cố mấy cũng không thể vừa vặn. Khi đó, phụ huynh lại sử dụng áp lực về tâm lý để buộc con em đạt được những điều mà năng lực của chúng không thể với đến, hoặc chúng chẳng mong muốn.
|
Mang danh tài năng nhí nhưng trẻ lại gánh không ít áp lực từ người lớn. |
“Tôi còn nhớ bé đó, bước vào vòng casting hồn nhiên lắm, xem như đi chơi chứ không phải đi thi, đi diễn. Cuối cùng bé bị đánh rớt, do không đủ tiêu chuẩn. Chỉ một chút sau đó, bé chạy ngược vào phòng và khóc nức nở, bảo mẹ bắt buộc phải có được tấm vé vào vòng trong mới cho ăn cơm. Tôi thương quá phải cho bé tấm vé. Nhưng tôi tự hỏi phụ huynh phải làm thế để được gì khi con em không đủ năng lực. Một cuộc chơi, một trải nghiệm hoá ra rất vui với trẻ lại bỗng biến thành ác mộng như vậy”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhớ lại kỷ niệm một lần làm giám khảo cho gameshow nhí.
“Thoạt nhìn bên ngoài mọi thứ có vẻ vui vẻ, hào nhoáng nhưng những đứa trẻ bị ép vào guồng của sự nổi tiếng sớm khiến thế giới của chúng đôi khi trông giống một chiếc hộp, chỉ có đi học, học bài và đi diễn. Có bé cũng chẳng biết gì về thế giới bên ngoài hay những trò chơi dân gian mà lẽ ra chúng nên được thụ hưởng sớm”, một nhân viên truyền thông từng hoạt động tại một công ty sản xuất chương trình dành cho trẻ em chia sẻ.
|
Đó còn là câu chuyện một ca sĩ nhí đang ở ngưỡng bước vào tuổi thiếu niên lại bị phụ huynh bắt ép theo dòng nhạc bolero khi thể loại này đang thịnh hành. Trong khi đó, ngoại hình lẫn tiềm năng của cậu bé lại không phù hợp với thể loại này. Hay chuyện của một người mẫu nhí trang điểm đậm, mặc đồ gợi cảm bị dư luận lên tiếng vốn cũng xuất phát từ quyết định của phụ huynh.
Không những thế, trẻ còn vô tình bị đặt vào cuộc ganh đua của người lớn. Nhiếp ảnh gia Kiếng Cận vẫn chưa thể quên hình ảnh xấu xí của 2 mẫu nhí mà nguyên nhân đều xuất phát từ việc gánh tham vọng từ phụ huynh. “Trong một show diễn nọ, một nhà thiết kế nữ đã dành vị trí vedette cho con gái như một món quà sinh nhật. Tuy nhiên, vị trí này bất ngờ bị 2 mẫu nhí khác giành lấy. Hôm sau, tôi tiếp cận với 2 cô bé để hỏi vì sao chúng phải làm như thế. Chúng bảo vì mẹ dạy phải nắm tay nhà thiết kế, phải chào kết cuối cùng thì mới có được nhiều ảnh đẹp, được lên báo nhiều”, anh bày tỏ sự băn khoăn xen lẫn thất vọng.
|
Trẻ dễ đánh mất tuổi thơ vì gánh chịu áp lực từ người lớn. |
Còn nhớ tại hậu trường của Bước nhảy hoàn vũ nhí cách đây vài năm, một phụ huynh thoải mái lên tiếng chê bai một thí sinh đang dự thi trước mặt con mình rằng nhảy xấu quá, trang phục trông rẻ tiền. Tình trạng này cũng diễn ra tại sân chơi khác khi một vị phụ huynh (cũng là một nghệ sĩ) qua từng tập đều kiếm cớ để hạ bệ thí sinh khác và tâng bốc con mình lên. Sự ganh đua, hằn học này không đáng để tồn tại trong thế giới vô lo vô nghĩ của con trẻ. Trực tiếp hay gián tiếp, phụ huynh đang đẩy con em vào đường đua, mà đôi lúc chúng chẳng hề mong muốn.
Ngoài đi thi giành giải, để thỏa mãn sự hãnh diện của cha mẹ, sao nhí còn đối diện với áp lực của truyền thông, dư luận, dù yêu hay ghét đều có thể vô hình tạo nên những hệ luỵ xấu. Cách đây vài ngày, mẹ của cậu bé Marcus Phạm - nhân vật nổi tiếng trên cộng đồng mạng cho biết khi ra đường được quá nhiều người hâm mộ ôm ấp khiến bé sợ đến phát khóc. Phương Mỹ Chi cũng từng tiết lộ vì sợ phật lòng khán giả nên dù lúc mệt hay buồn ngủ đến mấy cũng không dám nói lời từ chối chụp ảnh. Hơn thế nữa, những thị phi mà cô bé phải đối diện liên tục trong suốt 6 năm qua phần nào cho thấy cái giá của sự nổi tiếng không hề rẻ.
|
Dù thương hay ghét đều dễ tạo áp lực, làm ảnh hưởng tâm lý trẻ khi chúng sớm nổi tiếng. |
Áp lực không được lớn, vỡ giọng trở thành nỗi ám ảnh của những tài năng nhí. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng dễ khiến chúng rơi vào vòng vây của dư luận. Một đêm diễn ít khán giả hơn, một chiếc CD bán không chạy… cũng đủ khiến tâm lý sao nhí khủng hoảng, đặc biệt khi bước vào ngưỡng dậy thì. Trong khi người lớn có thể chủ động giải quyết những khúc mắc về tâm lý khi gặp áp lực thì con trẻ lại khó thể làm được điều này. Vì thế, gánh nặng mà chúng mang trên người vốn chỉ nặng thêm.
“Chúng ta vẫn kêu ca chuyện con trẻ hát nhạc người lớn, vẫn than phiền trẻ không có đủ không gian giải trí thì việc xuất hiện tài năng nhí là cần thiết, để tạo ra sản phẩm phục vụ cho chúng. Tuy nhiên, chúng ta cần chuyên nghiệp hơn trong việc hoạch định đường lối cho các bé, khoa học giữa việc học, ăn, chơi, ngủ, giải trí, biểu diễn. Đặc biệt, phụ huynh nên có cái nhìn tích cực, định hướng phát triển đúng về năng lực của con em, đừng tìm chúng trong hình bóng của những ngôi sao nhí khác”.
Kiếng Cận - NSX, đại diện một đơn vị quản lý tài năng nhí.
|
Thuỵ Khuê