Công nghệ sao chép scandal

05/04/2014 - 02:43

PNO - PN - Scandal là món không thể thiếu của các chương trình truyền hình thực tế. Khi nhập khẩu các chương trình này, các nhà sản xuất Việt cũng nhập khẩu cả công nghệ chế biến scandal, bất chấp dư luận, bất chấp hậu quả.

edf40wrjww2tblPage:Content

TỪ TÂY SANG Á

Nếu ở Âu Mỹ, trang phục hở hang, gây gổ, làm trò lố... là những chiêu thường được đem ra câu khách thì ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... người ta có xu hướng ưa thích những câu chuyện cảm động về những tấm gương vượt khó. Nhưng, chuyện gây sốc và cổ tích hiện đại không thể tự nhiên mà có thường xuyên nên người trong cuộc đã tự bày trò.

Cong nghe sao chep scandal
Trang phục của giám khảo Sinitta tại X-Factor Anh năm 2009

Tại nước Anh, nơi khai sinh X-Factor, năm 2009, giám khảo Sinitta - bạn gái cũ của cha đẻ X-Factor Simon Cowell xuất hiện trong một buổi ghi hình với bộ trang phục vẻn vẹn... bốn chiếc lá. Năm 2005, giám khảo Sharon Osboume hất thẳng nước vào mặt người cùng ngồi ghế nóng Louis Waslh. Mới đây nhất, tháng Mười năm ngoái, Lady Gaga mặc đồ lót biểu diễn tại sân khấu X-Factor.

Giọng hát Việt 2013 từng xảy ra màn khẩu chiến gay gắt giữa bốn huấn luyện viên (HLV) Đàm Vĩnh Hưng - Quốc Trung - Hồng Nhung - Mỹ Linh rồi phân trần, hòa giải vào đêm chung kết - hoàn toàn tương tự Christina Aguilera và Adam Levine ở The Voice Mỹ.

Nhà sản xuất The Voice Hàn, Trung chuộng nhất là kiểu hô biến chương trình thành phim truyền hình tình cảm lâm ly, vốn là đặc sản ăn khách của họ. Choi Sung Bong với ngoại hình thô mộc ở Korea’s got talent đã được ví là “Susan Boyle Hàn”. Người xem càng xúc động hơn khi nghe anh tiết lộ về tuổi thơ bất hạnh, bán kẹo kiếm sống... Sự thật, anh được đào tạo bài bản tại Trường nghệ thuật Daejun, không phải dân nghiệp dư.

The Voice Trung Quốc càng tận dụng triệt để việc khai thác đời tư và tâm sự thí sinh. Thời gian người dự thi “kể chuyện đời tôi”, trình bày cảm xúc về bài hát trước và sau khi biểu diễn dài hơn hẳn thời lượng ca khúc. Mô-típ “từ zero đến hero” được áp dụng không chỉ ở Idol mà còn lan sang nhiều cuộc thi khác. Hình mẫu những cô nàng mộc mạc, ngây thơ, những anh chàng vượt qua số phận ăn khách đến độ thí sinh sẵn sàng dối trá và nhà sản xuất hào hứng tiếp tay để đáp ứng nhu cầu đó của công chúng. Từ Hải Tịnh đeo kính cận, ăn mặc quê mùa, vừa hát vừa sướt mướt kể chuyện về người cha đã mất, để rồi ngay sau đó, người ta phát hiện trên mạng những tấm hình cô chụp với phong cách vô cùng sành điệu, rằng Hải Tịnh từng đi thi hát rất nhiều, câu chuyện về cha được kể đi kể lại ở các cuộc thi. Tương tự, Stacy Francis, thí sinh X-Factor Mỹ mùa đầu, giấu nhẹm sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp mà chỉ lên truyền hình như một bà mẹ nghị lực, khóc như mưa, thổ lộ mình đã không dự đám tang cha để đi thi.

Lưu Nhã Đình, 18 tuổi, cũng ăn mặc như cô bé nhà lành đáng yêu lúc trình diễn, song hình tượng đó bị phá vỡ nhanh chóng bằng loạt ảnh trang điểm lòe loẹt đi hộp đêm, hút thuốc lá, khóa môi bạn trai, phẫu thuật thẩm mỹ nâng vòng 1... Cát Khắc Tuyển Dật mặc toàn hàng hiệu, làm ca sĩ quán bar nhưng giới thiệu mình là cô gái dân tộc nghèo. Hoàng Dũng, Trâu Hoành Vũ khai xuất thân nghèo khó, vất vả mưu sinh, nhưng cả hai bị lật tẩy là con nhà khá giả, có người từng được một công ty hào phóng đầu tư cho làm album và có cha là... nhà tài trợ cho chương trình của một trong bốn HLV.

Tại Giọng hát Việt, Bảo Anh và HLV Trần Lập vướng nghi án tình cảm, mối quan hệ Phương Uyên - Thiều Bảo Trang thì bùng nổ tai tiếng thật sự. Trong phiên bản tiếng Trung, Đinh Đinh - một thí sinh xinh đẹp - cũng bị tố cáo quan hệ với HLV Dương Khôn.

Cong nghe sao chep scandal
Những giọt nước mắt run rẩy của Alice Fredenham (ảnh nhỏ) hay số phận xót xa của Huyền Minh
cũng chỉ là kết quả của công nghệ chế biến scandal

Trong vụ việc giả dạng Huyền Minh, Anh Thúy không chỉ bị ném đá vì che giấu thân phận thực sự dưới lớp mặt nạ. Cô diễn xuất mua lòng thương cảm rất đạt từ dáng nằm co ro một mình trên ghế, hành động tô trộm son rồi vội chùi đi khi có người đến, run rẩy giới thiệu hoàn cảnh là nhân viên phục vụ bị tai nạn và chỉ được tập hát trong toilet, khóc òa sau phần dự thi... Tất cả khiến nhiều người thương cảm lẫn ngưỡng mộ Huyền Minh bất hạnh và tài năng, điều mà một ca sĩ được đào tạo thanh nhạc bài bản, có nhiều năm đi hát không thể nhận được. Nhưng, kịch bản của Thúy cũng chưa hẳn độc quyền, mà chỉ là táo bạo hơn. Trước đó, Britain’s got talent đã có Alice Fredenham run rẩy, sợ sệt trên sân khấu đến phát khóc như thể thi hát lần đầu, trước khi bị điểm mặt là cô đã tham dự The Voice ba tháng trước với phong thái hoàn toàn tự tin!

LỖI TẠI AI?

Trong format của các chương trình truyền hình thực tế (THTT) nổi tiếng, xây dựng hình ảnh thí sinh và scandal là phần không thể thiếu để thu hút người xem. Công thức chế biến ra sao, xử lý truyền thông thế nào đã được những cái đầu phù thủy hoạch định sẵn cho mỗi chương trình rất cụ thể: số đầu tiên, số thứ hai… sẽ có ai, sẽ làm những gì, đâu là điểm nhấn chính, đâu là điểm nhấn dự phòng… Sau bao lâu thì sẽ cần một scandal, là loại scandal nào và scandal đó cần được đẩy lên, kiểm soát thế nào cũng được tính trước. Nếu dư luận và truyền thông phản ứng theo đúng hướng đã dự tính, nhà tổ chức sẽ tung chiêu gì tiếp theo, giám khảo sẽ nói gì, thí sinh sẽ hành xử thế nào đều có sẵn trong kịch bản; nếu không, phương án dự phòng sẽ là gì để câu kéo sự chú ý. Khi nhập khẩu một show truyền hình thực tế, người ta đồng thời nhập khẩu luôn các phương thức xây dựng scandal, tô vẽ chiêu trò.

Cũng khó trách nhà sản xuất nếu tiếp cận vấn đề từ góc độ kinh tế. Họ đã chi ra quá nhiều tiền để mua bản quyền các chương trình, chi phí sản xuất chương trình, trị giá giải thưởng ngày càng lớn và cả chi phí cho các chiến dịch truyền thông, nên họ buộc phải kéo khán giả ngồi trước màn hình, dùng mọi chiêu trò để đảm bảo nguồn thu quảng cáo, tài trợ. Những “mục đích ý nghĩa” tốt đẹp trên giấy sẽ chỉ là… trên giấy.

Theo diễn biến mới nhất, Anh Thúy treo một status xin lỗi mọi người lần nữa, bày tỏ tâm trạng muốn “chết đi biến mất khỏi thế gian này”. Tuy khẳng định việc đeo mặt nạ là lỗi của mình, không liên quan đến nhà sản xuất, nhưng cô cũng tiết lộ việc được chỉ đạo diễn xuất ra sao cho hợp với hoàn cảnh “Huyền Minh”.

Cũng như scandal của Phương Uyên Giọng hát Việt mùa đầu tiên, chỉ có cá nhân lên tiếng xin lỗi, Cát Tiên Sa vẫn nghĩ mình không có bổn phận xin lỗi khán giả vì tiếp tay cho hành vi lừa đảo niềm tin. Xa hơn, VTV - truyền hình quốc gia - đơn vị chịu trách nhiệm cho những gì được phát trên sóng của mình, sau hàng loạt scandal, vẫn là "nhân tố đầy bí ẩn" - nhất định không lộ diện và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Giữa lúc truyền hình TP.HCM tuyên bố “không scandal” và thẳng tay loại bỏ các chương trình tiềm ẩn những yếu tố gây sốc, phản cảm ra khỏi kế hoạch phát sóng thì VTV lại trở thành “ổ” scandal, kéo dài từ Vua đầu bếp đến Người giấu mặt, Tìm kiếm tài năng, Giọng hát Việt…, nay là X-Factor và vẫn thản nhiên thu tiền, bất chấp mọi phản ứng từ khán giả.

Ở đây, có lẽ chỉ có khán giả có lỗi, vì đã dư thừa lòng trắc ẩn và vẫn còn niềm tin vào những câu chuyện cổ tích thực sự trong cuộc sống. Khán giả vẫn ngây thơ tin là mình đang theo dõi một cuộc thi chứ không phải một “show diễn” kiếm tiền như bản chất của các chương trình!

 ÁI NGUYÊN 

Lưu Hoan, ca sĩ gạo cội từng hát trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, đã từ bỏ The Voice chỉ sau một mùa làm HLV. Ông chia sẻ: “Tôi cảm thấy có ai đó đứng sau điều khiển tất cả. Cảm giác đó khiến tôi thấy bực bội. Trước tiên sẽ có ai đó thêu dệt nên một câu chuyện, rồi vì câu chuyện đó, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Dường như những người tạo ra các câu chuyện không biết điểm dừng, không biết giới hạn cho phép”.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI