Công nghệ phim trường ảo “mon men” có mặt ở Việt Nam

11/08/2024 - 17:35

PNO - Công nghệ phim trường ảo (virtual production) đang phổ biến trên thế giới đã bắt đầu manh nha xuất hiện tại Việt Nam thông qua một số mẩu quảng cáo, MV, sản phẩm phim ảnh.

Ngày 11/8, hội thảo Bùng nổ sáng tạo cùng công nghệ phim trường ảo do Học viện kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình MAAC, Arena Multimedia và tập đoàn Aptech (Ấn Độ) tổ chức, đã thu hút lượng lớn người dự, chủ yếu là giới trẻ. Họ đến để nghe các chuyên gia nói về ứng dụng của công nghệ phim trường ảo và trực tiếp trải nghiệm công nghệ phim trường ảo thực tế.

Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Aptech Abir Aich chia sẻ về công nghệ phim trường ảo tại hội thảo sáng ngày 11/8
Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Aptech Abir Aich chia sẻ về công nghệ phim trường ảo tại hội thảo sáng ngày 11/8 - Ảnh: H.N.

Theo ông Abir Aich, Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Aptech: “Phim trường ảo kết hợp làm phim truyền thống với công nghệ CGI thời gian thực và công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra môi trường tương tác sống động, để kể chuyện bằng hình ảnh”.

Đó là những đặc trưng, ưu điểm, và sẽ là lợi thế to lớn mà các nhà làm phim Việt Nam có thể dựa vào, để tạo nên những sản phẩm đặc sắc, ấn tượng về mặt thẩm mỹ và thị giác.

Ông Abir Aich đưa ra con số thống kê quy mô thị trường của phim trường ảo trên toàn cầu dự kiến tăng từ 2,98 tỉ USD của năm 2023 lên 7,62 tỉ USD vào năm 2030.

Phim trường ảo lần đầu xuất hiện vào năm 1930 với phim hài viễn tưởng Liliom của Fox - nơi mà các cảnh quay được ghi lại trước được đặt trên màn hình ngay phía sau hoặc phía trước nhân vật.

Ngày nay, công nghệ phim trường ảo trở thành xu hướng, vì đạt được độ chân thực của các khung ảnh, cảnh quay, đồng thời tối ưu hóa chi phí sản xuất, giải quyết khó khăn về nhân lực, bối cảnh.

Nhiều bom tấn kỹ xảo trên thế giới áp dụng công nghệ này như phim TV series Madalorian (2019), House of the dragon (2022), Percy Jackson and the Olympians (2023), phim điện ảnh Thor - Love and Thunder (2022), Barbie (2023), Megalopolis (2024).

Ở Việt Nam đã có một vài TVC, MV và phim Lật mặt 6, Lật mặt 7 ứng dụng công nghệ trên. Trong đó, ở Lật mặt 6 là các cảnh quay lái xe, còn ở Lật mặt 7 là cảnh kết phim ở viện dưỡng lão.

Các cảnh quay lái xe trong phim Lật mặt 6 đều dùng công nghệ phim trường ảo
Các cảnh quay lái xe trong phim Lật mặt 6 đều dùng công nghệ phim trường ảo (ảnh: cắt từ clip của nhà sản xuất phim)

Cụ thể là với những cảnh chạy xe đòi hỏi đảm bảo an toàn cho ê kíp, đảm bảo tiến độ quay, và đảm bảo sự tập trung cho tâm lý của nhân vật, đạo diễn Lý Hải đã ứng dụng giả lập bối cảnh với hệ thống màn hình led P2.5 siêu mịn.

Anh Lý Minh Nhựt - CEO của Công ty LED Wall (đơn vị tiên phong mang công nghệ LED Wall vào Việt Nam) - cho biết, sử dụng công nghệ này đoàn phim chỉ mất 3 ngày quay, tốn 450 triệu đồng, trong khi nếu đi ra ngoài, bối cảnh thực tốn 700 triệu đồng.

“Công nghệ LED Wall tiết kiệm rất nhiều chi phí và sức lực cho đoàn phim mà hiệu quả hình ảnh lại cao hơn hẳn so với việc mang cả một đoàn phim ra hiện trường thật” - anh nói.

Tại hội thảo, còn có workshop "Ứng dụng Chroma Key trong Virtual Production" giúp người dự có cơ hội trực tiếp “nhập vai” cameraman và diễn viên trong phim trường ảo.

Trong ngành công nghiệp điện ảnh, Chroma Key góp phần tạo ra các hiệu ứng mãn nhãn và bối cảnh phức tạp mà không cần xây dựng bối cảnh thật. Kỹ thuật này cho phép các nhà làm phim đưa diễn viên vào những bối cảnh và môi trường không thể dựng ngoài đời thực, chẳng hạn như chiến trường thời trung cổ, không gian vũ trụ, hay thế giới giả tưởng với sinh vật huyền bí.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI