PNO - Tất cả những màn thể hiện xuất sắc của Catriona Gray đều là kết quả của công nghệ 'mài giũa', bắt 'ngọc trong đá' phải tỏa sáng, của Philippines - điểm đến mới của những cô gái nuôi giấc mộng trở thành nữ hoàng sắc đẹp.
Khi ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ 2018 gọi tên người đẹp Philippines - Catriona Gray, những ai thường theo dõi các cuộc thi sắc đẹp chẳng hề cảm thấy ngạc nhiên, bởi trong suốt thời gian tranh tài với những thí sinh từ các quốc gia khác, nhan sắc 24 tuổi này luôn biết cách tỏa sáng, từ dáng catwalk kiểu nham thạch (đang bước đi nhanh bỗng xoay người thật chậm rãi một cách rất điêu luyện), cách vận những bộ trang phục đa phong cách, nhiều màu sắc và hầu hết là những gam màu nổi (đêm chung kết, 4 người đẹp trong top 5 mặc váy dạ hội ánh bạc thì cô gây chú ý với váy sequin đỏ, son môi đỏ) cho đến cách trả lời phỏng vấn đầy duyên dáng, tự tin.
Hoa hậu Hoàn Vũ Philippines nổi bật bên các thi sinh khác với phong thái tự tin rạng ngời
Tất cả những màn thể hiện xuất sắc của Catriona Gray đều là kết quả của công nghệ “mài giũa”, bắt “ngọc trong đá” phải tỏa sáng, của Philippines - điểm đến mới của những cô gái nuôi giấc mộng trở thành nữ hoàng sắc đẹp.
Người Philippines nghiện các cuộc thi nhan sắc không khác gì dân Brazil mê bóng đá, dân Mỹ mê bóng bầu dục. Khó thống kê được tại Philippines có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp (từ thị trấn đến tỉnh, thành, từ dành cho thiếu nữ đến bà già, dành cho người dị tính đến cả người đồng tính) và bao nhiêu “trại huấn luyện” nhan sắc chính thức hoặc không chính thức tồn tại.
Ta chỉ biết ở đây có ba cuộc thi cấp quốc gia lớn là Hoa hậu Philippines, Hoa hậu Thế giới Philippines, Hoa hậu Trái đất Philippines và hai trại huấn luyện nhan sắc nổi tiếng nhất là Beauty of the Flower của Rodin Gilbert Flores, Aces & Queens của Jonas Gaffud. Trong đó, Aces & Queens là nơi đã đào tạo tân Hoa hậu Hoàn vũ 2018 - Catriona Gray, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 - Pia Wurtzbach, Hoa hậu Thế giới 2013 - Megan Young, Hoa hậu Quốc tế 2016 - Kylie Verzosa, Hoa hậu Toàn cầu 2015 - Anna Collis. Còn “lò” Beauty of the Flower là nơi Hoa hậu Quốc tế 2013 - Bea Santiago, Hoa hậu Trái đất 2014 - Jamie Herrell, Hoa hậu Trái đất 2015 - Angelia Ong trưởng thành.
Rodin Gilbert Flores - cha đẻ của dáng đi catwalk kiểu con vịt - trong một buổi huấn luyện các cô gái ở “lò” Beauty of the Flower do ông sáng lập
Học viên của hai “lò” đào tạo hoa hậu này có thể là những cô gái có “tiềm năng”, được công ty “săn” hoặc những người đẹp từ các quốc gia khác “khăn gói” đến đóng tiền để được huấn luyện. Hoa hậu Indonesia Kezia Warouw - người vào đến top 20 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua là học viên đóng học phí ở "lò" của Jonas Gaffud. Những người được chọn để đào tạo không phải trả phí huấn luyện, nhưng phải tự chi trả tiền ăn, ở, di chuyển, trang điểm...
Quá trình “mài ngọc” không dành cho những người đẹp thiếu ý chí, thiếu kiên nhẫn, vì chương trình học và tập luyện gần chục tiếng mỗi ngày, kéo dài suốt 6 tháng với những “giáo án” như tập kỹ năng catwalk, cách chăm sóc da, trang điểm, chọn lựa trang phục, thực hành thi ứng xử, phản biện, xử lý các tình huống trượt ngã trên sân khấu… Kể cả những hoạt động cơ bản nhất như cười, nói, ăn uống sao cho khỏe, đẹp cũng phải học.
Đó là lý do vì sao những thí sinh của Philippines như Catriona Gray luôn biết cách khiến mình tỏa sáng, tự tin mọi lúc mọi nơi, kể cả trả lời ứng xử cũng rất khéo léo, đúng trọng tâm, đầy thuyết phục. Nad Bronce - chuyên gia dạy thực hành hỏi-đáp của Aces & Queens - tiết lộ, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 - Pia Wurtzbach từng là một trong những học viên rất năng nổ trong các buổi thực hành ứng xử: “Cô ấy luôn hăng hái giơ tay phát biểu, đưa ra nhiều đáp án. Đến giờ, đã là Hoa hậu Hoàn vũ, Pia vẫn còn giữ ba cuốn sổ ghi chép chi chít đó để sử dụng”.
Kỹ năng đi catwalk là một trong những bài tập quan trọng ở các "lò" luyện sắc đẹp
Mỗi năm, lò Beauty of the Flower tiếp nhận cả trăm học viên, nhưng chỉ khoảng 30 người thật sự có tiềm năng và cuối khóa chỉ còn chừng một người có khả năng thành “nữ hoàng” trong các cuộc thi nhan sắc quốc gia, quốc tế. Điều quan trọng là người cuối cùng này của lò luôn dư sức tiến vào vòng bán kết. Kể từ năm 2010, danh hiệu cường quốc sắc đẹp đã từ Venezuela chuyển sang Philippines khi tính đến nay, nước này đã có 8 hoa hậu tại bốn cuộc thi lớn (Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế) chưa kể nhiều á hậu, còn chuyện thí sinh lọt đến bán kết hoặc giành các giải phụ đã trở thành lẽ đương nhiên.
Onas Gaffud là người đứng sau thành công của tân Hoa hậu Hoàn vũ Catriona Gray
Với người Philippines, chiến thắng ở các cuộc thi nhan sắc đồng nghĩa với khả năng đổi đời. Thế nên, dù chi phí tham gia các cuộc thi nhan sắc trong nước rất tốn kém, các cô gái vẫn bấm bụng chi.
Để tham gia một cuộc thi người đẹp tầm quốc gia ở Philippines, thí sinh phải chi rất nhiều khoản: áo dạ hội trung bình từ 25.000-45.000 peso/cái (nếu cao cấp, giá là 60.000 peso); áo tắm từ 1.500- 4.500 peso/cái và cần từ 2-4 cái tùy vào lịch trình cuộc thi; trang phục dân tộc loại đơn giản không thêu, không nhiều lớp, tốn ít nhất 15.000-20.000 peso và từ 50.000-65.000 peso nếu cầu kỳ phức tạp; đó là chưa kể các trang phục diện trong các hoạt động khác như tham quan, thăm viếng, làm từ thiện… Phụ kiện như giày tốn từ 2.500-3.500 peso/đôi và mỗi cô nên có từ 3-5 đôi để thay đổi. Tiền thuê thợ trang điểm, làm tóc tầm 50.000 peso, thuê studio chụp hình dự thi tốn 20.000 peso, thuê thợ chụp tốn từ 10.000-15.000 peso.
Ngoài ra còn chi phí ăn ở, đi lại và nhiều khoản linh tinh khác. Tổng cộng, mỗi người đẹp phải bỏ ra tầm 250.000-500.000 peso (khoảng 110-220 triệu đồng). Dù vậy, con số này vẫn còn rẻ so với chi phí tham gia thi sắc đẹp ở Venezuela hay Mỹ. Được biết, ở Venezuela, để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc gia các cô gái phải chi tầm 32.000 USD (hơn 1,6 triệu peso). Theo tiết lộ của á hậu Hoa hậu Hoàn vũ 2014, cựu Hoa hậu Mỹ - Nia Sanchez, cô tốn 30.000 USD khi dự thi Hoa hậu Mỹ.