Công nghệ in 3D: Bước tiến đột phá của ngành thực phẩm

12/03/2023 - 18:28

PNO - Từ bánh kẹo ăn vặt lành mạnh, món ngon độc đáo trong nhà hàng đến thực đơn lập trình sẵn bổ sung dinh dưỡng toàn diện, kỹ thuật in thực phẩm 3D tân tiến đang tạo ra vô số ứng dụng thiết thực cho đời sống. Tại châu Á, người tiêu dùng bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn vào những dự án “số hóa trải nghiệm ẩm thực” khi công nghệ hiện đại song hành cùng tư duy bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Công nghệ in 3D ẩn chứa tiềm năng thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta tiêu thụ thực phẩm trong tương lai. Những món ăn làm ra bởi kỹ thuật tạo hình 3D không chỉ thỏa mãn trí tưởng tượng, giúp đơn giản hóa việc bếp núc mà còn có thể đáp ứng nhu cầu hấp thu đa dạng dưỡng chất của người tiêu dùng hiện đại. Như cách đầu bếp nổi danh người Pháp Paul Bocuse từng tái định nghĩa nghệ thuật ẩm thực bằng nỗ lực đổi mới nguyên liệu và tìm tòi công thức mới lạ, trào lưu in thực phẩm 3D hứa hẹn mang lại nhiều thành quả ấn tượng. 

Món tráng miệng thơm ngon được tạo hình từ máy in thực phẩm 3D Foodini - ẢNH: NATURAL MACHINES
Món tráng miệng thơm ngon được tạo hình từ máy in thực phẩm 3D Foodini - Ảnh: Natural Machines 

Với nữ doanh nhân Lynette Kucsma, niềm đam mê nghiên cứu thiết bị in thực phẩm 3D xuất phát từ niềm tin rằng trong vòng 10 năm tới, ngành chế biến thực phẩm sẽ chuyển mình mạnh mẽ nhờ thành tựu công nghệ. Kucsma nói: “Các loại máy in thực phẩm 3D rất giàu tiềm năng. Sắp tới, tôi tin chúng sẽ ngày càng nhỏ gọn, tiện dụng và phổ biến như lò vi ba hay lò nướng”. 

Ý tưởng sáng tạo vì sức khỏe 

Foodini - phát triển bởi Natural Machines, công ty đa quốc gia do Kucsma đồng sáng lập và kiêm vai trò giám đốc marketing - là một trong những mẫu máy in thực phẩm nổi tiếng hàng đầu thị trường hiện nay. Máy cho phép người dùng tự thiết lập công thức, tạo nên các món ăn bổ dưỡng theo sở thích, nhu cầu ẩm thực. Bạn có thể in một phần thức ăn từ nguồn nguyên liệu tươi sạch, đảm bảo giá trị dinh dưỡng, đồng thời hạn chế nguy cơ lãng phí lương thực.  

“Foodini ứng dụng kỹ thuật in ép đùn vật liệu điển hình. Mỗi ống in thực phẩm bằng thép không gỉ nối cùng 5 đầu vòi đa kích cỡ. Không giống thiết bị in 3D thông thường, tất cả chi tiết máy đều được chúng tôi cẩn trọng tái dựng, cải tiến sao cho phù hợp nhất với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm” - Kucsma chia sẻ. 

Với tính năng tạo nên các món ăn cân bằng dinh dưỡng, dễ hấp thu, Foodini được tin dùng tại nhiều nhà hàng, khách sạn và bếp ăn bệnh viện - ẢNH: NATURAL MACHINES
Với tính năng tạo nên các món ăn cân bằng dinh dưỡng, dễ hấp thu, Foodini được tin dùng tại nhiều nhà hàng, khách sạn và bếp ăn bệnh viện - Ảnh: Natural Machines

Nguyên liệu ban đầu được sơ chế thành dạng sệt trước khi đưa qua bộ phận in tạo hình. Từ kho công thức tích hợp trong hệ thống phần mềm, Foodini có thể in khá nhiều món ngon phổ biến như bánh mì kẹp thịt bò, gà, xúp, mì ống cùng nhiều loại bánh ngọt, sô-cô-la và bột bánh nướng.  

“Trong căn bếp gia đình, Foodini có khả năng thỏa mãn yêu cầu dinh dưỡng riêng của mỗi người. Bạn có thể tùy chọn thực đơn, sáng tạo bữa ăn và chủ động kiểm soát chất lượng cùng số lượng thực phẩm tiêu thụ hằng ngày” - Kucsma cho hay.

Những món ăn theo phong cách 3D với chất lượng dinh dưỡng cao cũng đang mở ra vô vàn cơ hội kinh doanh cho nhiều công ty thực phẩm. Một cái tên thú vị vừa xuất hiện trên thị trường châu Âu là Nourished - thương hiệu kẹo bổ sung vitamin sản xuất hoàn toàn từ kỹ thuật in 3D. 
Giám đốc sáng lập Melissa Snover chia sẻ câu chuyện về Nourished: “Vì lý do sức khỏe, tôi từng phải dùng vitamin mỗi ngày. Có rất nhiều loại viên uống vitamin cơ thể bạn cần bổ sung. Việc giữ chúng bên người và uống đúng giờ, đủ liều khiến tôi khá chật vật. Để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn, tôi bắt đầu hình dung đến một loại thức ăn dồi dào dưỡng chất, ngon miệng lại tiện mang theo mọi lúc mọi nơi”. 

Kết hợp ý tưởng kể trên cùng công nghệ in 3D hiện đại, nữ doanh nhân người Anh tạo ra sản phẩm kẹo ăn vặt lành mạnh có thể tùy chỉnh thành phần dinh dưỡng. Sau khi đăng ký tại trang web bán lẻ, khách hàng được chọn lựa thiết kế kẹo dựa trên nhu cầu bổ sung vitamin của bản thân. Chuỗi máy in thực phẩm định hình từng viên kẹo trong một quy trình sản xuất khép kín đã được cấp bằng sáng chế. Kẹo mềm có nhiều tầng vitamin, vị ngọt hoặc chua nhẹ tự nhiên, không thêm đường, thích hợp với cả người ăn chay.  

Chiết xuất vitamin trong các dòng kẹo ăn vặt Nourished có nguồn gốc tự nhiên, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng cần bổ sung dinh dưỡng - người đang ăn kiêng, thai phụ lẫn trẻ nhỏ - ẢNH: NOURISHED
Chiết xuất vitamin trong các dòng kẹo ăn vặt Nourished có nguồn gốc tự nhiên, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng cần bổ sung dinh dưỡng - người đang ăn kiêng, thai phụ lẫn trẻ nhỏ - Ảnh: Nourished

Mỗi khách hàng mới được đề nghị hoàn tất một bảng khảo sát ngắn về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng thức ăn (nếu có) và thói quen nghỉ ngơi, vận động. Đây là thông tin cơ sở để Nourished tư vấn đến người tiêu dùng các loại vitamin, khoáng chất nên hấp thu thường nhật giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng.     

Bước đi "bền vững" tại châu Á 

Đối với những doanh nghiệp giàu tham vọng như Nourished và Natural Machines, nỗ lực thúc đẩy trào lưu tiêu thụ thực phẩm in 3D góp phần đáp ứng mong muốn sống khỏe lẫn sống xanh của người tiêu dùng hiện nay. Xét đến xu thế kinh doanh bền vững, châu Á hiện là khu vực đặc biệt hấp dẫn giới đầu tư.   

“Công nghệ in thực phẩm đem đến giải pháp lý tưởng giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí lương thực. Dưới góc độ người tiêu dùng, ưu điểm này rất hấp dẫn. Họ có thể in đúng lượng thức ăn mình muốn và không để lãng phí gì khác” - Kucsma nhận định.

Kucsma nhấn mạnh: “Phương pháp in 3D tận dụng nguồn nguyên liệu triệt để hơn nhiều dây chuyền sản xuất truyền thống. Rau củ quả có vẻ ngoài không đẹp mắt dễ dàng bị vứt đi ở xưởng chế biến thực phẩm. Trong khi đó, máy in 3D có thể biến chúng thành những bữa ăn giàu dinh dưỡng”.

Một ví dụ sống động tại châu Á là dự án của đội ngũ chuyên gia công nghệ thực phẩm từ Nhật Bản và Singapore. Dùng kỹ thuật tạo hình 3D, nhóm nghiên cứu đã tái chế okara (bã đậu nành) - phụ phẩm bổ dưỡng nhưng thường bị loại bỏ sau quy trình làm sữa đậu nành hoặc đậu hũ - thành một loại bánh ăn vặt lành mạnh. Làm từ 100% bột okara nguyên chất, không thêm phụ gia, bánh có độ mềm xốp khác lạ, ngon miệng và dễ hấp thu. 

Bánh okara tạo hình bằng công nghệ 3D là dự án sản xuất thực phẩm bền vững gây tiếng vang của một số trường đại học Nhật Bản và Singapore - ẢNH: ACS FOOD SCIENCE & TECHNOLOGY
Bánh okara tạo hình bằng công nghệ 3D là dự án sản xuất thực phẩm bền vững gây tiếng vang của một số trường đại học Nhật Bản và Singapore - Ảnh: ACS Food Science & Technology

Về sức hút của thực phẩm in 3D ở thị trường Á Đông, giáo sư Chua Chee Kai (Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore) bày tỏ quan điểm: “Chúng ta có thể thay đổi khẩu vị cổ điển bằng công nghệ in 3D, tìm kiếm và kết hợp đa dạng thành phần nguyên liệu, sáng tạo những trải nghiệm ẩm thực mới mẻ…”. 

Theo Joana Hui - Giám đốc điều hành Alt Farm - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên phát triển công nghệ in thực phẩm 3D, chìa khóa để tạo ra sự bứt phá phụ thuộc vào yếu tố con người và môi trường: “Khách hàng hiện đại đang đề cao tư duy sống khỏe. Họ quan tâm nhiều hơn đến mặt hàng thực phẩm sạch sản xuất theo định hướng bền vững, không gluten và đường hóa học. Đồng thời, các loại thức ăn giàu dưỡng chất, vi chất thiết yếu ngày càng được ưa chuộng. Kỹ thuật in thực phẩm 3D có thể đáp ứng tốt tất cả yêu cầu này, giúp chúng ta xây dựng bữa ăn xanh, sạch, đủ dinh dưỡng và phù hợp với thể chất, khả năng hấp thu của mỗi người”. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI