Công nghệ giám sát động vật hoang dã được sử dụng để quấy rối, theo dõi phụ nữ ở Ấn Độ

22/11/2024 - 09:42

PNO - Ngày 22/11, các nhà nghiên cứu Ấn Độ cho biết máy chụp hình, máy bay không người lái và các công nghệ khác để theo dõi động vật hoang dã như hổ và voi đang được sử dụng để đe dọa, quấy rối và thậm chí là theo dõi phụ nữ ở Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng công nghệ nhằm bảo vệ loài hổ trong một khu rừng ở Ấn Độ đôi khi lại nhắm vào phụ nữ
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng công nghệ nhằm bảo vệ loài hổ trong một khu rừng ở Ấn Độ đôi khi lại nhắm vào phụ nữ

Mới đây, một hình ảnh được chia sẻ lên mạng xã hội gây phẫn nộ khi bức ảnh một người phụ nữ tự kỷ đang đi vệ sinh trong rừng đã được những người đàn ông địa phương chia sẻ rộng khắp khiến dân làng phải phá hủy các máy ảnh tự động gần đó.

Trishant Simlai - một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge của Anh, đã dành 14 tháng để phỏng vấn khoảng 270 người sống gần Khu bảo tồn hổ Corbett ở miền bắc Ấn Độ - cho biết, đối với những người phụ nữ sống tại các ngôi làng xung quanh, khu bảo tồn đã không còn an toàn. Khu rừng này từ lâu đã là không gian tự do và thể hiện của cánh đàn ông và phụ nữ thường phải tránh xa.

Giờ đây, những người phụ nữ ở gần khu này gần như lảng tránh mọi sinh hoạt hàng ngày bởi việc sử dụng máy ảnh tự động, máy bay không người lái và máy ghi âm như một phần trong nỗ lực theo dõi và bảo vệ hổ, cũng như các loài động vật hoang dã khác đã mở rộng sang phụ nữ.

Theo một nghiên cứu do Simlai dẫn đầu đăng trên tạp chí Môi trường và Quy hoạch, trong nhiều trường hợp, máy bay không người lái được cố tình bay qua đầu phụ nữ, buộc họ phải bỏ củi xuống và chạy đi tìm nơi ẩn nấp.

Một phụ nữ địa phương được trích dẫn trong nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi không thể đi trước ống kính máy ảnh hoặc ngồi ở khu vực đó với áo Kurtis (áo dài) dài trên đầu gối, chúng tôi sợ rằng chúng tôi có thể bị chụp ảnh hoặc ghi hình sai cách".

Một kiểm lâm nói với các nhà nghiên cứu rằng khi một máy ảnh chụp một cặp đôi đang "làm chuyện lãng mạn" trong rừng thì họ ngay lập tức báo cảnh sát.

Có lẽ trong ví dụ kinh hoàng nhất, bức ảnh một người phụ nữ tự kỷ thuộc tầng lớp thiểu số đang đi vệ sinh trong rừng đã vô tình bị camera ghi lại vào năm 2017.

"Những thanh niên được chỉ định làm công nhân lâm nghiệp tạm thời đã chia sẻ bức ảnh trên các nhóm Whatsapp và Facebook địa phương để làm xấu hổ người phụ nữ", Simlai cho biết.

“Chúng tôi đã đập phá và đốt cháy mọi chiếc camera mà chúng tôi tìm thấy, sau khi con gái của làng chúng tôi bị làm nhục một cách trắng trợn như vậy”, một người dân địa phương nói với các nhà nghiên cứu.

Để tránh ống kính máy ảnh, một số phụ nữ đã bắt đầu đi sâu hơn vào khu rừng có mật độ hổ cao nhất thế giới.

Simlai cho biết một phụ nữ địa phương do nỗi sợ máy ảnh chụp lén vào năm 2019, đã bị hổ giết chết vào đầu năm nay.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI