Nếu các nhà sản xuất nguyên liệu may mặc không ngừng tung ra các loại sợi sinh học, da nhân tạo thân thiện với môi trường thì trên sàn diễn, các nhà mốt cũng đã chuyển động. Sau sân khấu ảo, người mẫu ảo, cuộc đổ bộ của AI và hàng loạt công nghệ hỗ trợ xem show diễn từ xa, sàn diễn chứng kiến những cuộc lột xác ngoạn mục hơn khi phô diễn trực tiếp cho người xem những thành tựu mới trong việc phát triển nguyên vật liệu và công nghệ trình diễn.
|
Chó robot trên sàn diễn Coperni 2023 - Ảnh: The Guardian |
Những giới hạn liên tục bị phá vỡ
Tháng 9/2022, giới thời trang chứng kiến khoảnh khắc lịch sử trên sân khấu Tuần lễ thời trang Paris khi nhà mốt Coperni phun một lớp sơn trắng đục lên cơ thể người mẫu Bella Hadid. Lớp sơn này dần tạo thành một chiếc đầm mềm mại, ôm sát người mặc. Công nghệ vải làm từ dung môi polymer chứa các sợi vải này có tên Fabrican, là phát minh của tiến sĩ thời trang Manel Torres. Chúng khô ngay lập tức khi tiếp xúc với không khí, tạo ra một loại vải không dệt, có thể áp dụng trên nhiều bề mặt (bao gồm cả nước). Fabrican sử dụng các loại sợi khác nhau, từ tự nhiên đến tổng hợp, bao gồm sợi keratin như len và mohair, bông, ni lông, cellulose và sợi nano carbon.
|
Màn trình diễn gây sốt của Coperni vào tháng 9/2022 - Ảnh: Vouge |
Fabrican được các nhà thiết kế ưa chuộng vì nó không chỉ an toàn cho người mặc mà còn cho phép nhà sản xuất dễ dàng thay đổi các đặc tính vật lý của sản phẩm, từ hình dạng, kích thước, kết cấu đến màu sắc, thậm chí cả mùi hương, nhằm đảm bảo tạo ra thiết kế phù hợp nhất với từng người mà không cần phải gia công theo số đo, đường may hoặc tích trữ các loại vật liệu khác nhau. Đồng nghĩa, một lượng lớn nước thải, vải vóc, thuốc nhuộm và nhiều công đoạn sản xuất sẽ được giảm thiểu. Nhờ đó, không những môi trường giảm tải áp lực mà người mặc cũng không cần mất thời gian cho việc thử và chỉnh sửa quần áo nếu không vừa.
Thực tế, phát minh này ra đời từ năm 2003 và nhiều lần được giới thiệu tại các tuần lễ thời trang (Milan, Moscow, TED Talks…), thậm chí trên các kênh truyền hình như Discovery, CBS News và trong phim Mr. Nobody (2010) do Jared Leto đóng chính. Tuy nhiên, chỉ đến khi xuất hiện tại Tuần lễ thời trang Paris, trong bối cảnh công nghệ đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nhiều ngành sản xuất, Fabrican mới bùng nổ và thu hút sự chú ý của cả thế giới. “Chỉ sau một đêm, lượng người theo dõi Coperni đã tăng vọt lên 300.000, đồng thời đẩy doanh số bán hàng của nhà mốt tăng cao so với mùa trước” - Giám đốc sáng tạo Sébastien Meyer cho biết.
Tương tự Coperni, tháng Ba năm nay, nhà mốt Anrealage đã khiến thế giới ngỡ ngàng khi phô diễn trên sân khấu các phát minh của nhà khoa học thời trang Nhật Bản Kunihiko Morinaga trong bộ sưu tập mùa thu - đông 2023. “Số phận” các sáng tạo của Morinaga không khác Coperni là mấy khi việc ứng dụng công nghệ quang sắc vào các thiết kế trên sàn diễn từng nhiều lần được ông trình diễn khắp thế giới từ hơn 10 năm nay, trong đó có không ít lần kết hợp với các nhà mốt danh tiếng như Fendi. Vậy nhưng, năm nay, nó mới thực sự được quan tâm khi nhà thiết kế lần đầu tích hợp công nghệ này vào loạt chất liệu mới như nhung, ren, lông thú giả, satin. Kỹ thuật quét màu và họa tiết trên bề mặt vải cũng được cải tiến, cập nhật thêm nhiều hiệu ứng mới mẻ. Trong phút chốc, sàn diễn toàn trang phục trắng xóa bỗng nhuộm đầy sắc màu khi được công nghệ “ma thuật” này quét qua.
|
Trang phục làm từ vải phun sơn của Coperni ở Moscow Design Week năm 2011 - Ảnh: FLD |
Kỷ nguyên mới hay chiêu trò?
BBC đánh giá Fabrican thực sự là sự đổi mới đi đầu trong lĩnh vực khoa học vật liệu thân thiện với môi trường, hướng đến xu thế xanh trong sản xuất cũng như thúc đẩy việc phát triển nhiều hơn nữa các loại vải linh hoạt kết hợp giữa công nghệ nano và sợi vải dẫn điện hay bắt sáng. Một số nghiên cứu cho thấy Fabrican còn có thể được ứng dụng để làm khăn lau vệ sinh dạng xịt hay miếng dán y tế. Tuy nhiên, để giá thành của nó tiệm cận được số đông, cần thêm thời gian nghiên cứu và đầu tư.
Trong khi đó, với phát minh của Morinaga, tờ Vogue nhận định, đây là cuộc cách mạng sâu sắc và truyền thông điệp mạnh mẽ về sự thích nghi và biến hóa của môi trường tự nhiên hay các loài côn trùng chứ không chỉ là dấu mốc mới của thời trang. Dựa trên thuyết môi trường, Vogue chuyển tải thông điệp con người nói riêng và thế giới sinh vật nói chung đều có những cảm nhận khác nhau về môi trường sống, từ đó có cách thích nghi riêng qua việc biến đổi màu sắc, thay đổi môi trường hay cách sinh hoạt. Do đó, thay vì mải mê chạy theo các xu hướng mới, hãy chọn những thiết kế tồn tại cùng thời gian, nhờ vậy giảm thiểu tác động lên môi trường sống và sinh vật.
|
Các thiết kế của Morinaga đổi màu sau khi được quét qua công nghệ quang sắc - Ảnh: Vouge |
Đương nhiên, để có sản phẩm hoàn thiện cần rất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Khi cả thế giới đang “chạy đua” xanh hóa, các hãng thời trang cũng không đứng ngoài cuộc. Áp lực cho những kẻ đi sau và những hãng đã thành công như Coperni, Morinaga vô cùng to lớn. Suy cho cùng, hãng nào cũng cần bán được hàng và nỗ lực vượt qua thành công của chính mình mùa trước. Trong thời đại công nghệ, đứng yên đồng nghĩa đi lùi. Vậy nên, mùa thu - đông 2023, Coperni chọn mang... chó robot lên sàn diễn, mô phỏng câu chuyện ngụ ngôn Chó sói và cừu non của de La Fontaine. Sự xuất hiện đầy bất ngờ và tương tác của chó robot giúp Coperni tiếp tục thu hút sự chú ý đồng thời truyền đi thông điệp mà có lẽ sẽ trở thành chân lý trong tương lai: đã đến lúc con người và công nghệ không thể tách rời. Mối quan hệ đó tốt đẹp hay không tùy thuộc cách chúng ta sử dụng chúng.
|
Các thiết kế của Morinaga đổi màu sau khi được quét qua công nghệ quang sắc - Ảnh: Vouge |
Ở bình diện vật liệu mới, việc trình diễn chó robot có vẻ không liên quan. Dù vậy, thông điệp muốn lan tỏa rộng rãi cần có sự lôi cuốn từ những điều độc đáo. Bài học từ 2 phát minh ra đời hơn 10 năm mới tỏa sáng thật đáng để học hỏi.
Thư Hiên