Công nghệ đem người đã khuất “trở lại”

22/04/2023 - 05:42

PNO - Chỉ với một bức ảnh, bản ghi âm giọng nói, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học tiên tiến (chẳng hạn như ChatGPT và chương trình Midjourney) có thể bắt chước tính cách, ngoại hình, giọng nói và thậm chí cả ký ức của người quá cố để tái hiện họ nhằm an ủi người thân đang sống.

 

Wu Wuliu - một blogger Trung Quốc - đã sử dụng công nghệ chatbot, tạo dựng hình ảnh và tái tạo giọng nói để tái hiện người bà đã qua đời - ẢNH: SCMP
Wu Wuliu - một blogger Trung Quốc - đã sử dụng công nghệ chatbot, tạo dựng hình ảnh và tái tạo giọng nói để tái hiện người bà đã qua đời - Ảnh: SCMP

Trò chuyện với người đã khuất

Shanghai Fushouyun - một công ty cung cấp dịch vụ tang lễ kỹ thuật số tại Trung Quốc - đã thực hiện tang lễ đầu tiên bằng công nghệ AI vào tháng 1/2022. Người quá cố là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng mà đồng nghiệp và học trò của ông cảm thấy hối tiếc vì không có cơ hội tiễn biệt lần cuối do giãn cách phòng dịch COVID-19.

Buổi lễ có sự tham dự của hàng chục sinh viên và đồng nghiệp, tất cả cùng trò chuyện với hình ảnh kỹ thuật số của vị bác sĩ trên màn hình. Trải nghiệm “trò chuyện với người đã chết” không phải hiếm khi trên trang web chia sẻ video Bilibili, nhiều blogger cũng đăng tải kỷ niệm cá nhân về việc sử dụng AI để nói chuyện với những người thân yêu đã khuất. Vào tháng Ba, một blogger tên Wu Wuliu, đã tải lên video có tên “Tạo hình ảnh kỹ thuật số ảo của bà tôi bằng các công cụ AI”. Trong đó, anh mô tả cách bản thân dùng chương trình tổng hợp giọng nói, phần mềm AI vẽ tranh và ChatGPT để tạo ra một hình ảnh 3D sống động về người bà đã qua đời vì COVID-19.

Chàng trai 24 tuổi - một nhà thiết kế nghệ thuật thị giác đang làm việc tại Thượng Hải - nói chuyện với người bà quá cố trong đoạn video: “Bà ơi, cha và con năm nay sẽ về quê đón tết Nguyên đán với bà. Trong cuộc gọi lần trước, bà đã nói gì với cha vậy bà?”. Hình ảnh 3D trả lời: “Bà đã bảo nó không được uống rượu. Hãy tiết kiệm và đừng chơi bài nữa”. Trong cuộc trò chuyện ấy, hình ảnh người bà tỏ ra chăm chú, như thể đang lắng nghe và miệng bà mấp máy mỗi khi nói.

Lớn lên trong một gia đình gà trống nuôi con, anh Wu nói anh hối hận vì không được trò chuyện với bà lần cuối trước khi bà qua đời, vì bà và cha là những người đã nuôi nấng anh nên người. Do đó, anh quyết định dùng AI để nói chuyện với bà lần cuối. Wu cho biết dự án “hồi sinh bà” của anh chỉ nhằm để an ủi tâm lý. Trong bài đăng của mình, anh chia sẻ: “Video tôi làm chủ yếu để vơi đi những tiếc nuối. Đồng thời tôi muốn nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc trân trọng hiện tại. Hãy trò chuyện với những người xung quanh mình nhiều hơn. Việc có họ bên cạnh bạn trong cuộc sống thực luôn là điều quý giá và vô cùng quan trọng”.

Giải tỏa gánh nặng trong lòng người đang sống

Vào năm 2020, một nhóm làm phim tài liệu của Hàn Quốc đã thực hiện chương trình đặc biệt, giúp một người mẹ được gặp lại cô con gái 7 tuổi qua đời vì mắc bệnh nan y. Cô bé qua đời chỉ 1 tuần sau khi được chẩn đoán mắc bệnh vào năm 2016, khiến người mẹ Jang Ji-Sun không có cơ hội nói lời tạm biệt.

Trong 3 năm, cô Jang bị ám ảnh bởi sự mất mát đó. Các nhà sản xuất của bộ phim tài liệu Meeting You đã tạo ra một bản sao số hóa của đứa trẻ mà người mẹ có thể nhìn thấy và tương tác qua kính thực tế ảo (VR). Trong chương trình, bé gái Na-yeon xuất hiện từ phía sau một đống củi, cô bé reo lên “Mẹ ơi” và chạy về phía cô Jang. Lúc này, người phụ nữ bật khóc và nói: “Mẹ nhớ con lắm, Na-yeon”.

Đoạn video của chương trình đã nhận được hơn 19 triệu lượt xem. Cô Jang nói với tờ Thời báo Hàn Quốc rằng cô hạnh phúc vì đã tham gia chương trình và cuối cùng cũng có cơ hội để nói lời từ biệt với con gái. Nhà sản xuất của bộ phim tài liệu - Kim Jong-woo - giải thích: “Cho dù chúng tôi đã cố gắng làm cho nhân vật giống thật đến mức nào, người mẹ vẫn có thể nhận ra sự khác biệt. Nhưng cô ấy nói rằng cô ấy rất vui khi được thấy dù chỉ là một phần hình ảnh nhỏ của Na-yeon”.

Mọi người luôn khao khát được tiếp xúc với những người thân yêu sau chuyện sinh ly tử biệt. Những nỗ lực tìm cách liên lạc với người quá cố đã tồn tại hàng ngàn năm, chẳng hạn như chụp ảnh những đứa trẻ đã khuất, tổ chức các buổi cầu hồn, ướp xác… Nhưng trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo, cùng với những tiến bộ công nghệ khác, đã giúp tiến một bước lớn đến việc đưa một phần của người đã khuất trở lại với cuộc sống.

Sherman Lee - phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Christopher Newport ở bang Virginia, Mỹ - cho biết: “Giữ mối liên hệ với điều chúng ta yêu quý là một nhu cầu rất cơ bản của con người. Duy trì mối quan hệ với người thân đã mất - chẳng hạn như bằng cách nghe những tin nhắn thư thoại cũ, xem video cũ và tương tác với chatbot có thể nói bằng giọng của người thân - có thể mang lại sự thoải mái, giúp chúng ta nhẹ lòng”. 

Ngọc Hạ (theo SCMP, Straits Times, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI