Công nghệ AI chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh từ bào thai

14/10/2023 - 10:11

PNO - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh sử dụng máy siêu âm hiện đại có siêu "thuật toán" AI giúp bác sĩ siêu âm cắt, dựng hình, đo đạc cấu trúc tim từ bào thai nhỏ như đồng xu trong không gian 4 chiều, rút ngắn 70% thời gian siêu âm với độ chính xác cao vượt trội.

Bác sĩ CKI Vũ Năng Phúc - Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TPHCM, cho biết: “Nhờ công nghệ AI, nhiều trường hợp siêu âm phát hiện dị tật tim bẩm sinh từ tuần 16-17 tại BVĐK Tâm Anh được các bác sĩ sản - tim mạch - sơ sinh phối hợp theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ, chăm sóc tích cực ngay sau sinh và can thiệp, phẫu thuật tim vào thời điểm phù hợp, tăng cơ hội sống cho trẻ”.

Chị Ngọc Diễm (32 tuổi, tỉnh Long An) được siêu âm tim chẩn đoán thai nhi có bất thường tim bẩm sinh dạng Ebstein type C ở tuần thứ 16. Đây là khuyết tật tim nguy hiểm, hiếm gặp với tỷ lệ 1% trong các bệnh lý tim bẩm sinh. Bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng gây hở van ba lá nặng, dẫn đến suy tim sau sinh.

Chị Diễm được ê kíp bác sĩ sản - tim mạch theo dõi chặt chẽ. Bé gái chào đời ở tuần thai 39, cân nặng 2,9kg, được các bác sĩ sơ sinh phối hợp chăm sóc và hồi sức ngay tại phòng sinh. Bác sĩ tim mạch nhi siêu âm tim tại giường ghi nhận van ba lá dính nhiều lá van làm buồng nhĩ phải phình to và thất phải nhỏ, nguy cơ tử vong đến 45%.

Nhờ tiên lượng trong thai kỳ, các bác sĩ điều trị suy tim và chăm sóc tích cực để bé nhanh chóng đạt cân nặng 6kg, đảm bảo an toàn phẫu thuật. Khi tròn 7 tháng tuổi, bé được phẫu thuật sửa van ba lá thành công, giữ được cả hai tâm thất với chức năng như bình thường. Hiện bé phát triển khỏe mạnh, tiếp tục được bác sĩ tim mạch nhi theo dõi định kỳ.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh và GS.TS.BS Norman Henry Silverman thực hiện nghi thức khai mạc Hội nghị Tim mạch quốc tế 2023 - Ảnh: BVĐK Tâm Anh
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh và GS.TS.BS Norman Henry Silverman thực hiện nghi thức khai mạc Hội nghị Tim mạch quốc tế 2023 - Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý phức tạp hàng đầu về chẩn đoán và điều trị. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 1% trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 1,5 triệu trẻ được sinh ra, tương đương 12.000-15.000 trẻ mắc tim bẩm sinh.

Dù có những tiến bộ đáng kể trong điều trị phẫu thuật, can thiệp tim mạch, nhưng bệnh tim bẩm sinh vẫn để lại gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, công tác chẩn đoán và xử trí bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim cấu trúc từ bào thai giúp phối hợp điều trị hiệu quả, tăng cơ hội sống cho trẻ.

Chiều ngày 13/10, Hội nghị Tim mạch quốc tế “Cập nhật về xử trí bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim cấu trúc: Từ thai nhi đến người trưởng thành” diễn ra tại Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) đã trình diễn những kỹ thuật siêu âm sàng lọc bệnh tim bẩm sinh bào thai từ công nghệ AI độc đáo. Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Norman Henry Silverman (Giáo sư khoa Tim nhi Đại học Stanford, Giáo sư Nhi khoa Nội trú Đại học California) đến từ Mỹ trực tiếp hướng dẫn siêu âm tim bào thai cho hơn 300 bác sĩ, điều dưỡng, thư ký y khoa… tham gia hội nghị.

Giáo sư Norman Henry Silverman thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật siêu âm tim thai cho các bác sĩ tại hội nghị - Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Giáo sư Norman Henry Silverman thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật siêu âm tim thai cho các bác sĩ tại hội nghị - Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Từ cách siêu âm tim thai, tương quan hình thái/siêu âm tim thai, bệnh cơ tim thai nhi… được giáo sư Norman H. Silverman thực hiện trên máy siêu âm thế hệ mới chuyên dụng cho tầm soát bệnh tim bẩm sinh từ bào thai GE Voluson S8 Touch với phần mềm bản quyền ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nhờ hiệu ứng 3D của Doppler tự động phân tách từng mạch máu trong những tổ hợp mạch máu phức tạp, bác sĩ nhanh chóng phát hiện các bất thường về mạch máu như thông liên thất, hồi lưu tĩnh mạch phổi, chuyển vị đại động mạch, hẹp động mạch phổi… trên những quả tim nhỏ như đồng xu.

Siêu âm cấu trúc tim thai được phân tích bởi công nghệ AI - Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Siêu âm cấu trúc tim thai được phân tích bởi công nghệ AI - Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trong khi đó, siêu “thuật toán” AI của dòng máy siêu âm tim GE Vivid E95 tự động nhận diện vùng quan tâm (ROI) giúp bác sĩ tính toán phân suất tống máu (EF), đánh giá chức năng tim, nhận diện bất thường và đo đạc cấu trúc tim hoàn toàn tự động, nhanh chóng chỉ với một nút bấm. Công nghệ AI kết hợp bộ đầu dò siêu âm tim 8 kích cỡ từ sơ sinh đến người lớn giúp chẩn đoán chính xác hơn, rút ngắn thời gian, đặc biệt tối ưu khi siêu âm tim cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trao đổi cùng các bác sĩ tại hội nghị
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh trao đổi cùng các bác sĩ tại hội nghị - Ảnh: BVĐK Tâm Anh

“Tầm soát phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai bằng công nghệ AI giúp các bác sĩ phối hợp theo dõi chặt chẽ, chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị tích cực cho trẻ ngay sau sinh, tăng cơ hội sống cho trẻ”, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Chủ tịch Phân hội Siêu âm tim Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TPHCM nhấn mạnh.

Tuệ Trâm

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Hội nghị Tim mạch quốc tế 2023 do Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Hội Tim mạch học Việt Nam, Phân hội Siêu âm Tim Việt Nam và MD1 World phối hợp tổ chức từ ngày 13-15/10/2023 tại TPHCM. Đây là diễn đàn y tế quy mô lớn với hơn 40 chuyên đề báo cáo, thảo luận, hướng dẫn và thực hành siêu âm tim chẩn đoán từ bào thai đến người trưởng thành.

Tại hội nghị, giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Norman Henry Silverman đã ra mắt quyển sách điện tử hướng dẫn siêu âm tim từ bào thai đến người trưởng thành “Echocardiographic & Pathological Correlations in Congenital Heart Disease” gồm 16 chương sách với nhiều kiến thức và hình ảnh minh họa sinh động được ông sưu tầm suốt 50 năm làm việc về siêu âm tim.

Thông tin chi tiết về hội nghị và các phiên báo cáo, thảo luận, vui lòng xem thêm tại https://tamri.vn/su-kien/hoi-nghi-tim-mach-2023/

Nguồn: BVĐK Tâm Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI