Công nghệ 3D đem nghệ thuật đến với khán giả thời giãn cách

12/07/2021 - 06:47

PNO - Ở nhà, vẫn có thể “đi” xem triển lãm được. Công nghệ 3D với mô phỏng chính xác cao, cho phép khán giả có thể tiếp cận những câu chuyện nhiếp ảnh thú vị ngay trong mùa giãn cách vì COVID-19.

Ở nhà vẫn có thể “đi” xem triển lãm nhiếp ảnh

Trong bối cảnh nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật bị “đóng băng” vì dịch COVID-19 thì thời gian qua, không gian nhiếp ảnh Matca vẫn “giữ lửa”, tổ chức những sự kiện nghệ thuật chất lượng: Triển lãm Mê Kông - chuyện đôi bờ của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền, Đã đến lúc thắp lại những vì sao của Punk Dragon, Những gì giá trị… Dù không làm khai mạc, họp báo, giới hạn số lượt người xem… để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, những sự kiện do Matca tổ chức hoặc đồng tổ chức, vẫn thu hút được một số lượng lớn công chúng. Thậm chí, một số sự kiện còn phải “gia hạn” do nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Chẳng hạn, triển lãm Mê Kông - chuyện đôi bờ, theo kế hoạch, sẽ diễn ra từ ngày 14/5 tới hết ngày 11/6; đã gia hạn tới hết ngày 12/9.

Đặc biệt, những người không thể đến xem triển lãm trực tiếp, thì một phiên bản 3D cũng đã sẵn sàng, để khán giả cũng có thể tiếp cận triển lãm một cách chân thực và sinh động qua internet. Mê Kông - chuyện đôi bờ, Những gì giá trị là hai sự kiện áp dụng công nghệ này, để có thể kết nối công chúng trong những ngày giãn cách xã hội. 

Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền
Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền

Theo Hà Đào, thành viên của Matca, về mặt kỹ thuật, việc scan 3D không hề phức tạp, chỉ cần chân máy, máy ảnh 360 và một tài khoản trên nền tảng Matterport (có mất phí). “Tất nhiên, cũng cần có chút kinh nghiệm để scan không gian kỹ hơn thì sẽ có trải nghiệm di chuyển mượt hơn, cũng như dùng các tính năng khác như gắn văn bản, hình ảnh, video vào triển lãm để khán giả có thể tiếp nhận đầy đủ thông tin”, Hà Đào chia sẻ. 

“Chúng tôi chọn làm phiên bản 3D của triển lãm thực, vì cho rằng đây là cách tư liệu hóa triển lãm hiệu quả nhất. Những triển lãm giả lập hoàn toàn (chẳng hạn trên nền tảng Kunstmatrix phổ biến) không đem lại cảm nhận về kích thước, ánh sáng, cảm giác đi lại trong không gian... nên chúng tôi không lựa chọn phương thức đó”, Hà Đào thông tin thêm.

Nắng sau rèm - bộ ảnh nude mới nhất của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Thái Phiên vừa đưa lên online với công nghệ 3D, diễn ra tới hết ngày 15/7. Theo Thái Phiên, đây là dạng triển lãm online mà khi vào, người xem có cảm nhận như đang ở giữa một triển lãm thực sự. Bước đầu, anh chỉ đưa 28 bức ảnh thuộc thể loại nude yoga để thử nghiệm; và sau này sẽ tiếp tục đưa lên tiếp.

“Khi vào phòng trưng bày, khán giả bắt đầu ở vị trí cửa của nhà triển lãm. Dần đi vào, họ sẽ bắt gặp các bức tranh treo ở vị trí các tường, sàn nhà... Khán giả có thể click trực tiếp lên bức ảnh để “dừng chân” ngắm ảnh ở nhiều góc độ, hoặc rẽ trái - phải xem các tác phẩm khác...”, nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho hay. Được biết, sau triển lãm ảnh 3D này, Thái Phiên sẽ tổ chức sự kiện ra mắt bộ sách ảnh nude chủ đề yoga. Anh cũng đang dự định thực hiện bộ ảnh nude về những vũ công ballet.

Công cụ kết nối trong mùa dịch

Công nghệ scan 3D từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như bất động sản hay giải trí, thời gian gần đây mới trở thành công cụ để tư liệu hóa không gian, triển lãm và tác phẩm nghệ thuật, một phần do dịch COVID-19. Những công trình văn hóa như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có tour 3D tương tự, và đây là tín hiệu rất đáng mừng. 

Một góc triển lãm Nhứng gì giá trị
Một góc triển lãm Nhứng gì giá trị

Nói về hiệu ứng của phiên bản 3D, đại diện không gian nhiếp ảnh Matca cho biết, cả nghệ sĩ và khán giả đều hào hứng đón nhận, có thể chính vì tính mới lạ của nó. Bản thân thiết kế của nền tảng Matterport mà Matca chọn, hướng đến đại chúng nên khá đơn giản và dễ sử dụng, khuyến khích khán giả tương tác như khi chơi game. 

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, việc giãn cách dễ làm con người trở nên căng thẳng hơn, nghệ thuật càng thể hiện vai trò của nó như một dạng trị liệu tinh thần. Nhiều hoạt động, cũng như sáng tạo bị “đóng băng” hoặc ngại ngần công bố vì lo không có khán giả, công chúng lại “đói” các sự kiện nghệ thuật để giải trí, học hỏi; thì phiên bản 3D này trở thành công cụ hữu hiệu hơn bao giờ hết trong việc kết nối nghệ thuật - nghệ sĩ - công chúng. Đó cũng là một gợi ý cho các lĩnh vực khác, để hoạt động văn hóa - nghệ thuật có thể thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, và không bị gián đoạn bởi dịch bệnh hay bất cứ thiên tai nào gây ra.

Không chỉ xem được những triển lãm trong nước, công nghệ này cũng cho phép mọi người có thể du ngoạn các bảo tàng, các triển lãm đang diễn ra trên thế giới mà thông thường sẽ hiếm khi họ có được cơ hội. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI