Công lý và nhân nghĩa

12/08/2016 - 11:47

PNO - Chỉ trong vòng một tháng, thành phố này phải chứng kiến hai vụ xử án mà ở đó người dân thấp cổ bé họng trở thành những thân phận khốn khổ trong tay các quan tòa quyền cao chức trọng.

Đó là hai trẻ vị thành niên giật bánh mì trị giá 35.000 đồng bị xử tù giam, và giờ là một phụ nữ ba con, có một con bị chấn thương sọ não, với hành vi xô xát gây thương tích 13% mà bị tăng án từ chín tháng lên bốn năm tù.

Tình tiết vụ án không cần nhắc lại thì mọi người cũng đã rõ. Hành vi xô xát của chị Vân với những người trong xóm dưới góc nhìn xã hội cũng chỉ là những vụ gây gổ không đáng có xảy ra hàng ngày đó đây. Vụ việc phải ra tòa. Phiên sơ thẩm chị bị kêu án chín tháng tù. Một người mẹ với ba con, lại vừa sinh đứa thứ ba, trong đó có một đứa trong hoàn cảnh thương tâm, đã như bấn loạn khi bỗng dưng biết mình phải ngồi tù bỏ lại ba đứa con. Tai họa ập đến lần thứ hai khi chưa kịp biết cuộc đời phía trước sẽ đi về đâu thì chị được thư ký tòa gợi ý chạy án.

Cong ly va nhan nghia
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Một phụ nữ nghèo mưu sinh cho gia đình, dư giả tiền bạc là chuyện nằm mơ chưa thấy, nên lại càng quá xa lạ với khái niệm chạy án. Không chung tiền thì phải ngồi tù, không muốn bỏ con thì phải nạp tiền. Ai ở trong hoàn cảnh đó mới biết được sự khốn cùng của thân phận nghèo. Trong sự cùng cực bế tắc, như một sự vô tình của số phận nên vụ việc được phía công an nắm bắt. Chị nghĩ mình sẽ được minh oan, hay ít nhất cái bản án được tuyên từ vị quan tòa phúc thẩm công minh hơn sẽ được thay đổi đúng với mức độ hành vi vi phạm của mình.

Nhưng tai họa ập đến lần thứ ba. Công an bắt quả tang chồng thư ký tòa nhận tiền chạy án. Trong khi cái “đường dây” chạy án đó chưa bị xử lý thì chính chị lại bị tòa phúc thẩm kêu tăng án từ chín tháng lên bốn năm tù giam cùng với một hành vi cũ. Trong lịch sử ngành tòa án Việt Nam, dường như chưa có vụ án nào mà tòa phúc thẩm lại tăng án lên gấp năm lần cho một hành vi như vụ án này.

Nhân dân giao cho họ cái quyền nhân danh pháp luật để xét xử tội phạm, là để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên, bảo vệ sự công bằng… Mặc dù việc vận dụng các điều luật là có thể khác nhau, nhưng áp dụng pháp luật là phải công bằng. Chính vì vậy đất nước mới cần những quan tòa am hiểu và có tâm. Trong trường hợp chị Vân, liệu có cái lý nào để giải thích cho việc phải tăng án lên gấp năm lần? Có phải chị Vân là người không còn nhân tính, hành vi vi phạm là cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi phải cách ly khỏi xã hội? Hay chỉ còn một cách hiểu là việc tố cáo thư ký tòa chạy án khiến chị Vân phải trả giá?

Người dân thành phố này đang cùng lãnh đạo chung tay xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đó cũng là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, ban ngành, trong đó có tòa án. Chất lượng sống tốt không đơn thuần là môi trường trong lành, hạ tầng hoàn thiện, đời sống người dân nâng cao mà còn có môi trường pháp lý trong sạch. Ở đó, người dân phải được bảo vệ trước hiểm nguy để có một cuộc sống an toàn trong mọi hoàn cảnh. Khi mà người dân còn uất ức, oan khiên; vẫn phải bị gợi ý chung tiền chạy án; vẫn còn bị “trả giá” vì thân phận khốn khó của mình thì chất lượng sống tốt còn quá xa xôi.

Trút bỏ áo quan tòa, họ vẫn sẽ về với cuộc sống đời thường, cũng sẽ chứng kiến biết bao hoàn cảnh như chị Vân, mà biết đâu là ngay cả những người thân của họ. Tin rằng khi ấy, ai cũng sẽ bình tâm hơn để có thể biết được mỗi một phán quyết nhân danh công lý của mình đòi hỏi sự liêm chính cao nhất. Khi chính họ nhận thức được điều đó, hiểu được công lý và nhân nghĩa, thấu được nhân quả cuộc đời mà vẫn tiếp tục khiến cho sự oan khiên tiếp nối thì đó chính là sự tha hóa không điểm dừng.

Nguyễn Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI