Công lý nào cho những đứa trẻ ngớ ngẩn vì nhiễm độc chì ở Trung Quốc

20/06/2017 - 06:00

PNO - Hơn 300 đứa trẻ ở một thị trấn của Trung Quốc đều có chung một chứng bệnh: mất trí, còi xương, thiếu máu, động kinh vì uống chung một dòng nước nhiễm độc.

Cậu bé Wang Yifei không còn có thể nhận ra giọng của mẹ nữa. Với dáng người nhợt nhạt chỉ còn da bọc xương như biến mất trong chiếc áo khoác mùa đông, những lời cậu nói ra phần lớn là hằn học, chửi rủa, la hét – ngôn ngữ của bệnh tật. Không nhận thức được không gian xung quanh, cậu bé vừa đi vừa trượt ngã.

Cong ly nao cho nhung dua tre ngo ngan vi nhiem doc chi o Trung Quoc
Nhà máy vật liệu hoá chất Meilun tại Dapu, trung tâm tỉnh Hồ Nam, hiện nay đã đóng cửa. Nhà máy này sản xuất hoá chất phục vụ cho ngành sơn, mỹ phẩm, và bị chỉ trích vì khiến hàng trăm trẻ em trong vùng bị nhiễm độc. Ảnh: New York Times.

Khi Wang Yifei ra đời 5 năm trước, gia đình cậu bé trông chờ một tương sáng lạn cho con. Để chắc chắn cậu bé sẽ gặp thật nhiều may mắn, họ thực hiện một nghi thức được tổ tiên dẫn dắt bao đời nay: mẹ Yifei bước trên than nóng vào ngày cưới và lót cũi của đứa trẻ bằng vải màu trắng để đuổi linh hồn quỷ dữ.

Nhưng Yifei vẫn mắc bệnh, giống như hơn 300 đứa trẻ khác trong thị trấn Dapu có dân số 62 nghìn người ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, cậu bé bị điếc, gặp khó khăn trong việc nói năng và đi lại. Nhiều đứa trẻ khác cũng mắc bệnh còi xương, thiếu máu và động kinh.

Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, các bác sĩ khẳng định những đứa trẻ này bị nhiễm độc chì, nạn nhân của chính nhà máy Vật liệu hóa chất Meilun chuyên sản xuất thuốc màu cho màu vẽ và phấn trang điểm ở gần đó. Thất vọng, bức xúc và muốn đòi lại công bằng, hàng chục hộ dân trong thị trấn chuẩn bị kiện nhà máy.

Nhưng ở Dapu, cũng như nhiều vùng nông thôn khác ở Trung Quốc, ngành công nghiệp hóa chất chính là xương sống của nền kinh tế phát triển trên mức trung bình trong nhiều năm nay. Nhiều quan chức chính quyền dựa vào nhà máy Meilun để trục lợi, cả về kinh tế lẫn chính trị. Đáng nói hơn, họ từng bất chấp ô nhiễm môi trường để giữ lấy các nhà máy.

Cha của Yifei, ông Wang Jiaoyi, chưa từng nghĩ về mặt trái của vụ kiện. Nhưng sau khi biết được nguy cơ mất việc đóng gói rau ở nông trại, ông còn chứng kiến côn đồ đứng ngay trước cửa nhà buông ra những lời đe dọa rùng mình. Sau nhiều tháng trời sống trong sợ hãi, ông Wang quyết định từ bỏ vụ kiện.

Ông nói: “Chúng tôi không có cách nào để thắng cả. Trên đời này làm gì có công lý.”

Sau một thập kỷ đầu tư vào ngành sản xuất hóa chất độc hại do các công ty ở các nước giàu có xuất khẩu,  Trung Quốc hiện là nước sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, đáp ứng tới 1/3 nhu cầu của cả địa cầu.

Nhưng khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh phát triển ngành này, họ cũng phải vật lộn với những tác động tiêu cực của nó vào môi trường. Vô tình hay hữu ý, ngành công nghiệp hóa chất đã lơ là việc giám sát cũng như buộc các công ty, nhà máy phải công khai danh mục hóa chất mà họ sản xuất.

Ủy ban môi trường địa phương lúc nào cũng thiếu nhân sự, trì trệ và yếu ớt. Ngay cả khi các công ty nhận thức được trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, các biện pháp đưa ra cũng không giải quyết đúng và đủ nhu cầu của nhiều nạn nhân, mà điển hình là trường hợp của Meilun.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Ma Jun, một nhà hoạt động môi trường nổi bật ở Trung Quốc cho biết: “Tí hon sao dám đối địch với người khổng lồ.”

Cong ly nao cho nhung dua tre ngo ngan vi nhiem doc chi o Trung Quoc
Ảnh chụp từ Google cho thấy những nạn nhân bị nhiễm độc sinh sống gần khu vực nhà máy.

Dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ đã hứa đòi lại quyền lợi chính đáng cho dân chúng, thậm chí phát động một cuộc chiến chống ô nhiễm và ban hành đạo luật vào năm 2015 để hỗ trợ người dân về mặt pháp lý, buộc các công ty vi phạm bồi thường cho nạn nhân, cũng như làm sạch khu dân cư.

Bằng cách cho phép các nhóm hoạt động phi lợi nhuận tập hợp những vụ kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường, đạo luật mới này đã cân bằng tình thế cho người dân. Các nhà hoạt động vì môi trường rất vui mừng trước đột phá này.

Giới tinh hoa xem các nạn nhân của ô nhiễm môi trường như kẻ thù. Họ sẽ làm mọi thứ có thể để phá hoại dân đen vì mục đích duy trì sức mạnh và lợi ích của mình - Luật sư Wang Zhenyu

Nhưng từ lúc đó đến nay, người ta vẫn chưa nhận thấy nhiều thay đổi. Trong hệ thống toà án tại Trung Quốc, Đảng có sức chi phối tới quyết định của thẩm phán, gây ảnh hưởng lên các vụ việc liên quan đến Đảng viên, dù là chính trị hay tài chính.

Cảnh sát, dưới sự chỉ huy của chính quyền địa phương, thường xuyên quấy rầy luật sư cùng các nhà hoạt động nhằm ngăn cản họ kiện tụng. Không chỉ thế, chính phủ còn quyết định nhóm phi lợi nhuận nào có thể tập hợp các vụ kiện vì lợi ích công.

Kết quả là, những người chống lại ngành sản xuất hóa chất hiếm khi chiếm ưu thế.

Wang Zhenyu, một luật sư ở Bắc Kinh đã giúp đỡ nạn nhân của ô nhiễm môi trường trong nhiều vụ án, cho rằng đạo luật mới đã không thể ngăn chặn “giới tinh hoa” can thiệp vào vấn đề môi trường.  

Những dấu hiệu đáng buồn

Mọi giáo viên, nhân viên của trường Tiểu học Dapu đều hoảng hốt và lo sợ. Học sinh, cũng chính là con em họ, có dấu hiệu tăng động và mất trí nhớ ở mức báo động. Mặc cho các giáo viên dành hàng giờ giảng giải toán học, địa lý, chỉ sáng hôm sau thôi là phần lớn học sinh sẽ quên hết.

Để tìm kiếm lý do và giải pháp, cha mẹ của những đứa trẻ này đưa con tới các bệnh viện lớn ở thành phố Changsha, thậm chí ở Thượng Hải cách thị trấn gần 1000km. Khi bác sĩ xem xét nghiệm máu, họ phát hiện ra: Những đứa trẻ đều có lượng chì trong máu cao hơn bình thường nhiều lần. Vào mùa xuân năm 2014, thị trấn Dapu có tới hơn 300 trẻ em được chẩn đoán nhiễm độc chì.

Trong nhiều năm, cư dân thị trấn không ngừng buộc tội nhà máy Meilun đã làm ô nhiễm cả khu vực rộng lớn. Sự thật đã rõ ràng, nhà máy thuốc màu này nằm ngay ở trung tâm thị trấn đông đúc, là trái tim bơm thứ máu đen, đầu độc hàng nghìn hộ gia đình, nông trại và ruộng vườn.

Cong ly nao cho nhung dua tre ngo ngan vi nhiem doc chi o Trung Quoc
Con phố chính ở thành phố Dapu.

Trong quá khứ, khi cư dân thị trấn kiến nghị về việc vận hành nhà máy quá gần với dân cư và trường học, chính quyền địa phương khăng khăng làm ngược lại như thách thức cộng đồng. Một phần lý do là vì Meilun giải quyết việc làm cho khoảng 100 người, và nhả ra hàng trăm nghìn đô-la tiền thuế.

Điệp khúc ấy đang lan rộng ra khắp Trung Quốc. Hàng nghìn nhà máy hóa chất đang mọc lên bất chấp các chung cư, hộ dân, sông suối và nông trại.

Trung Quốc cấm xử lý hóa chất độc hại trong bán kính 1km từ đường quốc lộ và khu vực dân cư, nhưng luật này thường xuyên bị vi phạm. Việc thi hành luật lỏng lẻo còn dẫn đến hàng loạt tai nạn, bao gồm vụ nổ chết người tại một nhà máy ở Tianjin 2 năm trước, một trong những thảm họa công nghiệp kinh hoàng nhất lịch sử Trung Quốc.

Ở thị trấn Dapu, rất ít công ty có thể cạnh tranh với sức ảnh hưởng của nhà máy Meilun. Khi nhân viên của văn phòng môi trường địa phương cáo buộc nhà máy tội vi phạm luật khí thải vào năm 2013 và 2014, chủ nhà máy phản đối bằng cách gọi điện cho lãnh đạo cấp cao của huyện Hengdong. Những người thực thi luật pháp đành bỏ dở vụ việc.

Khi bức xúc trong dư luận gia tăng, Đài Truyền hình Miền Trung Trung Hoa, một đài có sức ảnh hưởng trong khu vực, cho phát sóng một bản tin tóm tắt về các vấn đề ở Dapu, đồng thời đưa tin về các em học sinh thường xuyên đau dạ dày và buồn nôn.

Trong bản tin, Su Genglin, lãnh đạo chính quyền Dapu, tuyên bố những học sinh này bị ngộ độc do nhai bút chì, dù bút chì chứa than chì chứ không phải chì.

Bản tin làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng, buộc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động.

Nhưng ông Su thì vẫn tại chức, và theo các nhà hoạt động vì môi trường địa phương, chính quyền vẫn chưa có kế hoạch để làm sạch vùng đất bị nhiễm độc nặng nề.

Ngày càng nhiều trẻ em đau đớn vật vã vì các triệu chứng liên quan đến ngộ độc chì. Trước tình hình này, chính phủ cung cấp sữa miễn phí cho họ, với niềm tin vô căn cứ rằng sữa sẽ giúp thải chì ra khỏi cơ thể (?).

Một buổi sáng, bà Mao Baozhu, 63 tuổi, ở nhà trông cháu trai mắc bệnh đau dạ dày mãn tính và mất trí. Gia đình họ sống trên con đường nhỏ dẫn đến nhà máy Meilun, và đó là lý do đứa trẻ vô tội có lượng chì gấp 6 lần mức độ an toàn cho phép, một trong những trường hợp nặng nhất ở Dapu.

Bà Mao nhớ lại quá khứ khi còn trẻ, vô lo vô nghĩ dạo chơi giữa rừng cây tuyết tùng. Còn bây giờ, miền quê tươi đẹp ngày nào chỉ còn trơ trọi gốc cây và những bụi hoa nhài dại đã tuyệt cả mùi hương. Nắm tay cháu trai, bà nói: “Đây không phải cuộc sống mà chúng tôi mong đợi.”

(Còn nữa)

Ngọc Anh (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI