Công Lý mặc quần chíp lên bìa sách luật: lại chuyện con voi chui lọt lỗ kim

18/11/2014 - 11:12

PNO - PNO – Một chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt và chắc chỉ có ở Việt Nam: hình nghệ sĩ hài Công Lý đang mặc một chiếc quần chíp được in hẳn lên trang bìa của cuốn sách luật “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi...

Trên bìa cuốn sách luật, hình ảnh nghệ sĩ hài Công Lý đứng trên một quả cầu lửa, khuôn mặt rạng rỡ, hai tay cầm hai cán cân và trên người chỉ mặc một cái quần… chíp (ảnh).

Một hình ảnh phản cảm, báng nhạo luật pháp, công lý lại xuất hiện trên bìa một cuốn sách luật.

Cong Ly mac quan chip len bia sach luat: lai chuyen con voi chui lot lo kim

Thực ra, đây là một hình ảnh ghép bằng photoshop vui của một bạn trẻ trên diễn đàn trên mạng từ năm 2012. Và không biết sao, trong lúc chọn hình ảnh làm bìa sách, có thể những người có trách nhiệm đã search hình ảnh trên Google và vô tư đem in.

Giám đốc NXB LĐ - XH Nguyễn Hoàng Cầm cho hay đây là lỗi của đơn vị liên kết, Nhà sách Lao Động.

Nhà sách Lao Động đã đem in, nộp lưu chiểu và phát hành ra thị trường từ tháng 7/2014. NXB đã phát hiện ra lỗi trên trang bìa này và ra văn bản, yêu cầu nhà sách Lao Động dừng phát hành và thu hồi sách từ tháng 7/2014.

Tuy nhiên, những sai phạm mà NXB LĐ - XH phát hiện ra chưa được báo cáo lên Cục xuất bản. Công việc thu hồi sách diễn ra âm thầm, cho đến nay, khi vụ việc vỡ lở, người ta nhìn bìa cuốn sách luật mà ngỡ ngàng: hóa ra ở Việt Nam, pháp luật, công lý chỉ là một diễn viên hài có tên… Công Lý.

Một cuốn sách luật chứ không phải những câu chuyện hài hước với những bức ảnh được “chế” trên mạng. Sự nghiêm minh, cần phải thận trọng, chính xác tuyệt đối của luật pháp đang bị những người vô trách nhiệm biến thành trò đùa.

Nghệ sĩ Công Lý thì ngỡ ngàng, anh chưa từng được bất cứ một ai đặt vấn đề in hình mình lên sách, càng “sốc” hơn khi hình ảnh mình được chế tác phản cảm trên lại xuất hiện trên sách luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh mình trong mắt công chúng.

Nghệ sĩ Công Lý không kiện bạn trẻ đã “sáng tạo” hình ảnh của mình trên diễn đàn mạng, nhưng đang chờ lời xin lỗi thỏa đáng từ NXB LĐ - XH và Nhà sách Lao Động.

Vụ việc cho thấy việc kiểm soát sách liên kết quá lỏng lẻo. NXB LĐ - XH đổ lỗi cho nhà sách đã tự ý phát hành và còn viết sai tên sách, cắt bớt từ “tìm hiểu” (theo NXB, cuốn sách phải có tên là “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014).

Thông thường, để một cuốn sách được phát hành ra thị trường, sau khi in ấn xong xuôi, nó phải được đưa về NXB để kiểm duyệt sau cùng. Thế nhưng, cuốn sách này đã “bay” từ nhà in ra ngoài thị trường, đến tay người đọc; đến nay dù được lệnh thu hồi nhưng vẫn chưa thu hồi xong, Cục xuất bản thì không hay biết. “Con voi” to thế mà vẫn qua “lỗ kim”?

Có chuyện cuốn sách “Hỏi đáp nhanh trí” - NXB Văn hóa Thông tin ấn hành, NXB nói dừng in ấn năm 2011, năm 2013 có công văn thu hồi nhưng đến nay vẫn trôi nổi ngoài thị trường dăm cuốn. Không may, nhiều học trò đến nay vẫn còn mua phải và đọc được.

Trong cuốn sách có những câu hỏi rùng rợn như “Anh A bị chặt đầu năm 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?” - Đáp: “Bị mồ côi”. Hỏi “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ thế nào?” - Đáp: “Biến đổi chiều cao”.

Công Lý có thể kiện để đòi công lý cho mình. Nhưng độc giả - nếu vô tình mua phải những cuốn sách nguy hiểm từ trang bìa tới trang ruột như kể trên, biết kiện ai?

NGUYỄN THÚY HẰNG (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI