Công lý không thuộc về kẻ mạnh

18/07/2016 - 06:08

PNO - Những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn cứ ngang nhiên diễn ra. Như một kẻ cố tình đi vào đường một chiều, bất chấp bảng cấm, bất chấp dòng lưu thông thuận chiều, đúng luật. Bất thường.

Ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12/7, nhiều quốc gia, tổ chức và các học giả uy tín trên thế giới đã chính thức lên tiếng hoan nghênh thái độ và nội dung của phán quyết - xác lập điểm nhìn, nền tảng pháp lý một cách khoa học, minh bạch, cụ thể - cho Biển Đông, về Biển Đông, vì Biển Đông. Sự đồng thuận mang tính toàn cầu tiếp tục được thể hiện trong suốt những ngày sau.

Cong ly khong thuoc ve ke manh
Công lý thuộc về sức mạnh lẽ phải. Ảnh: Zing.vn

Ngày 15/7, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Fedirica Mogherini đã ra tuyên bố: “Các bên cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình và theo đuổi chúng theo cách tôn trọng và phù hợp luật pháp quốc tế”. Cùng ngày, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng, trật tự quốc tế phải dựa trên luật lệ. Ngày 16/7, tuyên bố chung của ASEM khẳng định tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Đáp lại, phía Trung Quốc - ngày 15/7, báo chí nước này đưa tin, Bắc Kinh có kế hoạch phát triển một loạt cơ sở điện hạt nhân ngoài khơi nhằm thúc đẩy phát triển ở Biển Đông; ngày 16/7, Tân Hoa xã đưa tin Tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã lắp đặt xong trạm phát sóng 4G phi pháp trên đá Xu Bi và đã hoàn tất phủ sóng 4G cho cả bảy bãi đá mà nước này chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam…

Những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn cứ ngang nhiên diễn ra. Như một kẻ cố tình đi vào đường một chiều, bất chấp bảng cấm, bất chấp dòng lưu thông thuận chiều, đúng luật. Bất thường.

Cong ly khong thuoc ve ke manh
Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7. Ảnh: TTXVN.

Bất thường hơn nữa là ngay trong những “tuyên bố” về phía mình, Trung Quốc cũng đưa ra những “thống kê” thiếu chính xác. Thậm chí, theo Tiền Phong (16/7), Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bên lề của ASEM rằng, Thủ tướng Campuchia nói với Thủ tướng Trung Quốc, Campuchia không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn đã trả lời chính thức với Reuters: “Chúng tôi không liên quan vụ kiện và chỉ muốn duy trì chính sách trung lập”.

Một sự “phân hóa” ngay trong một quan điểm, một phát ngôn mang tính quốc thể?

Hay tiếp theo những hành động ngụy tạo trên biển, lại là những ngụy ngôn trên những diễn đàn khu vực, quốc tế không chính thức?

“Chiến tranh không phải là một sự lựa chọn” (phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào ngày 14/7). Và những tuyên bố, những hành vi gây căng thẳng, tạo xung đột, nhằm áp đặt, đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông cũng như theo đuổi chúng không bao giờ là “sự lựa chọn” và quyết định từ một phía.

Cong ly khong thuoc ve ke manh
Công lý không thuộc về kẻ mạnh.

Trật tự của thế giới vốn dĩ xây dựng trên nền tảng của luật định. Trật tự trên biển lại càng được xác lập trên những chỉ số pháp lý, cứ liệu lịch sử và thực thể trên biển. Xin đừng ngô nghê (hay giả ngô nghê) nhìn theo “con mắt thường tình” để không phân định lằn ranh hữu hình trên trời - dưới nước để xóa nhòa mọi biên giới - chủ quyền, không tôn trọng tự do hải hành, tự do bay.

Các quốc gia chỉ có thể kẽ vùng đặc quyền kinh tế của mình từ đường cơ sở trở ra đến 200 hải lý. Nguyên tắc phân định ranh giới biển của quốc tế hiện nay là lấy đường cơ sở là trạng thái địa lý bờ biển bao gồm cấu hình bờ biển, độ dài bờ biển. Mọi lập luận, tự tuyên bố về cái gọi là “từ cổ đại”, “của tổ tiên”… nếu không bắt nguồn từ chứng tích lịch sử, quy định thực thể biển thì đều không có giá trị pháp lý. Một khi anh ngụy tạo văn hóa, ngụy tạo lịch sử thì anh chính là một sản phẩm của lịch sử ngụy tạo!

Cũng cần nói thêm, quyền lịch sử là tiếng nói của những chứng cứ, dữ liệu lịch sử; nó được đặt trong một vùng bối cảnh - đại đồng văn (grand contexte) với những đồng nhất lẫn dị biệt văn hóa - lịch sử của nó. Quyền lịch sử không phải là “sản phẩm” nhất thời, lại càng không thể là những ngụy tạo, những cuộc chạy đua, vượt tắt để đốt cháy thời gian, không gian hay huyễn hoặc những trầm tích biến thiên của lịch sử.

Ở một khía cạnh nào đó, thần thoại dân tộc, với tính vô ý thức của nó, vẫn ít nhiều mang màu sắc “lịch sử” của chính dân tộc đó. Câu chuyện thần thoại Trung Hoa kể về con gái của Viêm đế đi chơi ở Biển Đông bị chết đuối, nàng hóa thành chim Tinh Vệ, ngày ngày ngậm cành cây, viên sỏi ước ao lấp biển. (1)

Nhưng ước mơ ấy là ý chí để nàng công chúa nhỏ không bị yếu trong nước (chữ “nịch” - chết đuối - là hội ý của bộ “thủy” - nước và chữ “nhược” - yếu) (2), là sức mạnh để tồn sinh, để vượt qua mọi khó khăn, thử thách chứ không phải là để truyền trao cho cháu con Tinh Vệ ngày nay cái tham vọng soán biển, độc chiếm Biển Đông!

Con người là một sản phẩm của tự nhiên, là một phần của tự nhiên. Thông qua hệ thống chuẩn mực trong lối sống, thế ứng xử của con người với tự nhiên, với vũ trụ, với chính con người mà hình thành nên văn hóa của con người. Không thể khác.

Trong nội dung thứ 4 của phán quyết, tại điểm C, Tòa Trọng tài xác định việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô.

Sự hủy hoại, vốn rất gần với sự hủy diệt. Tham vọng của con người đã hủy diệt thiên nhiên, và cả chính họ.

Không thể tách ra khỏi dòng chảy của nhân loại, dị biệt với những chuẩn mực, yêu cầu chung của thế giới, nghiễm nhiên, chễm chệ với cái “vị thế” tự tôn; mà được gọi tên đó là một ứng xử có văn hóa. Hay dễ chừng đó lại là một biến thể dị chủng của “văn hóa”?

Khổng Tử của xứ Trung Hoa đã từng nói: “Trí giả nhạo thủy” (bậc trí giả thì vui thích khi xem nước). Con cháu của Khổng Tử liệu chừng khi “xem nước” có là để "xem lại" cách hành xử của mình với “tứ hải”, để tự răn mình “biên giới biển Trung Quốc không được vạch đến tận cửa nhà người khác” (phát biểu của cố Cục trưởng Hải dương Trung Quốc trong bài viết của học giả Lý Lệnh Hoa).

*

Việc giải thích và áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 - thông qua phán quyết lịch sử ngày 12/7/2016 đã cho thấy công lý chỉ có Một. Công lý không thuộc về kẻ mạnh. Công lý thuộc về sức mạnh của lẽ phải. Và hành trình thực thi công lý ấy, tuy không dễ dàng, không mau mắn nhưng đã có những điểm son cắm mốc minh bạch, xác đáng, khách quan.

Cũng như chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi từ 50 năm trước. Chân lý ấy chỉ có Một.

Không gì cao quý hơn độc lập tự do. Không gì cao cả hơn cuộc trường chinh để bảo vệ tự do, độc lập của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ quyền thiêng liêng, bất diệt.

Lê Huyền Ái Mỹ

(1) và (2): Thường Nhiên - Nghĩ từ thần thoại - Phụ Nữ Xuân 2015.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI