Công khai tên phụ huynh vi phạm pháp luật là quyền được biết của xã hội

12/04/2019 - 09:52

PNO - Bên cạnh các đối tượng tham gia nâng điểm đã bị khởi tố, dư luận cho rằng cần công khai danh tính phụ huynh và xem xét trách nhiệm của thí sinh trong câu chuyện gian lận điểm thi nghiêm trọng này.

Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của luật sư (văn phòng luật sư Thế giới pháp luật, Đoàn Luật sư TP.HCM).

Theo tôi, đối với phụ huynh có con được nâng điểm, không phân biệt là con quan chức, cán bộ ở địa phương, nếu có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất có giá từ trên hai triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác thì có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật Hình sự. Ở đây, lợi ích phi vật chất khác có thể ví dụ như hứa hẹn cho thăng chức vụ trái quy định...

Còn nếu quan chức dùng chức vụ, quyền hạn của mình để gây sức ép đối với cấp dưới để cấp dưới thực hiện việc nâng điểm cho người nhà của mình thì có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.

Cong khai ten phu huynh vi pham phap luat la quyen duoc biet cua xa hoi

Công an khám xét nơi ở của bà Nguyễn Thị Hồng Nga (SN 1967), Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng- sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, Thư ký ban Chỉ đạo- Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.

Đối với học sinh, ngay cả khi biết cha mẹ mình “mua” điểm, thì cũng không thể xử lý hình sự được, dù về bản chất đó là hành vi không tố giác tội phạm. Bởi vì con cái là đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác hành vi phạm tội của cha hoặc mẹ, trừ các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng.Trong trường hợp, nếu vì muốn lấy lòng cấp trên mà cấp dưới tự ý thực hiện nâng điểm cho người nhà của cấp trên nhưng cấp trên không biết thì không thể xử lý hình sự cấp trên có con cháu được nâng điểm ấy được.

Về việc công khai tên họ trong vụ việc này, tôi cho rằng việc nêu tên những phụ huynh có hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết. Bởi hai lý do, thứ nhất đó là quyền được biết, được thông tin của người dân. Đó là đòi hỏi hợp lý của xã hội. Thứ hai, về mặt pháp lý, không có quy định nào yêu cầu phải “bảo vệ” thông tin cá nhân của những người đã thành niên mà có hành vi vi phạm pháp luật cả. Và trong trường hợp hành vi phạm pháp hình sự thì việc xét xử, cho đến bản án đều phải được công khai.

Đối với học sinh mới tốt nghiệp THPT, đa số chưa đủ 18 tuổi. Do đó, không nên nêu tên các em. Xã hội cần rộng lượng và cho các em một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của cha mẹ, mặc dù các em có thể biết việc cha mẹ mình “mua” điểm.

Quốc Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI