Công khai tài sản trên báo, đài: Bổ sung vào luật phòng, chống tham nhũng

27/05/2016 - 08:26

PNO - Đề xuất này nên áp dụng cho cả nước và cần bổ sung vào luật phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản báo cáo kết quả việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản.

Trong đó, UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu các hình thức công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi công tác và tại địa phương nơi sinh sống (thông qua hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) để người dân, xã hội có điều kiện thực hiện việc giám sát, qua đó góp phần phát hiện những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không trung thực.

Cong khai tai san tren bao, dai: Bo sung vao luat phong, chong tham nhung
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng.

Liên quan đến đề xuất này, phóng viên Báo Phụ Nữ TP HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng. Ông Đạt cho rằng, trước đây có hai hình thức công khai tài sản là công khai trong cuộc họp và công khai tại trụ sở, đơn vị, và ông cũng rất hoan nghênh đề xuất công khai nơi cư trú.

Ông Đạt cho biết: "Nếu theo Nghị quyết của Đảng công khai nơi cư trú, chọn hình thức công khai đảm bảo an toàn, công khai để người dân biết được thì hoan nghênh, tốt, không có vấn đề gì cả". Bởi: "Một là đảm bảo vấn đề công khai dân biết được. Thứ hai đảm bảo an toàn phòng chống lợi dụng. Nếu theo quy định của pháp luật thì hoan nghênh, tốt".

Cũng cùng quan điểm ủng hộ đề xuất trên, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch tán thành: "Tôi nghĩ là, nếu làm được thì tốt. Cái này, vấn đề là không chỉ riêng thành phố, cái chung cho quy định trong phòng chống tham nhũng. Bây giờ làm chung, thống nhất nên công khai quan chức cấp tước nào cần công khai.

Ý kiến này tôi ủng hộ, quan chúng tôi ủng hộ, và cái này liên quan đến luật phòng chống tham nhũng".

"Chủ trương đó không có vấn đề gì, công khai thì phải đạt yêu cầu là dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, phải đảm bảo an toàn, đảm bảo quy định về pháp luật. Không được lợi dụng việc công khai ấy để bôi nhọ, bếu riếu. Vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề khác phải đảm bảo được.

Một trong những vấn đề là, đây là biện pháp phòng ngừa, là một trong những giải pháp phòng ngừa, tài sản phải được công khai minh bạch, mà càng minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, càng giúp cho việc dân giám sát, phản ánh, cung cấp được những việc không trung thực, thậm chí là tiêu cực. Người ta phản ánh cái đó thì tốt quá chứ có gì đâu. Nó là giải pháp quan trọng trong trong phòng chống tham nhũng chứ", Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng phân tích thêm.

Cong khai tai san tren bao, dai: Bo sung vao luat phong, chong tham nhung
Cần công khai kê khai tài sản quan chức trên báo, đài. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Trọng Đạt cũng chỉ ra: "Khái niệm dân ở đây không chỉ là người dân bình thường, người dân cùng cơ quan cũng là người dân. Chứ không phải người dân mãi ở tỉnh này tỉnh khác thì làm sao biết được tài sản của cán bộ trên này thì công khai làm gì? 

Khi người ta biết được thì người ta mới giám sát, phản ánh được chứ, còn người dân ở nơi khác không biết gì thì người ta biết thế nào mà phản ánh. .

Thế nên bây giờ chủ trương công khai minh bạch là đúng, rất tốt, nhưng thực ra minh bạch đối với dân thì phải có quy định rất cụ thể, dân như thế nào thì có thể giám sát được phục vụ".

Nói về vấn đề công khai như thế nào, ông Lịch cho hay: "Vấn đề ở đây không phải là công khai báo đài hay không báo đài. Mà xem cái đó là công khai có nghĩa là, ai muốn biết thì các cơ quan công khai một cách thoải mái...

Chứ nếu kê khai thì báo, đài sức đâu mà đăng hàng triệu người. Nhưng vấn đề quy định đây là gì, tức là khi báo đài muốn, cần tìm hiểu và họ cần thông tin công khai thì họ được quyền công khai cái đó. Cái đó nguyên tắc là vậy, chứ trên báo đài đăng hàng triệu người thì làm sao họ quan tâm hết, quan tâm khi nào, với ai thì được quyền công khai".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI