Công khai ngân sách nhà nước: Cần minh bạch thêm nợ công

03/10/2016 - 12:04

PNO - TS Bùi Quang Tín cho rằng, ngoài việc đề cập tới công khai, minh bạch ngân sách thì Bộ Tài chính cũng như các cơ quan quản lý có trách nhiệm cần đặt thêm vấn đề công bố nợ.

Phải công khai minh bạch

Trong Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính mong muốn công khai toàn bộ báo cáo ngân sách nhà nước và ngân sách Trung ương (trừ các thông tin mật không được phép công bố về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia).

Cong khai ngan sach nha nuoc: Can minh bach them no cong
Cần minh bạch thêm nợ công. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, TS Bùi Quang Tín cho rằng, mong muốn công khai thông tin ngân sách trung ương và địa phương trong dự thảo mới của Bộ Tài chính  là phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay.

Việc công bố công khai, minh bạch ngân sách cần phải được thực hiện một cách thực chất hơn. Công khai, minh bạch ngân sách phải gắn liền với công tác chuẩn hóa thống kê. Trước tiên là yêu cầu chuẩn hóa theo chuẩn mực thống kê của Việt Nam rồi tiến dần tới chuẩn hóa thống kê của thế giới.

Tuy nhiên, ông Tín nhận định, cách thực hiện và cách áp dụng trong công tác thống kê tại Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề. Đáng lo ngại nhất là sự tác động từ bên ngoài, có khi là tác động từ chính các cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách là nguyên nhân làm sai lệch con số thống kê.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, TS. Bùi Quang Tín thừa nhận, việc tìm kiếm những thông tin công bố chính thức từ các cơ quan quản lý Việt Nam là rất hạn chế, số liệu cập nhật cũ, thậm chí có những báo cáo cách đó cả 1 năm vẫn không được cập nhật.

"Để có được số liệu phục vụ nghiên cứu, tôi buộc phải lấy số liệu từ nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu công khai, minh bạch là tất yếu", ông Tín khẳng định.

Ngoài ra, TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, ngoài việc đề cập tới công khai, minh bạch ngân sách thì Bộ Tài chính cũng như các cơ quan quản lý có trách nhiệm cần đặt thêm vấn đề công bố nợ nữa.

Ông Tín đề xuất phải công bố và lắp đặt các đồng hồ nợ công tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Vị chuyên gia lưu ý rằng, đây chỉ là một bước trong trong vấn đề minh bạch hóa thông tin ngân sách chứ không phải là tất cả.

Cũng liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch ngân sách, ông Hoàng Văn Cường - ĐBQH đoàn Hà Nội nhất trí rằng, yêu cầu công khai, minh bạch ngân sách bao gồm cả nợ công là cần thiết và bắt buộc phải làm.

''Kể cả việc phải đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa về tình hình nợ công hiện nay. Cảnh báo đó phải thuộc về chính các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là chính những người đang nắm giữ chìa khóa ngân khố của nhà nước để buộc họ phải cân nhắc, phải suy nghĩ trước khi quyết định một chính sách có liên quan hoặc có thể gây áp lực tới nợ công.'' ông Cường nhấn mạnh.

Mong muốn của cả nước

Đề cập tới nội dung tương tự, ĐBQH Hà Nội - Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, trong buổi thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã đề cập nhiều tới nội dung công khai minh bạch.

Theo vị ĐBQH, yêu cầu công khai minh bạch là mong muốn của tất cả phần đông dân chúng. Điều này bao gồm tất cả các vấn đề liên quan tới ngân sách, nợ công... chỉ ngoại trừ những thông tin liên quan tới lĩnh vực an ninh quốc phòng, dự trữ quốc gia.

Từ những nhu cầu thực tế trên, ông Hà đề nghị, cần phải công bố đồng hồ nợ công coi như một phần của minh bạch ngân sách mà Bộ Tài chính đang hướng tới. Phải làm được như vậy việc công khai, minh bạch mới được coi là thực chất.

Nếu không, công khai, minh bạch cũng chỉ là một đề xuất mang tính hình thức, khó thuyết phục được người dân. Ông đề xuất nên đặt đồng hồ nợ công ở ngay trước nhà Quốc hội.

"Không riêng gì Bộ Tài chính, hầu hết các ĐBQH, cử tri và người dân cả nước đều mong muốn được biết rõ sức khỏe tình hình kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay như thế nào. Trên cơ sở đó mới có những giải pháp, kế sách giúp cho kinh tế, xã hội phát triển ổn định.

Tôi sẽ phản ánh tại các phiên làm việc, thảo luận, góp ý cho Luật phòng chống tham nhũng, Luật Ngân sách... tôi sẽ đặt vấn đề lắp đồng hồ nợ công để theo dõi nợ công ra bàn. Kể cả việc thảo luận lựa chọn địa điểm lắp, tôi cũng sẽ đề cập", ông Hà chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Sơn - ĐBQH đoàn Đà Nẵng cho rằng, nên đặt ngay đồng hồ nợ công tại các trung tâm hành chính của địa phương đó. Tại Hà Nội, vị đại biểu đề xuất nên đặt trước UBND thành phố Hà Nội.

"Người dân biết được tình hình sức khỏe kinh tế của đất nước để hiểu được, chia sẻ được và đóng góp được là điều rất đáng quý", ông Sơn bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, trước khi công bố đồng hồ nợ công các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những tác động của việc công bố đối với tình hình sức khỏe của nền kinh tế trên địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh đề xuất nên đặt đồng hồ nợ công ở ngay Hồ Hoàn Kiếm, nơi mọi người dân và Chính phủ đều có thể nhìn thấy, theo dõi được. Được như vậy, ý nghĩa nhắc nhở mọi người về nợ công sẽ hiệu quả hơn.

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI