edf40wrjww2tblPage:Content
“CHỢ ĐEN” DẠY LÁI
Từ đầu năm 2014 đến nay, người dân có nhu cầu thi lấy bằng lái xe ô tô tại TP.HCM được tiếp cận với dịch vụ đến tận nhà dạy lái do một số trung tâm (TT) triển khai. Dù thuận lợi cho những người bận rộn, nhưng cách làm này đang xuất hiện những “lỗ hổng” chết người.
Trong vai một học viên (HV) có nhu cầu học lái xe hạng B2, chúng tôi liên hệ với TT dạy lái xe T.A. có trụ sở trên đường 3/2, Q.10. Nhân viên tên Th. cho biết, hiện TT có hai chương trình học. Đối với người chưa biết lái, học phí trọn gói là 6,9 triệu đồng, HV phải đến TT học cho đến ngày sát hạch. Với người đã biết lái (dù chưa học ở TT nào), trọn gói là 5,6 triệu đồng. Ngạc nhiên về mức chênh lệch quá nhỏ giữa HV mới và người đã biết lái, chúng tôi hỏi: “Vì sao giá học phí của người đã biết lái lại cao như vậy?”. Th. trả lời: “Với người biết lái rồi, TT sẽ đưa thầy đến tận nhà ôn tập lý thuyết và thực hành. Nếu HV không cần dạy thì “khỏe”, đỡ được chi phí cho TT. Biết lái rồi thì tốt, lý thuyết tự học được”.
Chiều ngày 22/10, một nhóm ba HV mới đến TT này hỏi thủ tục để đăng ký học bằng lái B2. Trong nhóm này, một người đã biết lái, hai người còn lại chưa một lần chạm vào tay lái ô tô. Do muốn học nhanh, cả ba yêu cầu nhân viên tư vấn liên hệ thầy dạy lái cấp tốc để có thể học ngay hôm sau. Một nữ nhân viên của TT sau khi gọi điện cho giáo viên, báo lại: “Thầy đã đồng ý, tối mai các anh học từ 17g-21g tối, nếu muốn thực tập luôn”. “Giờ đó kẹt quá, mới tập lái ai lại học buổi tối”, một HV lo lắng. Nhân viên tư vấn nói: “Không sao, các anh muốn nhanh mà”.
Sau khi tư vấn cho nhóm này, nữ nhân viên quay sang tư vấn cho chúng tôi: “Em khuyên các anh nên học khóa “trọn gói” ở TT, khóa 6,9 triệu này, các anh sẽ không phải đóng lệ phí thi lại trong trường hợp thi rớt, TT sẽ hỗ trợ đến khi nào thi đậu luôn”. Theo nhân viên này, nếu thầy dạy lái tập riêng, chi phí là 230.000đ/giờ, đây là phần không liên quan đến đăng ký thi. “Cái này là em quen với thầy nên nhờ giúp các anh tập thôi, các anh muốn tập bao nhiêu thì tập. Mà thích tập ở ngoài chứ vào TT chỉ phải tập lái có sáu buổi, mỗi buổi bốn giờ là… biết lái”, nữ nhân viên cho biết.
Thông qua người quen, chúng tôi có số điện thoại của một người tên T., chuyên nhận dạy lái xe không thông qua TT. T. là giáo viên của một trường tại Q.12, TP.HCM. Sau khi biết chúng tôi có nhu cầu học lái xe bằng B2, T. nói: “Nếu học thì đăng ký thôi. Đưa hồ sơ, giấy chứng minh nhân dân và đến nộp hồ sơ để học. Có hai loại học phí, học ở TT thì giá 4,5 triệu, học theo phân công của TT, số lượng giờ có giới hạn, hết 15 tiếng thì phải đóng tiền thêm. Còn nếu học với anh thì học phí sáu triệu, thời gian mình tự sắp xếp với nhau. Bình thường theo lịch học thì ba tháng, nhưng nếu em học liên tục thì khoảng một tháng là xong” - T. nói.
Theo T. học phí như vậy là giá mềm, tiền nào của đó. Nếu học TT thì không chỉ chi phí ban đầu là 4,5 triệu đồng mà còn nhiều khoản “mở” khác. Khi chúng tôi đề cập việc học với T., anh có thể “lo” cho lý thuyết và thực hành trong đợt thi sát hạch không, T. cười và nói: “Chuyện đó quá đơn giản, gặp trực tiếp mới có thể nói được”.
Chương trình học lái xe được chia thành nhiều tên gọi hoành tráng: "Lái xe vip" "Lái xe pro"...
COI CHỪNG RƯỚC HỌA
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP.HCM có hơn 40 cơ sở đào tạo lái ô tô. Trên danh sách do cơ quan nhà nước quản lý là vậy, nhưng các cơ sở này “phân thân” thành hàng trăm đơn vị dưới nhiều tên gọi “hoành tráng” như “Lái xe vip”, “Lái xe pro”, “Lái xe bao đậu”... Để thu hút HV, các TT còn đưa ra các chương trình khuyến mãi như “học lái xe, tặng nhẫn kim cương”, “đăng ký học, tặng phiếu mua vàng”...
Do lượng HV quá đông trong khi diện tích đất để xây dựng một TT dạy lái không hề đơn giản, nên hiện các TT đều rơi vào tình trạng quá tải HV so với quy định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tranh thủ điều này, nhiều thầy dạy lái ở các TT “chạy show” ra ngoài.
Cũng qua giới thiệu, một thầy dạy lái xe tên H. tại Q.10 gặp và tiếp thị với chúng tôi: “Tập với tôi liên tục một tuần thì có thể lái xe đi Vũng Tàu”. Khi chúng tôi hỏi, xe tập lái là xe của TT hay xe bình thường không có chân thắng phụ, H. tự tin: “Xe nào cũng được, nếu nhà có xe nào thì dùng luôn xe đó cho tiện, đỡ được tiền thuê xe, riêng chi phí thuê thầy là 150.000đ/giờ”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Anh dạy có khác gì TT không?”, H. cười: “Mấy TT chỉ vẽ ra cho nhiều môn học, mấy cái “lái xe đường đồi núi” với “lái xe ban đêm” chỉ dành cho mấy người không có năng khiếu. Chứ nhìn anh là tôi biết có năng khiếu”(!).
Theo lời H., bản thân thầy giáo này đã đào tạo cho hàng chục HV thi đậu sau khi đăng ký hồ sơ thi ở TT Đồng Tiến. Nếu HV muốn đăng ký thi ở các TT khác, thầy vẫn có cách “gửi” được. Chiều ngày 23/10, thầy H. hẹn chúng tôi gặp trên đường 3/2, sau đó thầy báo lại “bận đi nhậu” và hẹn lại cuối tuần.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng: “Công tác đào tạo lái xe hiện nay còn nhiều thiếu sót, dẫn đến ý thức đạo đức của nhiều tài xế rất kém khi tham gia giao thông”. Vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT đã kiến nghị hạ lưu lượng HV ở bốn cơ sở dạy lái của Trường Cao đẳng GTVT III; Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM, Trường Trung cấp nghề số 7 và Trung tâm dạy nghề Đồng Tiến. Các cơ sở này thiếu xe tập lái, thiếu giáo viên, không đảm bảo chất lượng đào tạo, số HV quá lớn.
Nếu người dân tự tập lái với một giáo viên nào đó rồi đi thi thì không thể đảm bảo được các kỹ năng lái xe cơ bản. Chưa kể, các thỏa thuận giữa HV và người dạy mà TT không hề biết thì khi tai nạn xảy ra trong quá trình tập, ai sẽ chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn nghiêm trọng, người tập có khi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trường dạy nghề lái xe Tiến Bộ cho biết, hiện nay tình trạng dạy lái “chui” đang xuất hiện tràn lan. Nhiều người tin tưởng vì các “thầy” có chứng chỉ chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Về nguyên tắc, chứng chỉ này được Sở GTVT cấp cho cá nhân là nhân viên thuộc TT đào tạo lái xe, có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, hiện rất nhiều giáo viên dạy lái sau khi nghỉ tại các TT vẫn dùng chứng chỉ để “làm ăn” bên ngoài, thậm chí dạy lái trên xe bình thường, xe không có chân thắng phụ như quy định. Nhiều người muốn được học lái thật nhanh nên đã tìm đến các thầy dạy lái “chui”.
Theo ông Dũng, học lái xe là một quá trình dài, sau khi được đào tạo ở trường và vượt qua kỳ sát hạch, người có bằng vẫn phải nên bổ túc kỹ năng lái xe thường xuyên. Nhiều trường hợp nôn nóng có bằng lái, nhưng có bằng rồi thì không thường xuyên lái xe nên bằng lái “trùm mền”, đồng nghĩa với việc học không có giá trị thực tế.
VINH QUỐC