Công khai đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên: Có khả thi?

30/04/2021 - 06:43

PNO - Chuyên gia cho rằng việc công khai đấu thầu đào tạo giáo viên chắc chắn vướng nhiều vấn đề.

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh/ thành phố, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên về hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.

Theo đó, UBND các tỉnh xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc, đặt hàng đào tạo các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương.

Cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc địa phương nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho địa phương trên cơ sở phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD&ĐT thông báo và nhu cầu sử dụng của địa phương, cũng có thể nhận đặt hàng của các địa phương khác.

Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận đặt hàng hoặc tham gia đấu thầu đào tạo giáo viên cho các địa phương theo chỉ tiêu tuyển sinh Bộ GD&ĐT giao.

Sắp công khai đấu thầu đào tạo giáo viên
Sẽ công khai đấu thầu đào tạo giáo viên

Về nội dung, giao nhiệm vụ đặt hàng, Bộ GD-ĐT cho biết UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo từng trình độ, cấp học, ngành học. Từ đó, xác định số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên gửi Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, các tỉnh phải dự kiến phương án và giải pháp xử lý trong trường hợp số lượng sinh viên đăng ký về địa phương vượt quá nhu cầu đào tạo của địa phương, hoặc trường hợp thiếu sinh viên trúng tuyển đăng ký về địa phương so với nhu cầu đào tạo sử dụng của địa phương.

Các cơ sở đào tạo giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn, thông báo tới sinh viên trúng tuyển về chỉ tiêu đào tạo được các địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, các thông tin liên quan để sinh viên trúng tuyển đăng ký, cam kết tham gia học tập, công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương ngay sau khi có kết quả trúng tuyển đối với mỗi đợt tuyển sinh.

Sinh viên nộp đơn đề nghị hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến cơ sở đào tạo giáo viên và có thể đề nghị được hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt theo thứ tự nguyện vọng đối với các địa phương có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại địa phương.

Về vấn đề đấu thầu, đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, cho biết Thái Nguyên hiện thiếu đến hàng nghìn giáo viên ở các cấp học khác nhau, đặc biệt là giáo viên mầm non thì thiếu trầm trọng.

“Cái khó là biên chế giáo viên đang theo chủ trương tinh giản và Bộ Nội vụ quyết định biên chế nên kể cả xác định chỉ tiêu đào tạo và cho đào tạo thì có được giao chỉ tiêu cho biên chế hay không cũng là điều đáng phải bàn”, ông Hưng nói.

Còn theo đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc thì chủ trương tinh giản biên chế là đúng đắn, tuy nhiên hiện nay vẫn tinh giản quá cơ học dẫn đến một số khó khăn trong công tác quản lý cũng như tuyển mới giáo viên.

“Các trường THCS và tiểu học sáp nhập có thể giảm được hiệu trưởng nhưng vì sáp nhập lượng học sinh quá đông nên khó quản lý sát sao và đảm bảo chất lượng như trước.

Câu chuyện đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên khá tiến bộ nhưng cũng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết xem triển khai thế nào.

Có những địa phương thiếu giáo viên và muốn đặt hàng các cơ sở đào tạo nhưng tuyển được thí sinh thì sao? Và quan trọng nhất là làm gì để đảm bảo chất lượng giáo viên, nhất là với chương trình giáo dục phổ thông mới có những đòi hỏi cao hơn ở người giáo viên”, vị này cho hay.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI