Cộng đồng quốc tế xem Việt Nam là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả

11/12/2020 - 12:25

PNO - Sáng 11/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác giảm nghèo trên cả nước những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước và các vùng miền.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phó thủ tướng nêu một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo rất ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019, như: huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo cả nước lên tới 14,2% nhưng đến năm 2015 chỉ còn 4,25%, đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ “giảm một nửa số người đói nghèo cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả” và dẫn chứng qua các số liệu như, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%; năm 2015: 9,8%; năm 2019: 3,7%; năm 2020, dự kiến còn: 2,7%".

Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo còn có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Tại TPHCM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm và nâng thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011. Cả 2 chỉ tiêu này đã được hoàn thành trước thời hạn, tạo hiệu ứng sâu rộng và đổi đời nhiều hoàn cảnh nghèo khó.

Đầu năm 2016, TPHCM có hơn 67.000 hộ nghèo (chiếm 3,36% tổng số dân) và hơn 48.100 hộ cận nghèo (chiếm 2,4%). Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo còn lại gần 3.800 hộ (chiếm 0,19%) và gần 23.000 hộ cận nghèo.

Cuối năm 2019, TPHCM còn gần 9.700 hộ nghèo (chiếm 0,39%) và gần 23.000 hộ cận nghèo (chiếm 0,93%) - tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đều ở mức dưới 1%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2019-2020 (thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm cùng 5 chiều xã hội),

TPHCM luôn quan tâm hỗ trợ người nghèo để dần nâng chất cuộc sống
TPHCM luôn quan tâm hỗ trợ người nghèo để dần nâng chất cuộc sống

Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 đã nhận diện hộ nghèo, cận nghèo đa chiều theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là cơ sở để TP thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lồng ghép với thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm và giai đoạn.

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của TP áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hướng tới mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm và phi lương thực thực phẩm, nhu cầu tối thiểu về điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI