Cộng đồng người Việt có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở Alabama, Mỹ

18/06/2021 - 10:14

PNO - Nhiều người Mỹ gốc Việt ở thị trấn Bayou La Batre, Alabama (Mỹ), nói rằng họ tiêm vắc xin COVID-19 vì muốn cảm thấy an toàn hơn khi làm việc và sinh sống, điều đó đã khiến cộng đồng này trở thành một trong những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở tiểu bang.

 

Phuong Thi Nguyen bỏ thêm đá vào thùng làm lạnh tại bến tàu ở Bayou La Batre - Ảnh: AL.com
Phuong Thi Nguyen tại bến tàu ở Bayou La Batre - Ảnh: AL.com

Thuyền trưởng tàu tôm Truc Le cùng vợ - Phuong Thi Nguyen - và con trai đều ở bến tàu Bayou La Batre. Trong suốt đại dịch, anh Le vẫn tiếp tục duy trì công việc đánh cá. Anh không quá lo lắng về COVID-19, nhưng các thành viên trong gia đình anh không nghĩ vậy, nên anh đã đi tiêm vắc xin. Le giải thích bằng tiếng Việt: “Họ lo lắng nếu không tiêm sẽ dễ nhiễm virus”.

Con trai anh Le, hiện làm việc trên thuyền với cha, cho biết đang có kế hoạch tiêm vắc xin vì gia đình anh muốn như vậy. Mẹ anh cũng cho biết đã nhờ con gái giúp đặt lịch hẹn tiêm vắc xin trên điện thoại di động vì không nói được tiếng Anh.

Thuyền trưởng tàu tôm Truc Le - Ảnh: AL.com
Thuyền trưởng tàu tôm Truc Le - Ảnh: AL.com

Bang Alabama có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp thứ hai toàn quốc, nhưng cộng đồng nhỏ bé người Việt nhập cư sống dọc theo Vịnh Mexico có một cách tiếp cận khác.

Lãnh đạo cộng đồng địa phương ước tính 90% người Mỹ gốc Việt đủ điều kiện tiêm vắc xin ở Alabama đã được tiêm chủng, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của tiểu bang mới đạt 34%.

“Những người xung quanh chúng tôi, hầu hết đều đã tiêm phòng”, Phuong Thi Nguyen nói bằng tiếng Việt, thông qua một phiên dịch viên. “Họ nói với tôi nếu tôi tiêm phòng, nguy cơ nhiễm COVID-19 sẽ rất thấp”.

Các nhà lãnh đạo cộng đồng ước tính có khoảng 4.000 người Việt ở khu vực này của Alabama, trong đó khoảng 900 người ở thị trấn Bayou La Batre. Phuong cho biết chị gặp gỡ các thành viên khác của cộng đồng người Việt tại địa phương vào những ngày lễ, tết tại trung tâm cộng đồng người Việt và thăm hỏi nhau tại nhà riêng. Phuong cho biết thêm, việc chị không nói được tiếng Anh là khó khăn lớn nhất khi sống tại Mỹ.

Một ngư dân buộc dây neo thuyền đánh tôm ở Bayou La Batre - Ảnh: AL.com
Một ngư dân buộc dây neo thuyền đánh tôm ở Bayou La Batre - Ảnh: AL.com

Ở miền Nam Alabama, có nhiều người Việt, giống như vợ chồng Truc Le và Phuong, làm nghề đánh cá. Họ nhập cư đến Louisiana, Mississippi và Vịnh Alabama trong thập niên 1980 khi Mỹ cho phép người tị nạn nhập cư sau chiến tranh Việt Nam.

Daniel Le, Giám đốc tổ chức Boat People SOS, một nhóm quốc gia hỗ trợ người Việt nhập cư tại Hoa Kỳ, cho biết nhiều người Việt ở khu vực này rất quan tâm đến COVID-19, họ tuân thủ các quy định hạn chế phòng dịch và luôn lắng nghe các nhà khoa học.

Ông Le nói: “Về mặt văn hóa, nói chung người Việt tin tưởng vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ biết các thầy thuốc biết điều gì tốt nhất cho họ”.

Tại nhà thuốc Bayou bên kia bến tàu của thị trấn, khách hàng người Việt thường chiếm thiểu số, chỉ khoảng 15%, nhưng họ lại chiếm đa số khi tiêm vắc xin, kỹ thuật viên dược Courtney Moore nói. “Khi mới bắt đầu tiêm chủng, có ngày đến 80 người tiêm và 70 người trong số đó là người Việt”, bà Courtney Moore cho biết. Hiệu thuốc tổ chức tiêm chủng qua đăng ký điện thoại và bằng giấy hẹn, giúp giảm bớt rào cản tiếp cận ngôn ngữ và kỹ thuật số của một số khách hàng.

Dược sĩ Rubesh Patel cho biết người Việt ở Bayou La Batre sẵn sàng tiêm chủng mọi loại vắc xin sẵn có.

Tại Accordia Health, một phòng khám sức khỏe địa phương, khoảng 35% bệnh nhân của bác sĩ Rajesh Gujjula là người Việt. Bệnh nhân người Việt của ông hầu hết đều tự giác đi tiêm vắc xin.

Ở ngoại ô thị trấn Bayou La Batre có một ngôi chùa Phật giáo nằm phía sau con đường. Tu sĩ Bon Le ở ngôi chùa này cho biết mọi người ở đây gần như tất cả đã được tiêm chủng.

Tu sĩ Bon Le tại ngôi chùa Phật giáo ở Bayou La Batre - Ảnh: AL.com
Tu sĩ Bon Le tại ngôi chùa Phật giáo ở Bayou La Batre - Ảnh: AL.com

Bon Le nói rằng ông tin tưởng vào khoa học về vắc xin và đã khuyến khích mọi người đi tiêm chủng. 

Ana Chau làm việc trong một nhà máy chế biến hàu có khoảng 30 công nhân. Do COVID-19, nhà máy của cô giảm số ngày làm việc xuống chỉ còn hai ngày một tuần, nhưng cô vẫn sợ nhiễm virus tại nơi làm việc. Khi biết mình đủ điều kiện tiêm chủng, cô đã đến hiệu thuốc để được hướng dẫn đăng ký tiêm.

“Sau khi tiêm, tôi về nhà và gọi điện đến tất cả những người quen để khuyên họ đi tiêm, và bảo họ thông báo cho những người khác nữa”, Ana Chau nói.

Phu Nguyen, một người cao tuổi nhập cư Mỹ năm 2013 cho biết các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt ở các nước châu Á như Việt Nam là mô hình tốt để ứng phó với đại dịch. 

Thanh Hải (theo The World, Al.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI