edf40wrjww2tblPage:Content
Đòn thù của kẻ hận tình
Chị Thúy Nga (*) (nhân viên một công ty PR tại TP.HCM) gửi thư đến Báo Phụ Nữ cho biết, một lần, sau cuộc họp, chị kiểm tra điện thoại thì thấy báo có 36 cuộc gọi nhỡ và chín tin nhắn từ rất nhiều số điện thoại của bạn bè và người thân. Đúng lúc đó, chị nhận được một tin nhắn gửi đến từ số điện thoại của người yêu cũ: “Thành facebooker nổi tiếng rồi, phải cảm ơn anh nhé!”.
Đăng nhập vào facebook, chị Nga choáng váng khi thấy những hình ảnh nhạy cảm của mình giăng đầy trên trang chủ cùng những bình luận bức xúc của bạn bè. Chú thích cho những bức ảnh là một lá thư từ người yêu cũ, có nhiều đoạn căn dặn về chuyện gối chăn, kèm theo hồi tưởng về những kỷ niệm thầm kín của hai đứa. Phần lớn lời lẽ trong thư là bịa đặt, nhưng lại đăng lên bằng chính tài khoản của chị, cách đây 50 phút.
“50 phút - đủ để cả thế giới của tôi nhìn thấy, phẫn nộ và tẩy chay tôi. Tôi vật vã nằm dài ra ghế, không thể tin được việc đã xảy ra. Bạn bè liên tục gọi điện và nhắn tin cho tôi với cùng nội dung: “Sao dại vậy, sao lại đem khoe mấy cái đó trên mạng?”. Có đứa sốt sắng: “Mày xóa gấp mấy cái đó đi, không hay ho đâu, phản cảm lắm”. Những lời đó không làm tôi đau lòng bằng dòng chữ điềm tĩnh của mẹ: “Ổn không con? Rảnh thì gọi liền cho mẹ nhé” - chị tâm sự.
Chị kể tiếp: “Không cần suy nghĩ tôi cũng biết tác giả của những thứ ấy chính là anh ta - người tôi đã yêu suốt thời đại học. Chúng tôi chia tay sau khi ra trường, vì tôi không chịu nổi những cơn ghen cuồng của anh. Có lẽ anh ta giở trò đê hèn đó để thỏa cơn ghen tức của mình khi biết tin tôi có người yêu mới.
Trốn tránh những cuộc gọi của bạn bè, tôi lặng lẽ xóa tài khoản facebook, xin nghỉ phép, về ở lỳ trong nhà. Mẹ im lặng không thắc mắc gì khi thấy tôi ở nhà suốt cả tuần. Bạn bè cũng tránh không nhắc tới nữa. Nhưng, hệ lụy lớn nhất lại ở chính trong lòng tôi. Tôi gửi đơn xin nghỉ việc, tránh mặt người yêu và tất cả những người quen biết. Từ đó, tôi đâm e dè với mọi thứ liên quan tới thế giới mạng.
Mượn tên con bôi nhọ vợ
Suốt sáu tháng qua, chị Trịnh Thị Thu, ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh khốn khổ tìm từng người thân để phân trần chuyện nhà, rằng Vy, con gái chị, hoàn toàn không biết tạo facebook hay post bài lên mạng, trang facebook mang tên Vy là hoàn toàn bịa đặt.
Điều làm chị Thu đau lòng nhất là trang facebook với đầy đủ tên họ của bé Vy lại do chính anh Minh, chồng chị tạo nên, với nội dung bôi xấu chị như: “Con hận mẹ, người phản bội lại gia đình…”, “Thương cha vô hạn. Chiều nay có ai nấu cơm cho cha con mình ăn không?”… Đáng nói là địa chỉ facebook này chồng chị tạo đã hai năm, nhưng mãi đến khi chị phát hiện anh ta chung sống như vợ chồng với một cô nhân viên bưu điện thì chị mới biết sự tồn tại của nó. Tình địch của chị Thu làm chị chưng hửng khi cô ta cho rằng chị không có quyền can thiệp chuyện tình yêu của chồng vì chính chị là kẻ bội tình, bội nghĩa, vong ân; rằng chị ngoại tình với người em họ, bất chấp luân thường đạo lý… Chị Thu giận run người khi biết cô ta khẳng định như vậy là do thông tin từ trang facebook của chồng chị.
Là người bán trái cây ở chợ, chị Thu không biết gì về mạng, nghe chuyện con gái đưa hình ảnh mình cặp kè với thằng em họ trên đó, chị hết sức bàng hoàng. Suốt ngày hôm ấy chị đứng ngồi không yên, chờ con gái tan sở về hỏi cho ra lẽ. Vy cũng hết sức ngạc nhiên vì cô không có tài khoản facebook nào. Khi được cô nhân tình của chồng cho “mục sở thị” những lời nguyền rủa của con gái, những hình ảnh gia đình được cắt dán đầy ác ý trên trang facebook đó, hai mẹ con mới té ngửa. Hỏi thì chồng chị tỉnh bơ: “Tôi làm vậy đó, bà làm gì tôi? Có giỏi thì ly hôn!”.
Chị Thu chỉ còn biết kêu trời vì ly hôn chính là mục đích mà chồng chị nhắm đến từ ba năm nay, nhưng chị luôn cố níu kéo cuộc hôn nhân không còn tình yêu đó, mặc cho anh ta thường xuyên chửi bới, nhục mạ chị. Chị đâu ngờ, Minh lợi dụng cả internet và tên tuổi của con gái để bôi nhọ chị. Chị nói: “Mãi đến khi sự thật bị phanh phui, tôi mới biết vì sao mấy cô em chồng đang vô cùng tình nghĩa, luôn bênh vực tôi, bỗng quay lưng, trở mặt”.
Luật có nhưng khó xử
Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ. Cụ thể, “người nào có hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến hai triệu đồng”.
Đối với hành vi dùng phương tiện công nghệ thông tin cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điều 6, nghị định 63/2007/NĐ-CP, ngày 10/4/2007.
Về trách nhiệm dân sự, pháp luật cũng quy định bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Các thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (điều 611 Bộ luật Dân sự).
Thực tế, có những người sẵn sàng chịu phạt hành chính, hoặc bồi thường dân sự khi rắp tâm bêu xấu “đối phương” cho nhiều người biết. Họ chỉ sợ bị đưa vào vòng lao lý. Có thể xử lý hình sự được hay không?
Bộ luật Hình sự có điều 121 quy định về tội làm nhục người khác. Theo điều luật này, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Mức phạt nặng nhất cho tội danh này là ba năm tù. Tuy nhiên, theo luật sư Huỳnh Minh Vũ: “Hiểu như thế nào là “xúc phạm nghiêm trọng” đến nhân phẩm, danh dự là một vấn đề phức tạp. Cùng bị xâm phạm như nhau - có thể chỉ là một câu chửi, nhưng có người cảm thấy nhục hoặc rất nhục, nhưng người khác lại thấy bình thường. Về phía người vi phạm cũng có nhận thức tương tự như vậy. Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người vi phạm hay người bị hại thì chưa thể kết luận chính xác. Chính vì vậy, việc điều tra, xử lý hành vi làm nhục người khác bao giờ cũng có khó khăn. Mặt khác, người dân chưa có thói quen mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm; các cơ quan chức năng không đủ người có đủ chuyên môn để điều tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực này hoặc nếu có thì việc thụ lý giải quyết rất chậm chạp… Ngoài ra, pháp luật chưa nghiêm và chưa đủ mạnh để răn đe, vì nếu căn cứ vào mức hình phạt cao nhất của tội làm nhục người khác (ba năm tù), thì tội này được xếp vào nhóm tội ít nghiêm trọng. Chính vì vậy, người vi phạm ngày càng “lờn”, sau khi vi phạm còn có biểu hiện nhởn nhơ, thách thức hoặc coi thường pháp luật”.
Nhóm PV
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Kỳ tới: Cuộc chiến trên "phây"