Công cụ mới để lãnh đạo TPHCM giám sát xử lý việc của người dân

15/08/2022 - 06:29

PNO - Tất cả kiến nghị, phản ánh của người dân sẽ “đến tay” Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM và lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo, giám sát kết quả xử lý của các đơn vị chuyên môn và các quận, huyện.

Nội dung trên là một trong các tính năng mới (chức năng chỉ đạo điều hành và nhắn tin nhắc nhở việc xử lý phản ánh, kiến nghị) của Cổng thông tin 1022 đang được Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM (Sở TT-TT) thử nghiệm, dự kiến chính thức triển khai vào tháng 9/2022. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT-TT TPHCM - cho biết tính năng này nằm trong mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ người dân, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính và phục vụ quá trình chuyển đổi số của TPHCM.

Phóng viên: Xin ông cho biết cụ thể về tính năng mới, ý nghĩa và mục đích của việc phát triển tính năng này?

Ông Lâm Đình Thắng: Với phương châm “lấy người dân làm trung tâm”, chính quyền thành phố đã định hướng phát triển hệ thống Cổng thông tin 1022 thành kênh tương tác thống nhất, là cầu nối nhanh nhất giữa người dân và chính quyền. Do vậy, Sở TT-TT luôn tìm tòi bổ sung các tính năng mới cho hệ thống này nhằm đạt được kỳ vọng của người dân và thành phố.

Mô hình tính năng chỉ đạo điều hành và nhắn tin nhắc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Cổng thông tin 1022
Mô hình tính năng chỉ đạo điều hành và nhắn tin nhắc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Cổng thông tin 1022

Hai tính năng mới được phát triển của hệ thống Cổng thông tin 1022 bao gồm: Một là tổng hợp tình hình phản ánh kiến nghị của người dân và kết quả xử lý trên địa bàn (cấp thành phố và quận, huyện) theo định kỳ qua tin nhắn (SMS). Theo đó, vào lúc 15 giờ thứ Sáu hằng tuần, hệ thống sẽ gửi tin nhắn cho cán bộ phụ trách về tổng hợp số lượng phản ánh, kiến nghị của người dân trong bảy ngày trước đó, bao gồm kết quả xử lý, xử lý đúng hạn hay trễ hạn của các đơn vị, địa phương. Hai là phát triển chức năng chỉ đạo, giao nhiệm vụ tức thời cho các địa phương, đơn vị trong quá trình lãnh đạo cấp trên theo dõi việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân. 

Hệ thống mới với các chức năng trên sẽ giúp lãnh đạo thành phố có công cụ để giám sát chất lượng, tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân trên từng lĩnh vực, từng địa phương phụ trách, kịp thời ra quyết định điều hành và hướng đến mục tiêu chung nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. 

* Cổng thông tin 1022 hoạt động 24/7, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đồng thời cho phép họ giám sát kết quả giải quyết. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hiệu quả của kênh thông tin này trong thời gian qua, nhất là sự tương tác của người dân, doanh nghiệp?

- Với khả năng tiếp nhận thông tin nhiều lĩnh vực khác nhau, tiếp nhận và giải đáp 24/7, Cổng thông tin 1022 đã sớm trở thành cầu nối giữa người dân với chính quyền thành phố. Hiện nó nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng rất lớn của cộng đồng, xã hội. Điều này thể hiện rõ ở số lượng phản ánh ngày càng tăng. Nếu các năm trước, mỗi năm chỉ 10.000-20.000 tin thì bảy tháng đầu năm 2022 số lượng phản ánh cũng đã lên đến 24.000. Riêng năm 2021, dịch bệnh diễn ra căng thẳng, Cổng 1022 đã tiếp nhận trên 2 triệu phản ánh, kiến nghị (chưa tính số lượng cuộc gọi của người dân đến các nhánh đề nghị hỗ trợ, tư vấn). Đặc biệt, tất cả phản ánh của người dân sau khi được cơ quan, đơn vị xử lý đều công khai và được người dân tham gia đánh giá sự hài lòng của mình đối với kết quả xử lý. 

* Các đơn vị, địa phương đều có nhiều kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị qua app, website… Bây giờ lại có thêm Cổng thông tin 1022 thì liệu có tăng áp lực cho họ không thưa ông?

- Sự khác biệt với các trang trực tuyến hoặc đường dây nóng của các đơn vị là 1022 có quy chế phối hợp xử lý chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, vì vậy chất lượng xử lý phản ánh, kiến nghị ngày một nâng cao.

Việc phát triển thêm tính năng mới của Cổng 1022 bước đầu có thể sẽ tạo áp lực cho các đơn vị, nhưng đây là “áp lực tích cực”, sẽ thúc đẩy bộ máy phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Về lâu dài, Sở TT-TT sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố sử dụng một tổng đài thống nhất để người dân phản ánh, kiến nghị với chính quyền các cấp; cán bộ, công chức cũng chỉ tập trung xử lý phản ánh của người dân qua một đầu mối.   

* Được biết, Cổng 1022 còn cho phép xác định vị trí, cuộc gọi của người dân. Ông có thể nói rõ hơn về tiện ích này?

- Đây là hai định hướng phát triển thêm tính năng của Cổng 1022 trong tương lai, Sở TT-TT hiện đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Sơ bộ là khi người dân gọi đến, các tổng đài viên sẽ có công cụ xác định vị trí cuộc gọi trên bản đồ số. Điều này sẽ giúp cho người trực tiếp xử lý phản ánh, như biết rõ vị trí người cần được hỗ trợ cũng như nhìn từ hệ thống người quản lý sẽ nắm và khoanh vùng được các loại phản ánh trong một phạm vi khu vực địa lý… để việc theo dõi, phát hiện các phản ánh ngày càng chủ động, hiệu quả hơn. Ví dụ: khu vực ngập nước tại một số phường/xã thường xuyên được phản ánh sẽ thể hiện trên bản đồ để người quản lý về thoát nước đô thị nắm bắt tình hình, thấy rõ số lượng vị trí ngập nước cụ thể. 

Ngoài ra, còn cho phép giải đáp thông tin tự động cho người dân và khảo sát ý kiến của người dân. Đây là ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào Cổng 1022, thực hiện trên app Cổng 1022 tương lai, tạo ra các chatbot tự động về giải đáp thông tin hoặc thực hiện khảo sát lấy ý kiến người dân về các chính sách, tác động xã hội khi Chính phủ hoặc thành phố có yêu cầu.

* Ông có mong muốn, nhắn gửi gì đến người dân, doanh nghiệp cũng như các đơn vị?

- Để chuyển đổi số thành công, trách nhiệm không chỉ riêng cá nhân hay một đơn vị nào mà phải là sự chung tay của mọi người, các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy, với vai trò là cơ quan thường trực trong công tác tham mưu chuyển đổi số của thành phố, Sở TT-TT mong muốn, kêu gọi mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cùng đồng lòng, chung tay tham gia hiến kế, góp ý, phản ánh. Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp và chia sẻ của mọi người.

* Cảm ơn ông. 

Tuyết Dân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI