Theo bà Nhung, con gái bà là Nguyễn Thị Tuyết Mai làm việc ở Công ty N.T. (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đóng BH đầy đủ, nhưng khi đột ngột qua đời lại bị “quỵt” tiền BH. Trong khi đó, đại diện PVI khẳng định, không thể thanh toán tiền BH cho người nhà chị Mai, vì chị mua BH “ké”.
|
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung trình bày vụ việc với phóng viên |
Đóng bảo hiểm “ké”
Ngày 9/9/2015, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1980) qua đời do bị băng huyết khi sinh con. Gia đình phát hiện chị Mai có mua gói BH một năm của PVI Sài Gòn, loại hình “BH chăm sóc sức khỏe” . Với gói BH này, người thân của người đóng BH sẽ được nhận 105 triệu đồng.
Bà Nhung hoàn tất hồ sơ để liên hệ nhận tiền BH từ PVI, nhưng công ty BH từ chối chi trả vì giấy tờ không hợp lệ. "Nếu không hợp lệ thì bổ sung hồ sơ chứ tại sao lại khẳng định là trường hợp con tôi không được giải quyết? Tôi cũng liên hệ với Công ty N.T., nhưng họ không giúp gì cả” - bà Nhung bức xúc.
Lý do chính khiến PVI từ chối chi trả BH là trong hồ sơ bà Nhung cung cấp, có phiếu chi trả lương bất hợp lý. Cụ thể, Công ty N.T. chi trả lương cho chị Mai 30 triệu đồng với lý do “thanh toán tiền lương theo hợp đồng khoán việc tháng 7, 8 và 9/2015”.
Phiếu chi trả lương này là một trong những chứng cứ thể hiện chị Mai thực sự có làm việc cho Công ty N.T. Tuy nhiên, ngày xuất phiếu chi đề “15/9/2015”, dưới phiếu chi có người nhận tiền (chị Mai) ký tên, trong khi chị Mai đã chết trước đó (ngày 9/9/2015).
Ngày 20/3, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty N.T. thừa nhận, chị Mai có chuyên môn về thuế, được kế toán của Công ty N.T. khoán việc theo kiểu bán thời gian. Chị Mai chưa hề đến công ty lần nào và công ty cũng chưa từng ký hợp đồng lao động với chị Mai.
Năm 2015, khi công ty mua gói BH PVI cho người lao động, chị Mai đã chủ động xin được mua BH “ké”, bởi PVI chỉ bán BH cho tập thể, không bán lẻ cho cá nhân. Kế toán trưởng bên chúng tôi đã đồng ý và hợp đồng BH được diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi chị Mai chết và gia đình cần được thanh toán BH, rắc rối mới phát sinh”.
Phía bảo hiểm cũng phải có trách nhiệm
Bà Huỳnh Thị Hương, Phó giám đốc Công ty N.T. cho biết: “Chị Mai có cộng tác làm kế toán cho công ty từ năm 2014 - 2015. Khi gia đình nhờ công ty bổ túc hồ sơ để thanh toán BH, tôi thấy gia cảnh chị Mai khó khăn nên bổ sung chứng từ để giúp gia đình chị Mai”. Công ty N.T. đã “bổ túc” một hợp đồng lao động bán thời gian giữa công ty và chị Mai và một số phiếu chi trả lương. Các chứng từ này đều có ký tên chị Mai. Tuy nhiên, PVI đã phát hiện ra điểm mâu thuẫn trong chứng từ nên từ chối chi trả.
Ông Thân Ngọc Dũng, Trưởng phòng Bồi thường PVI Sài Gòn cho rằng, đúng là chị Mai có đóng BH, nhưng hồ sơ để xem xét chi trả đã bị làm khống. “Về nguyên tắc, chị Mai đã sai ngay từ đầu, bởi PVI chỉ ký hợp đồng với những người làm việc chính thức tại Công ty N.T. Ngoài ra, căn cứ vào quy tắc BH sức khỏe PVI, trường hợp người được BH, người được ủy quyền hoặc người được thừa kế hợp pháp không trung thực trong việc thực hiện các quy định trong quy tắc này, PVI có quyền từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền BH tùy theo mức độ vi phạm” - ông Dũng khẳng định.
Khi được hỏi “khi thu tiền BH, tại sao PVI không xem xét kỹ hồ sơ?”, ông Dũng thừa nhận: “Khách hàng đông lắm, cả hơn 500.000 người, không có đủ nhân lực và thời gian để xem xét kỹ điều kiện tham gia BH của từng người. Tôi là người trực tiếp giải quyết trường hợp của chị Mai, tôi biết gia cảnh chị ấy rất khó khăn, rất muốn giúp nhưng trường hợp này không thể linh động để chi trả. Thực tế, vẫn có nhiều người không nắm rõ quy định trong việc mua BH, đã mua BH “ké” theo một đơn vị dù không làm việc tại đơn vị đó, đã phải chịu thiệt thòi khi xảy ra trường hợp cần thanh toán”.
Luật sư Bùi Trung Linh thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty luật LPT Lawyers, phân tích: “PVI từ chối bồi thường với lý do hồ sơ yêu cầu trả tiền BH vi phạm nguyên tắc trung thực, nhưng không thể phủi hết trách nhiệm theo cách lý giải đơn giản như vậy. Chị Mai đã tham gia BH bằng tiền của mình, PVI cũng đã nhận tiền BH từ chị Mai. Theo tôi, PVI cần hỗ trợ xem xét, hướng dẫn người thân của chị Mai về mặt thủ tục để giải quyết thỏa đáng.
Nếu vấn đề chỉ nằm ở chứng từ thì bổ sung chứng từ thế nào cho hợp lý. Nếu chị Mai sai phạm trong điều kiện tham gia BH, thì phía PVI cũng có phần trách nhiệm trong việc tiếp nhận BH, vì đã không giải thích rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ khi ký kết hợp đồng BH. Nếu phía PVI không có thiện chí phối hợp, người nhà chị Mai có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình”.
“Nếu chị Mai được giải thích ngay từ đầu rằng chị không đủ điều kiện để tham gia BH của PVI, chắc chắn chị đã không bỏ tiền ra đóng cho PVI” - luật sư Linh nhận định. Ông cũng cho rằng, đây là trường hợp đáng tham khảo cho những người tham gia BH. Để đảm bảo quyền lợi của người mua BH, người thụ hưởng và đại diện của người được thụ hưởng cần nắm rõ quy tắc BH, hồ sơ yêu cầu BH, nội dung hợp đồng BH đã ký, nhằm để tránh thiệt thòi.
Trần Triều