Công chúng đang góp phần thanh lọc làng giải trí

05/06/2024 - 05:51

PNO - Chỉ 1 ngày sau dòng trạng thái (status) đùa cợt kém duyên của họa sĩ Tạ Quốc Kỳ Nam, do sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, Nhà xuất bản Kim Đồng đã thông báo ngừng hợp tác với họa sĩ này.

Cộng đồng mạng cùng nhau "giữ chuẩn"

Ngày 15/5, sau khi Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng công bố bìa của tác phẩm Ouke No Monshou - Dấu ấn hoàng gia (tái bản từ bộ truyện nổi tiếng Nữ hoàng Ai Cập), họa sĩ thiết kế bìa Tạ Quốc Kỳ Nam chia sẻ thêm trên trang cá nhân quá trình thực hiện.

Vốn nổi tiếng hài hước, Kỳ Nam không bỏ qua cơ hội này để chọc cười mạng xã hội. Tuy nhiên, không giống như những lần đùa được hưởng ứng trước đây, lần này, Kỳ Nam tếu táo bằng những từ ngữ phản cảm, thiếu văn hóa.

Với tài khoản Facebook có xấp xỉ 100.000 người theo dõi, dòng trạng thái của Kỳ Nam được chia sẻ “nhanh như điện” trên mạng xã hội. Nhiều người đọc không chấp nhận cách trêu đùa này. Họ chỉ trích mạnh mẽ và dọa tẩy chay nếu NXB vẫn phát hành ấn phẩm do Kỳ Nam vẽ minh họa.

Nhà xuất bản Kim Đồng cắt hợp đồng với Tạ Quốc Kỳ Nam, chọn họa sĩ thay thế, đồng thời lùi thời gian  phát hành bộ sách sau khi Kỳ Nam đăng dòng trạng thái thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội
Nhà xuất bản Kim Đồng cắt hợp đồng với Tạ Quốc Kỳ Nam, chọn họa sĩ thay thế, đồng thời lùi thời gian phát hành bộ sách sau khi Kỳ Nam đăng dòng trạng thái thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội

Nhận thấy lời đùa gây phản ứng tiêu cực, Kỳ Nam lên tiếng xin lỗi, nhận mình còn nhiều thiếu sót, chưa lường được hậu quả khi đùa cợt, nhưng cộng đồng mạng không bỏ qua.

NXB Kim Đồng đã đăng “tâm thư” xin lỗi bạn đọc, hủy bỏ toàn bộ thiết kế mà Kỳ Nam ròng rã thực hiện trong hơn 1 năm qua dù chất lượng rất tốt. Động thái của Kim Đồng đã nhận được sự tán thưởng của đông đảo độc giả.

Vụ việc trên một lần nữa cho thấy “sức mạnh mềm” của công chúng, nhắc chúng ta nhớ lại vụ việc đình chỉ chức vụ đối với một vị giám đốc công ty sách bị tố có hành vi quấy rối tình dục, xảy ra cách đây chưa lâu.

Nhiều năm qua, mạng xã hội dần trở thành nơi để phán xét những hành vi ứng xử không phù hợp của văn nghệ sĩ, người nổi tiếng. Cộng đồng mạng vào tận fanpage (trang trên Facebook) của đơn vị sản xuất chương trình để đưa ra yêu cầu xử lý những đối tác có phát ngôn thiếu chuẩn mực, nếu không, họ sẽ tẩy chay sản phẩm.

Do sợ ảnh hưởng hình ảnh, thương hiệu và nhiều hệ lụy khác, các nhà sản xuất buộc phải nghiêm túc đánh giá vụ việc và đưa ra biện pháp cụ thể.

Đơn cử, sau hơn 2 năm kể từ khi bị cộng đồng mạng phanh phui chuyện vụng trộm tình cảm, dẫu đã nước mắt ngắn dài xin lỗi, nữ ca sĩ Hiền Hồ vẫn chưa thể quay lại làng giải trí. Khi cô ra mắt sản phẩm mới hay biểu diễn ở bất kỳ đâu, khán giả đều phản đối, chế giễu. Thậm chí, một số nơi mời ca sĩ này biểu diễn đã phải hủy chương trình do bị khán giả chỉ trích, cho rằng cô không đủ tư cách.

Phản ứng “đến nơi đến chốn” của một bộ phận khán giả hiện tại là hồi chuông cảnh tỉnh người nổi tiếng bởi trước đó, từng có nhiều vụ tương tự nhưng sau đó họ vẫn hoạt động trở lại.

Quốc Tuấn - nhân viên văn phòng ở TPHCM - nêu quan điểm: “Nghệ sĩ sống nhờ tình cảm của khán giả, nên phải chứng minh mình xứng đáng với tình cảm đó qua cả tác phẩm lẫn lối sống. Họ có sức ảnh hưởng rộng lớn thì càng phải sống chuẩn mực để truyền cảm hứng tích cực cho mọi người, đặc biệt là người trẻ”.

Cần sự trợ lực từ luật pháp

Đã có nhiều vụ việc gây bức xúc cộng đồng mạng được cơ quan chức năng sớm giải quyết, như vụ người đẹp Ngọc Trinh đăng những video quay các tư thế nguy hiểm trên xe phân khối lớn, Nam Em gây náo loạn mạng xã hội với những phát ngôn, câu chuyện xàm xí hay ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng diện trang phục lạ trong show diễn gần đây. Có thể nói, áp lực từ dư luận đã khiến các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc.

Tuy nhiên, mức xử phạt đối với các hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật của văn nghệ sĩ, người nổi tiếng vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo ông Nguyễn Ngọc Long - nhà sáng lập Công ty TNHH Truyền thông Trăng Đen - khán giả có quyền lực nhưng quyền lực đó cũng bị phân mảnh.

Trong thực tế, văn nghệ sĩ nào cũng có một lượng người hâm mộ (fan) trung thành nên đôi khi lượng người phản ứng bị yếu thế so với bên bênh vực. Do đó, quyền lực mềm của khán giả phải được kết hợp với quy định pháp luật, mới đủ sức mạnh chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn của những người nổi tiếng.

Đàm Vĩnh Hưng bị nhiều khán giả phản ứng vì  đeo huy hiệu “lạ” tại show Ngày em thắp sao trời  diễn ra hôm 4/5 - Ảnh Facebook nhân vật
Đàm Vĩnh Hưng bị nhiều khán giả phản ứng vì đeo huy hiệu “lạ” tại show Ngày em thắp sao trời diễn ra hôm 4/5 - Ảnh Facebook nhân vật

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang soạn dự thảo nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định mới về xử lý hành vi lệch chuẩn trên mạng, trong đó có mức phạt bổ sung là hạn chế xuất hiện hình ảnh của những người vi phạm. Việc này xuất phát từ thực tế là mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc cấm hoặc hạn chế hoạt động của các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn là giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nghệ sĩ cần được giáo dục, đào tạo về giá trị đạo đức và văn hóa để hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật và giải trí.

Ông nói: “Rất cần có các quy định, tiêu chuẩn cụ thể, chặt chẽ về nội dung và chất lượng sản phẩm nghệ thuật, giải trí. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý và giám sát hoạt động của các nghệ sĩ bởi lời nói, hành động của họ có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng”.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM làm việc với Nam Em vào ngày 1/3 và xử phạt nghệ sĩ này vì hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc - Ảnh do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cung cấp
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM làm việc với Nam Em vào ngày 1/3 và xử phạt nghệ sĩ này vì hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc - Ảnh do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cung cấp

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 JobWay, Cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam - lưu ý, cơ quan quản lý nên thiết lập quy định về các tiêu chuẩn đạo đức cụ thể cho nghệ sĩ nhưng cũng cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sự sáng tạo và quyền tự do ngôn luận của công dân.

Nên cấm “sóng” nếu nghệ sĩ tái phạm

Theo tôi, việc đưa ra quy định hạn chế sự xuất hiện hình ảnh của nghệ sĩ, người nổi tiếng lệch chuẩn, vi phạm pháp luật là thực sự cần thiết, hợp lý. Người càng có sức ảnh hưởng trong xã hội thì càng phải sống, làm việc đúng chuẩn mực để tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Cần có sự thông cảm nếu họ vô tình vi phạm, nhưng nếu họ cố tình lợi dụng sự ồn ào để gây chú ý thì phải xử lý nghiêm để làm gương. Vì bất kỳ ai cũng phải sống, hoạt động theo quy định luật pháp, quy định. Các đơn vị quản lý nghệ sĩ, hội nghề nghiệp cũng cần thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức trách nhiệm cho nghệ sĩ.

Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến - Giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ

Dùng “quyền lực mềm” phải đúng mực

Ai có quyền lực cũng muốn sử dụng nhưng cần cân nhắc về mục đích, cách thể hiện. “Cái tôi chung” của cộng đồng rất lớn nên dễ lạm dụng, mất kiểm soát.

Ở Hàn Quốc, với tiêu chuẩn hoạt động khắt khe, áp lực xã hội lớn, không ít nghệ sĩ đã phải có kết cục xấu dù lỗi của họ không quá nghiêm trọng. Đây là điều rất đáng tiếc.

Việc hạn chế sự xuất hiện của nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện truyền thông là điều nên làm. Vấn đề là cơ quan quản lý phải hoàn thiện quy định và có văn bản hướng dẫn rõ ràng, thông suốt. Các nghệ sĩ nghiêm túc, tâm huyết với nghề mong chờ điều này để lọc bớt những trường hợp làm nghề không nghiêm túc.

Chuyên gia truyền thông Hồng Minh Quang

Một số khán giả lạm quyền, phán xét thiếu trách nhiệm

Khán giả có quyền giám sát, bày tỏ thái độ, ý kiến riêng đối với văn nghệ sĩ, người nổi tiếng. Trên thực tế, không phải khán giả nào cũng công tâm, có trách nhiệm, văn minh trong các nhận xét của mình.

Khi hoa hậu H’Hen Niê kêu gọi quyên góp 86 triệu đồng cho hoạt động trồng rừng, nhiều người đã ùa vào trang cá nhân của cô, cho rằng khoản này “bèo” quá, “có vậy cũng gọi là từ thiện” khiến cô buồn lòng.

Sau 4 ngày ra mắt, Tuấn Hưng phải gỡ video ca nhạc (MV) Quả táo vàng và khóa trang Facebook cá nhân do nhận quá nhiều lời chê bai. Diễn viên Kiều Minh Tuấn từng cho biết, rất mệt mỏi khi bị nhiều khán giả chỉ trích vô cớ dù anh chưa từng tự nhận mình là ngôi sao phim hành động.

Khi tham gia chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng trên truyền hình, chỉ vì thân thiết với Lệ Quyên, nữ ca sĩ Mlee đã bị lập hội anti, nhận nhiều lời chỉ trích dù chưa có thái độ, hành vi nào không đúng mực … Việc lạm quyền này vô tình biến một số khán giả trở thành “đám đông xấu xí” trên mạng.

Thành Lâm - Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI